Đổi mới nhận thức về dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành Du lịch
Đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò của ngoại ngữ đối với người làm du lịch trong bối cảnh hội nhập khu vự và quốc tế sâu rộng hiện nay; đổi mới nhận thức về cách dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành du lịch theo hướng tích hợp gắn với phát triển các đơn vị năng lực cần thiết cho mỗi vị trí công tác trong ngành. Từ đó mới tổ chức thay đổi nội dung, chương trình, tổ chức dạy học, cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ phù hợp. Chuyển từ xác định mục tiêu học tập dựa theo nội dung (content objectives) sang mục tiêu thể hiện (performance objectives); chuyển từ đào tạo ngoại ngữ lấy việc dạy của giáo viên làm trung tâm sang lấy việc học, tự học, tự luyện tập của người học làm trung tâm; chuyển đổi mô hình quản lý quá trình dạy học theo mục tiêu chuẩn đầu ra và phát triển năng lực của cả người dạy và người học…
Xây dựng chuẩn năng lực ngoại ngữ chuyên ngành Du lịch
Xây dựng hệ thống chuẩn năng lực ngoại ngữ (CNLNN) của ngành dùng làm căn cứ thống nhất về yêu cầu năng lực cho tất cả các ngoại ngữ được giảng dạy ở các chương trình đào tạo ngoại ngữ và người học ngoại ngữ trong lĩnh vực du lịch. CNLNN là căn cứ thống nhất để các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình, biên soạn hoặc lựa chọn học liệu, xây dựng kế hoạch giảng dạy, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá năng lực ngoại ngữ của người học ở từng chuyên ngành, nghề về du lịch, bảo đảm sự liên thông trong đào tạo ngoại ngữ giữa các hệ, chuyên ngành đào tạo.
Tăng cường năng lực đội ngũ
Đổi mới bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, giảng viên ngoại ngữ thiết thực, gắn với năng lực thực hiện nhiệm vụ ở từng vị trí công tác, chú trọng tới xây dựng cơ chế, biện pháp hỗ trợ đội ngũ tự bồi dưỡng hiệu quả. Bồi dưỡng đội ngũ làm công tác liên quan đến đào tạo ngoại ngữ theo định hướng năng lực thực hiện; cần quan tâm về năng lực tiếng; phương pháp giảng dạy; ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học ngoại ngữ; phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của người học; quản lý, tổ chức các hoạt động đổi mới dạy và học ngoại ngữ.
Đổi mới chương trình, phương pháp và tổ chức dạy học theo tiếp cận lấy người học làm trung tâm
Đổi mới thiết kế các chương trình môn học (CTMH) trong đào tạo môn ngoại ngữ chuyên ngành gắn với yêu cầu năng lực ngoại ngữ của ngành Du lịch, mô hình phát triển CTMH gắn với phân tích tình huống sử dụng ngoại ngữ trong nghề nghiệp tương lai của người học thuộc lĩnh vực du lịch. CTMH định rõ nội dung kiến thức, thời lượng, hình thức và phương pháp dạy học. Đồng thời, CTMH gợi mở cho người học những tài liệu tham khảo liên quan đến môn học nhằm khuyến khích người học mở rộng phạm vi nghiên cứu, phát triển khả năng tự học cho người học.
Tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy và hình thức tổ chức lớp học. Ứng dụng phương pháp dạy học tích hợp giữa ngôn ngữ và chuyên ngành. Dạy ngôn ngữ, phát triển kỹ năng giao tiếp qua các tình huống thực tế tại nơi làm việc, giúp người học đạt được hai mục đích giáo dục là học ngoại ngữ và học nghề trong cùng một khung thời gian hạn chế. Song song với đổi mới phương pháp giảng dạy phải đổi mới hình thức tổ chức dạy và học; đa dạng hóa hình thức dạy học, tạo điều kiện cho người học chủ động, tích cực trong quá trình hướng đích đạt các yêu cầu thực tiễn tại doanh nghiệp và chuẩn năng lực ngoại ngữ chuyên ngành mà Bộ Giáo dục Đào tạo đã quy định.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông
Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) mở ra triển vọng to lớn trong việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và quản lý quá trình dạy học. Những phương pháp dạy học (PPDH) theo tiếp cận kiến tạo, PPDH dự án, dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề ngày càng có nhiều điều kiện để ứng dụng; các bài giảng của giáo viên được sinh động, thuận lợi nhiều; đặc biệt có thể sử dụng CNTT-TT trong tất cả các loại hình đánh giá đầu vào, thường xuyên, đối sánh, kết thúc; trong tất cả các khâu của quá trình đánh giá…
Nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ du lịch là vấn đề bức thiết trong ngành Du lịch hiện nay. Đề xuất trên có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy quá trình đổi mới công tác đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành Du lịch ở Việt Nam theo hướng đào tạo nhân lực có trình độ ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu của các chuẩn đầu ra, nhu cầu thực tế tại các doanh nghiệp và hội nhập quốc tế.
Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Thị Điệp (2014), Hướng tới thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN, Tạp chí Du lịch Việt Nam số tháng 1-2/2014.
2. Hoàng Văn Thái (2014), Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội trong bối cảnh đổi mới giáo dục, Website Trường CĐDLHN/Nghiên cứu trao đổi, Hà Nội.
|
ThS. Hoàng Văn Thái
ThS. Nguyễn Hải Yến
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)