Biến động hệ sinh thái và cảnh quan đầm Đông Hồ
Xung quanh đầm Đông Hồ và trên những cồn nổi có rất nhiều cư dân sinh sống. Thuyền đưa chúng tôi ghé thăm ấp Cừ Đứt, chứng kiến cuộc sống hàng ngày không có nước ngọt, người dân phải đổi bằng tiền mới có được từng chậu nước để vo gạo, rửa rau, giặt giũ, tắm giặt… Tôi hỏi một người dân, thì bác trả lời: “Hàng ngày có thuyền đem nước đến đây đổi cho chúng tôi với giá 5.000 đồng một gánh nước ngọt”. Từ lâu người dân địa phương và các nơi khác đã đến làm ăn, sinh sống quanh khu vực đầm Đông Hồ; người dân tự ý lấn chiếm lòng hồ, trồng cây, giăng đáy (cắm cọc kéo lưới ngang lòng hồ), đặt đăng, nò, dến… khai thác thuỷ sản gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
Đầm Đông Hồ chứa một nguồn tài nguyên sinh vật vô cùng đa dạng. Trong khu vực đầm có 400ha rừng ngập mặn, phần lớn là loài dừa nước (chiếm 327ha), đây là một hệ sinh thái lý tưởng cho sự sinh nở của các loài thủy sản. Các hoạt động đánh bắt cá bằng đăng, lưới, thả chà trong lòng đầm gây hiện tượng gia tăng mức độ bồi lắng ảnh hưởng đến dòng chảy lũ, giảm dung tích chứa nước và ảnh hưởng đến sự an toàn của đầm Đông Hồ. Người dân xung quanh đầm cũng đã tranh thủ mở rộng diện tích trồng dừa nước ra các vùng bãi bồi để khai thác lá dừa, khiến dòng chảy trong lòng hồ bị chậm lại ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ.
TS. Nguyễn Ngọc Trân, Trung tâm Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long cho biết, trong vài thập niên trở lại đây, quá trình bồi lắng tự nhiên của dòng chảy, hiện tượng biến đổi khí hậu, cùng với những tác động tiêu cực của con người đã làm hệ sinh thái và cảnh quan đầm Đông Hồ biến động đáng kể, nguy cơ bị ô nhiễm và mực nước cạn dần ngày càng rõ rệt. Từ năm 2003, kè lấn biển ngay sát cửa biển về phía bên trong để làm khu thương mại được xây dựng đã giúp đất liền lấn ra biển được 4ha, nhưng khiến mặt cắt cửa biển bị thu hẹp. Năm 2005, một dự án kè lấn biển quy mô khoảng 100ha được xây dựng bên ngoài cửa biển về phía bờ Bắc đã làm thay đổi hẳn diện mạo cửa thông ra biển của Đông Hồ. Hiện nay, một dự án kè lấn biển khác ngay sát cửa biển, về phía bờ Nam cũng đang được triển khai, diện mạo vịnh Thuận Yên sẽ lại một lần nữa bị biến dạng.
Bảo tồn và khai thác bền vững
Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đang triển khai Dự án bảo vệ môi trường đầm Đông Hồ, gắn kết với chiến lược bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của Hà Tiên để khai thác kinh tế du lịch, trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu do Chính phủ Australia và Đức tài trợ với tổng số tiền 63,7 triệu USD, triển khai từ tháng 6/2011 đến tháng 6/2016. Đầm Đông Hồ là một khu bảo tồn thiên nhiên quý báu trong tổng thể Khu dự trữ sinh quyển thế giới tỉnh Kiên Giang đã được UNESCO công nhận, vì vậy khu vực này là một trong những điểm bảo tồn quan trọng thuộc dự án, sẽ phát triển hệ thống rừng ngập mặn và hệ thống đê biển tại đây.
Ông Trương Thanh Hùng – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang, đề nghị nên chú trọng khai thác loại hình du lịch văn hóa tại đầm Đông Hồ với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của thắng cảnh này. Nên xây dựng một bảo tàng Chiêu Anh Các tại khu vực cồn nổi giữa lòng hồ để khai thác loại hình du lịch, dịch vụ văn hóa.
Mục tiêu trong giai đoạn 2012 - 2020, đầm Đông Hồ sẽ là điểm nhấn giúp cho thị xã Hà Tiên trở thành thành phố văn hóa du lịch. Có ba định hướng lớn liên quan đến quản lý và khai thác đầm Đông Hồ là phát triển du lịch – dịch vụ; trồng rừng sinh thái và nuôi trồng hải sản. Đến thời điểm này, Hà Tiên đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng công viên văn hóa – du lịch tại cồn khoảng 27ha, dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, nhiều dự án khác cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới: dự án bờ kè phía Đông Nam đầm thuộc phường Tô Châu; dự án bờ kè Đông Hồ phía Tây; dự án xây dựng đường và cầu nối liền từ Hà Tiên đến cù lao Cừ Đứt; dự án đường giao thông vành đai quanh đầm Đông Hồ.
Quy hoạch đầm Đông Hồ sẽ phân làm ba khu vực. Khu vực bảo tồn đa dạng sinh học, sẽ nạo vét lòng hồ, đưa độ cao đáy hồ về mực nước như xưa để giữ lại cảnh “Đông Hồ ấn nguyệt” và tạo điều kiện phát triển rừng ngập mặn. Khu vực nuôi trồng thủy sản kết hợp bảo tồn các nguồn lợi thủy hải sản theo lối quảng canh. Khu vực du lịch và thương mại, ngoài công viên văn hóa 27ha đa chức năng phục vụ nhu cầu ăn nghỉ, tham quan kết hợp với vui chơi giải trí cho du khách, sẽ xây dựng nhà vườn dưới tán cây hai bên cù lao Cừ Đứt. Ở khu vực Vàm Hàn giáp biên giới Campuchia sẽ xây dựng một khu hành chính, trung tâm thương mại gắn với phát triển dân cư biên giới, cho phép buôn bán để cơ quan chức năng dễ kiểm soát.
Để hoạt động kinh doanh du lịch tại Hà Tiên tăng hiệu quả, rất cần sự chung tay của các cơ quan quản lý và cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ môi trường đầm Đông Hồ, gắn kết với chiến lược bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương.
Đầm nước mặn Đông Hồ là một điểm nhấn quan trọng trong hệ thống đầm phá ven biển của Việt Nam, góp phần rất lớn phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tiên hơn 300 năm qua. Từ thời Mạc Cửu đến đây lập nghiệp (1700 - 1771) đã biến nơi này thành một thương cảng sầm uất gọi là cảng Khẩu. Đông Hồ còn có điểm độc đáo ít đầm nước mặn nào có là nước trong hồ thay đổi theo mùa, mùa khô nước mặn, mùa mưa lại có nước ngọt. |
Chu Minh Khôi
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)