Tòa trung điện có kiến trúc chồng diêm 8 mái, các tòa khác trong đền đều có kiến trúc 4 mái, đầu đao cong vút. Các công trình đều đồ sộ, cột to, tường dày vững chắc nhưng các chi tiết, hoa văn được đắp, chạm tinh tế, toát lên vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát. Thượng điện đặt ban thờ Thục An Dương Vương; trung điện đặt ban thờ Cao Lỗ, tướng giúp vua chế tác nỏ thần. Đền Cuông có nhiều di vật quý: trống, chiêng, tượng thờ, đồ tế khí... Nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu bằng chữ Hán trên các bức hoành phi, cột, trụ biểu nhắc nhở con cháu, muôn dân luôn nhớ ân đức Thục An Dương Vương.
![](/FileManager//uploads/images/Nam2014/Thang1/Presentation1(5).jpg)
Đền Cuông – sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên
Lễ hội Đền Cuông diễn ra từ ngày 14 – 16 tháng 2 âm lịch hàng năm để nhớ tới ân đức của Thục An Dương Vương. Theo lễ tục, chiều ngày 14 tháng 2 là lễ yết cáo để tạ ơn Thục An Dương Vương và trời đất; đêm ngày 14 là lễ yến vị diễn ra mang đậm màu sắc tâm linh, đồng thời phản ánh rõ nét văn hóa ẩm thực của cả vùng; sáng ngày 15 là phần rước kiệu từ đình Xuân Ái (Diễn An), nhà thờ họ Cao (Diễn Thọ) ra đền Cuông; chiều 15 tháng 2 là phần lễ tạ…
Phần hội diễn ra từ ngày 15 đến hết ngày 16 tháng 2 âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa dân gian như như chọi gà, cờ người, vật, đánh đu,... cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như hát chầu văn, thi nét đẹp đền Cuông, bóng bàn, kéo co, chọi gà, leo núi...
Đến với đền Cuông là đến với một danh thắng có nhiều phong cảnh đẹp, đắm trong huyền thoại thiêng liêng đậm chất bi hùng lịch sử. Đó cũng là cách trở về cội nguồn, được hòa mình vào hồn thiêng sông núi của nước non Âu Lạc.
Ths Nguyễn Thanh Điệp