Ngoài việc cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu, các di tích cổ đang xuống cấp, hiện nay việc bảo vệ cảnh quan của khu vực Công viên địa chất nói chung và của huyện Đồng Văn nói riêng, đang đặt ra những thách thức lớn trong việc phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Từ bao đời nay cuộc sống của người dân Hà Giang đều gắn chặt với đá, do đó việc khai thác đá, phá đá để phục vụ nhu cầu cuộc sống của đồng bào là không tránh khỏi. Việc phá đá không đúng quy hoạch sẽ làm suy giảm cảnh quan thiên nhiên của công viên; đồng thời tạo ấn tượng xấu đối với khách du lịch. Mặt khác, khi có sự tiếp xúc giao lưu với khách du lịch (nhất là khách du lịch có sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ), giá trị văn hóa của từng dân tộc sẽ có nguy cơ bị suy giảm và mai một dần nếu không được quan tâm gìn giữ.
Du lịch phát triển mang đến cho người dân nguồn thu trực tiếp thông qua hoạt động bán sản phẩm hàng hóa nông, lâm sản bản địa, các sản phẩm làng nghề truyền thống (thịt bò, rau sạch, cây dược liệu, rượu ngô, vải và sản phẩm may mặc từ lanh…). Họ cũng được hưởng lợi từ các loại phí và dịch vụ khi tham gia hướng dẫn du khách tham quan tại các làng văn hóa, tổ chức dịch vụ nghỉ tại nhà dân, chụp ảnh… Thông qua phát triển nhiều loại hình du lịch, người dân được hưởng lợi trực tiếp từ các dự án đầu tư khai thác và đầu tư hạ tầng, các dự án nghiên cứu trao đổi của các tổ chức chính trị xã hội, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế, đặc biệt là các hành động phát triển của Liên hợp quốc. Như vậy, việc phát triển du lịch sẽ góp phần quan trọng trong việc thay đổi đáng kể cuộc sống của người dân Đồng Văn, cũng như góp phần bảo tồn, tôn tạo các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Ngay từ bây giờ, Đồng Văn cần chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường bằng cách triển khai thực hiện nhiều giải pháp.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường
Trong công tác bảo vệ môi trường cần có sự phối hợp của các bên liên quan: cơ quan quản lý, cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp. Trong đó, để làm tốt việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường du lịch nói riêng chúng ta cần lấy cộng đồng làm trung tâm. Đặc điểm của cộng đồng dân cư ở đây là sự hài hòa của mười bảy sắc màu văn hóa, mỗi tộc người có phong tục khác nhau nhưng có điểm chung đó là cùng sinh sống trên cao nguyên đá, cuộc sống của họ không thể xa rời đá. Do đó, nhằm thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo nguồn tài nguyên cũng như bảo vệ môi trường, cần tuyên truyền cho những trưởng bản, cán bộ xã, lãnh đạo trường học ở địa phương về công tác bảo tồn di sản (bằng chính ngôn ngữ địa phương thì hiệu quả càng cao). Họ sẽ là những tuyên truyền viên tích cực nhất trong tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường. Đồng thời, địa phương cần đặc biệt lưu ý việc đưa Chương trình 30a gắn với yêu cầu gìn giữ bản sắc dân tộc, di sản thiên nhiên quý báu, tránh lãng phí và mai một bản sắc văn hóa dân tộc.
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng
Trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng cần ưu tiên cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang đô thị xanh, sạch, đẹp, an toàn (khơi thông cống rãnh, lát vỉa hè, lối đi đến các điểm du lịch và công viên cây xanh… ). Điều này vừa tạo thuận tiện cho du khách vừa góp phần nâng cao phúc lợi của nhân dân đô thị Đồng Văn, Phó Bảng; khu vực Cột Cờ Lũng Cú... Nguồn vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng chủ yếu là do Ngân sách Nhà nước hỗ trợ, vì huyện Đồng Văn là huyện vùng cao, nguồn thu ngân sách từ địa bàn còn hạn hẹp.
Huy động vốn
Nếu tăng cường huy động sự đóng góp của các doanh nghiêp, các tổ chức, cá nhân trong, ngoài địa bàn huyện và dân cư sở tại sẽ tạo ra vốn đầu tư không nhỏ cho công tác bảo vệ môi trường. Việc đóng góp có thể thực hiện bằng nhiều hình thức như đóng góp bằng tiền, bằng ngày công lao động (làm sạch môi trường, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình nhận trồng và bảo vệ cây xanh trên các tuyến đường của huyện...).
Đầu tư bảo tồn, phát huy môi trường nhân văn
Nên sớm quy hoạch khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, các đội văn nghệ dân gian tiêu biểu đã, đang có ở nơi đây. Xây dựng một số làng văn hóa du lịch lồng ghép với Chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phục vụ khách du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc vùng cao. Để thực hiện giải pháp này, nên và cần có “cú hích” từ Ngân sách Nhà nước TW, tỉnh Hà Giang, vì kinh phí đầu tư của địa phương và dân cư nơi đây còn rất hạn hẹp.
Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch gắn với vấn đề bảo vệ môi trường
Hàng năm tổ chức các khóa huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm về tổ chức, quản lý cho các nhà quản lý kinh doanh dịch vụ và các nghiệp vụ kỹ thuật, chuyên môn cho người lao động trong ngành du lịch – dịch vụ trên địa bàn huyện. Đồng thời, tổ chức các đoàn cán bộ quản lý nhà nước, quản lý kinh doanh du lịch – dịch vụ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước. Do đồng bào ở đây chủ yếu là dân tộc thiểu số nên cần áp dụng phương pháp đào tạo “cầm tay chỉ việc” và hình ảnh trực quan để tăng hiệu quả đào tạo, nhất là đào tạo bồi dưỡng những hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch để làm tốt công tác hướng dẫn du lịch và bảo vệ môi trường.
Hy vọng trong tương lai gần, cùng với sự phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang và cả nước, Đồng Văn sẽ làm tốt việc phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, để sớm trở thành khu du lịch quốc gia trọng điểm xanh - sạch - đẹp./.
Nguyễn Thị Thu Trang
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)