Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lý Đình Quân – Giám đốc SHi cho biết: Du lịch thông minh là lĩnh vực còn mới tại Việt Nam. Các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn do nhận thức xã hội còn hạn chế, khó khăn trong việc kết nối các nguồn lực cũng như vốn đầu tư và do các nguồn lực của hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch còn tương đối rời rạc. Việc tổ chức hội thảo lần này nhằm tham vấn ý kiến các thành tố trong hệ sinh thái của du lịch thông minh, như cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trẻ và các dự án khởi nghiệp; từ đó xây dựng nhận thức, tạo nền tảng chuyên môn để SHi và Tổng cục Du lịch đưa ra các sáng kiến hỗ trợ các dự án khởi nghiệp và tổ chức một số hoạt động kết nối thị trường, cung cầu, đầu tư vào tháng 12/2019 trên cả nước.
Hội thảo đã phân tích, giải thích nhiều vấn đề liên quan đến du lịch thông minh và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong ngành Du lịch. Trao đổi về khái niệm của du lịch thông minh, ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc TITC cho biết: Các yếu tố chính của du lịch thông minh là nhanh, đơn giản về giao diện, hiệu quả, thuận tiện nhưng quan trọng nhất là tạo ra giá trị. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Dương – CEO của Ezcloud nhấn mạnh du lịch thông minh là tạo ra các sản phẩm giúp đơn vị hoạt động trong lĩnh vực có thể giảm nhân lực, các hệ thống quản lý được đơn giản hóa và tự động hóa. Ví dụ Ezcloud đã tạo ra sản phẩm giúp vận hành các khách sạn từ 1-3 sao, giúp chủ khách sạn quản lý hiệu quả hơn, lợi nhuận cao hơn khi giảm chi phí vận hành dẫn đến giá bán rẻ hơn và khách hàng được hưởng lợi.
Ngoài công nghệ thì yếu tố con người cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ông Lý Đình Quân cho rằng, du lịch thông minh gắn với yếu tố con người thì sẽ mang cơ hội rộng rãi hơn cho nhiều người dân Việt Nam chứ không chỉ riêng cho những start-up hay những người nắm được công nghệ. Chuyên gia Mark Kierans (Hà Lan) chia sẻ: Con người là nguồn lực quan trọng nhất của ngành du lịch và khách sạn. Trong bối cảnh mà các dịch vụ được đặt online, du khách đã tìm hiểu rất kỹ thậm chí biết hết các thông tin về điểm đến trước khi đặt chân tới đó. Điều quan trọng nhất khi du khách đến, những trải nghiệm trực tiếp giữa con người với con người sẽ là điều họ nhớ mãi và là những câu chuyện họ chia sẻ với nhiều người khác. Ngoài ra, du lịch thông minh là để cho những người dân trên khắp cả nước, vùng sâu vùng xa đều được hưởng lợi từ du lịch, sử dụng công nghệ để mang cơ hội đến cho tất cả, đặc biệt là những nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em…
Tại hội thảo, đại diện Tổng cục Du lịch, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Hà Nội, tổ chức PUM (Hà Lan), và một số bên liên quan đã có những phát biểu cam kết, chia sẻ và đồng hành với các start-up du lịch thông minh, tăng cường kết nối giữa các thành tố của hệ sinh thái để hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp ở những góc độ khác nhau. Ông Lê Tuấn Anh nhấn mạnh: Tổng cục Du lịch sẽ tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp du lịch thông minh để đồng hành và hỗ trợ giới thiệu các start-up ra thị trường khu vực, kết nối với các nhà đầu tư quốc tế và hỗ trợ quảng bá, nhân rộng những mô hình tốt. SHi đã ký kết hợp tác với Edubelife để tăng cường khả năng hỗ trợ các start-up về hoàn thiện bộ máy quản trị tài chính, lập hồ sơ gọi vốn và nhiều vấn đề pháp lý mà đang là điểm yếu của các start-up mới tại Việt Nam hiện nay.
HN