Vị thế của điểm đến trong hoạt động du lịch
Tổ chức Du lịch thế giới đã tổng kết kết quả nghiên cứu về điểm đến của 52 quốc gia và vũng lãnh thổ để cho ra đời tài liệu “Handbook on tourism product Development” vào năm 2011 nhằm hướng sự chú ý của các nhà quản lý và quản trị du lịch trên phạm vi toàn cầu vào vấn đề “Điểm đến du lịch” hiện nay.
Ở nước ta, trong các thập niên vừa qua sự tăng trưởng của du lịch nội địa và quốc tế cũng tùy thuộc chủ yếu vào sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng của các điểm đến trong phạm vi cả nước. Trong đó, có những điểm đến đã trở thành thương hiệu ổn định của Du lịch Việt Nam trong thị trường khu vực và thị trường châu Á – Thái Bình Dương. Ví dụ như các điểm đến phố cổ Hà Nội, Sapa, vịnh Hạ Long, cố đô Huế, phổ cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn... Để có những điểm đến hấp dẫn ấy, một mặt Việt Nam đã tiến hành bảo tồn các tài nguyên du lịch, các di sản văn hóa, lập và trình hồ sơ để được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa, hoặc di sản thiên nhiên thế giới.
Mặt khác, Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như đường sá, phương tiện vận chuyển, hệ thống khách sạn, nhà hàng, các khu vui chơi giải trí đa dạng, đa năng, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc để phục vụ du khách. Đồng thời tiến hành xúc tiến – quảng bá các điểm đến của Việt Nam ra thị trường trong nước và quốc tế. Năm 2012, Việt Nam đón hơn 6,8 triệu lượt khách quốc tế và hàng chục triệu lượt khách nội địa. Du lịch trở thành một điểm sáng trong điều kiện kinh tế trong nước cũng như quốc tế đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Chất lượng của điểm đến
Nói đến chất lượng của điểm đến du lịch là phải nói đến chất lượng của các chuỗi sản phẩm thuộc điểm đến cung ứng cho khách du lịch và tính đồng bộ giữa các chuỗi sản phẩm ấy như: chuỗi sản phẩm cung ứng cho nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá của du khách; chuỗi sản phẩm thuộc cơ sở hạ tâng của điểm đến; chuỗi sản phẩm thuộc các dịch vụ bổ sung tại điểm đến.
Mỗi chuỗi sản phẩm như vậy lại hàm chứa những đặc điểm chất lượng chuyên biệt được định lượng và định tính rất nhiêm ngặt. Ví dụ: ở chuỗi sản phẩm cung ứng cho nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá của du khách đòi hỏi rất cao tính nguyên bản, nguyên sơ, bản sắc văn hóa vùng miền. Càng cổ, càng nguyên bản giá trị càng cao. Đó chính là các di tích lịch sử - văn hóa, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: di sản Kim Tự Tháp (Ai Cập), Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), Khải Hoàn Môn (Pháp), cố đô Huế, phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn (Việt Nam)... hoặc các vịnh biển, bãi biển, thác nước, hang động, đỉnh đồi, các vùng rừng nguyên sinh đa dạng về thảm thực vật và hệ sinh thái động vật nguyên sơ... Ở loại hình sản phẩm này nếu có sự can thiệp của con người đương đại cũng chỉ nhằm mục đích bảo tồn nguyên vẹn, chứ không được can thiệp để làm sai lệch giá trị ban đầu. Chính điều này nhắc nhở và cảnh báo các nhà đầu tư du lịch phải tôn trọng tính nguyên bản của các phân điểm tham quan, nghỉ dưỡng trong tổng thể điểm đến du lịch. Không được đầu tư để phá hủy hoặc làm biến dạng các di tích lịch sử - văn hóa, các danh thắng của đất nước. Điều đó cũng đã được quy định chặt chẽ trong Luật Di sản văn hóa và Luật Du lịch.
Ở chuỗi sản phẩm được cung ứng từ cơ sở hạ tầng của điểm đến, quan trọng nhất là hệ thống giao thông và phương tiên vận chuyển nội điểm, hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí và điểm mua sắm. Đối với chuỗi sản phẩm giao thông và phương tiện vận chuyển nội điểm đòi hỏi phải hài hòa giữa hiện đại, thuận tiện, lịch sự, an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời lại phải có mặt những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền như xe ngựa, xích lô, thuyền nan, thuyền rồng, vận chuyển bằng voi, lạc đà... Chính các phương tiện vận chuyển truyền thống tại các điểm du lịch trong các cự ly ngắn đã tạo nên nguồn cảm hứng cực kỳ thú vị cho du khách. Vì lẽ ấy, nhiều du khách quốc tế đã chọn xích lô để tham quan phố cổ Hà Nội. Nó tạo nên nét riêng rất độc đáo, thanh bình của du lịch phố cổ Hà Nội. Đối với chuỗi sản phẩm khách sạn – nhà hàng ngoài tiêu chuẩn được xếp hạng, các tiêu chuẩn thực đơn Âu, Á, du khách còn quan tâm nhiều đến bản sắc vùng miền trong trang trí phòng ngủ, các món, đồ uống và thái độ ứng xử của đội ngũ nhân viên khách sạn – nhà hàng. Riêng tinh hoa ẩm thực bản địa thì hầu như tất cả điểm đến trên thế giới đều đặc biệt coi trọng để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của du khách. Đối với chuỗi sản phẩm vui chơi giải trí, yếu tố bản sắc là quan trọng nhất để chinh phục du khách. Vì vậy “Rối nước Thăng Long”, “Ca Huế” trên sông Hương, “Đờn ca tài tử trên sông Hậu”… luôn luôn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đối với chuỗi sản phẩm mua sắm cung ứng cho khách du lịch kể cả các mặt hàng lưu niệm thì đòi hỏi tính đẳng cấp, bản sắc văn hóa và giá cả hợp lý. Đây cũng là một nguồn thu chiếm tỷ lệ không nhỏ trong kinh doanh du lịch. Vì vậy, các điểm đến nổi tiếng trên thế giới đều đầu tư cho việc tạo ra nhiều sản phẩm mua sắm với các chủng loại đa dạng để làm thỏa mãn nhu cầu của nhiều đối tượng khách du lịch khác nhau.
Ở chuỗi sản phẩm dịch vụ bổ sung trong kinh doanh du lịch tại điểm đến thì cực kỳ đa dạng. Tuy nhiên có một lĩnh vực tại điểm đến đặc biệt thu hút sự quan tâm của khách mà chúng ta ít đề cập. Đó là cuộc sống hàng ngày của cư dân tại điểm đến. Đó là một bộ phận hết sức quan trọng cấu tạo thành điểm đến du lịch. Không coi trọng lĩnh vực này là đánh mất một trong những giá trị của các điểm đến du lịch.
Từ các chuỗi sản phẩm trên đây, chất lượng tổng thể của điểm đến phụ thuộc vào sự đồng bộ giữa các chuỗi sản phẩm. Bởi lẽ chỉ cần trục trặc ở một khâu nào đó giữa các chuỗi sản phẩm là ảnh hưởng ngay tới chất lượng của điểm đến. Ví dụ: chỉ cần bãi tắm biển bị ô nhiễm, vắng khách thì ảnh hưởng ngay tới lượng khách lưu trú của khách sạn. Vì vậy tính đồng bộ giữa các chuỗi sản phẩm tại một điểm du lịch là vấn đề đang được thế giới rất quan tâm. Ở nước ta cũng vậy, đây là vấn đề nổi cộm hiện nay cần phải được giải quyết để phát triển du lịch bền vững.
Trên thực tế số lượng điểm đến ở nước ta rất lớn và đa dạng về chủng loại. Tuy nhiên, mức độ chất lượng giữa các điểm đến không đồng đều về các chuỗi sản phẩm và đặc biệt là tính đồng bộ giữa các chuỗi sản phẩm ấy. Hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể kinh doanh du lịch vẫn thường xảy ra.
Giải pháp nâng cao chất lượng điểm đến của Du lịch Việt Nam
Để nâng cao chất lượng điểm đến, thiết nghĩ cần phải phân cấp mạnh hơn về quản lý chất lượng tổng thể của điểm đến, mà vai trò chủ yếu thuộc về chính quyền các cấp có điểm đến du lịch tại địa phương. Chính quyền địa phương cần phối hợp với các chủ thể kinh doanh du lịch và cư dân địa phương cũng như khách du lịch để đi tới cam kết đảm bảo chất lượng chung. Từ đó phân cấp, phân nhiệm rõ ràng cho từng chủ thể kinh doanh cũng như cư dân địa phương phải tự giác thực hiện để đảm bảo lợi ích chung. Đồng thời với công việc đó là kiểm tra, nhắc nhở những cá nhân và đơn vị làm tốt, cũng như uốn nắn, phê bình cá nhân và đơn vị chưa tốt. Nói cách khác, chính quyền địa phương nên là nhạc trưởng để điều hòa các mối quan hệ mà tạo ra chất lượng chung của toàn điểm. Những bài học thành công từ điểm đến phố cổ Hội An, điểm đến quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh... đã minh chứng vai trò nhạc trưởng này.
Trần Dũng Hải
ĐH Văn hóa Hà Nội
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)