Chùa Thầy và lễ hội
Chùa Thầy thuộc địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, là ngôi chùa có tuổi thọ gần ngàn năm và gắn liền với cuộc đời tu hành của thiền sư Từ Đạo Hạnh; chùa Thầy nổi tiếng vì sự linh thiêng, kiến trúc mỹ thuật độc đáo, lễ hội đặc sắc.
Lễ hội chùa Thầy diễn ra từ ngày 5 đền ngày 7 tháng 3 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, kể từ sau Tết Nguyên đán, lượng khách du lịch về đây rất đông cho đến hết tháng 3 âm và vãn cảnh chùa quanh năm. Những năm gần đây, công tác tổ chức và quản lý lễ hội đã được chính quyền địa phương chú trọng theo chiều sâu. Nạn chèo kéo, ô nhiễm môi trường… đã được khắc phục và cải thiện rõ rệt.
Đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, có khả năng phục vụ khách nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh chùa Thầy đến với du khách. Hiện nay, có 8 hướng dẫn viên làm việc tại di tích, đảm bảo luân phiên phục vụ đủ so với nhu cầu kể cả vào mùa lễ hội.
Hiện tượng ô nhiễm môi trường được xử lý triệt để. Địa phương đã tăng cường hoạt động vệ sinh thu gom rác khu vực chùa Cả, hồ Long Trì và trên núi. Đặc biệt vào thời điểm chuẩn bị cho lễ hội, đoàn Thanh Niên và Trường THCS Sài Sơn thường phát động phong trào “Ngày Chủ nhật tình nguyện” với sự tham gia của hàng trăm học sinh, đoàn viên thanh niên cùng nhau tổng vệ sinh môi trường; bổ sung thêm nhiều thùng rác ở những điểm thuận tiện. Những hoạt động tích cực trên đã mang lại không gian thoáng đãng, sạch đẹp cho danh thắng chùa Thầy. Việc bán hàng tại chùa được quy hoạch gọn gàng, văn minh hơn.
Công tác an ninh được tăng cường, lễ hội quy củ và được thông báo rõ ràng tới du khách, hạn chế chen lấn, xô đẩy; giúp du khách yên tâm khi tham quan và tham gia lễ hội chùa Thầy.
Cơ sở lưu trú và phục vụ ăn uống tại địa phương đang từng bước phát triển và đảm bảo về chất lượng. Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ (tại nhà dân) đáp ứng đủ nhu cầu vào mùa lễ hội.
Địa phương đã có chính sách trích từ các nguồn thu để tiếp tục đầu tư bảo vệ, tôn tạo, làm đẹp thêm phong cảnh chùa Thầy; trùng tu di tích, đảm bảo tiêu chí khắc phục chỗ hỏng, giữ nguyên bản cái cũ... Nhờ đó mà di tích chùa Thầy vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp cổ kính và linh thiêng vốn có.
Với những động thái tích cực nêu trên, danh thắng và lễ hội chùa Thầy đã tạo được niềm tin và thu hút hàng chục vạn du khách mỗi năm. Nguồn thu từ hoạt động du lịch chiếm tới 60% tổng thu nhóm ngành thương mại - dịch vụ - du lịch của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, vẫn còn hiện tượng tiêu cực như tự tiếp cận khách du lịch, tự giới thiệu về các điểm dù khách không có nhu cầu rồi xin tiền hướng dẫn; hay ép du khách mua vàng hương với giá “chặt chém”… Những hành động này thường diễn ra tại các điểm trên núi cao, khó kiểm soát và xử lý, phần nào gây khó chịu và mất niềm tin cho du khách.
Hang Cắc Cớ là điểm tham quan thu hút nhiều du khách nhất. Nhưng hiện tại, đường đến hang vẫn là đường núi hiểm trở, chưa có lối đi nhân tạo, gây nguy hiểm cho du khách, nhất là vào dịp lễ hội. Trong hang có nhiều thạch nhũ đá vôi đẹp nhưng vẫn chưa có hệ thống đèn điện trang trí. Hiện mới chỉ có đèn thắp lối đi xuống hang, lại chỉ thắp vào 3 tháng xuân nên hoạt động tham quan bị hạn chế.
Hệ thống văn bia ở chùa và núi Thầy là kho tài liệu quý giá của Hán văn Việt Nam, nhưng do chủ yếu được đặt trên núi nên nguy cơ bị phong hóa rất cao, nếu không kịp thời có biện pháp bảo quản và sao lưu thì rất dễ bị hư hỏng. Cùng với đó là sự thiếu ý thức của một số du khách khi dùng dao khắc, bút viết làm biến dạng và hư hại các di tích di vật.
Đề xuất bảo tồn danh thắng và phát triển du lịch bền vững
Đối với danh thắng
Việc tu bổ, tôn tạo các đơn nguyên kiến trúc của chùa Thầy cần phải có sự tham gia của các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc… để đảm bảo các tiêu chí của ngành Bảo tồn đối với một Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia. Đối với hệ thống văn bia, cần sớm có những giải pháp bảo tồn như dập bia, in lại hình ảnh của thác bản, phiên âm và dịch ra tiếng Việt hay biên soạn một cuốn sách về văn bia chùa Thầy. Hoạt động này cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp quản lý và các chuyên gia.
Kêu gọi sự đầu tư từ các tổ chức, cá nhân nhằm tạo một lối đi dễ dàng hơn đến hang Cắc Cớ vì đây là điểm rất thu hút khách du lịch. Thiết kế hệ thống đèn chiếu sáng và trang trí cho thạch nhũ trong hang. Có thể tiến hành thu vé để có thêm kinh phí bảo tồn, tôn tạo di tích. Cần tăng cường thêm hệ thống biển chỉ dẫn các điểm tham quan đặt dọc đường đi tạo thuận lợi cho du khách lựa chọn điểm đến.
Đối với lễ hội
Tính chất dân gian của lễ hội chùa Thầy đã dần bị mai một. Địa phương nên khôi phục một số trò chơi dân gian như: bịt mắt đập niêu, thổi cơm thi, thi bắt vịt dưới nước… song song với các trò diễn dân gian vốn có sẽ gây thích thú và thu hút được nhiều người tham gia hơn.
Để khắc phục tính mùa vụ cần đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm du lịch để thu hút khách. Đồng thời, tận dụng lợi thế truyền thống của xứ Đoài là nhiều làng nghề, nhiều chùa cổ, nhiều lễ hội dân gian, các công ty lữ hành có thể thiết kế những tour kết hợp với các chủ đề như: hành hương đầu xuân (đối tượng là các ngôi chùa nằm trên cùng trục đường), lễ hội dân gian hay kết hợp tham quan làng nghề…
Hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội chùa Thầy cần được quan tâm hàng đầu. Trước tiên, có thể thiết kế một trang web của riêng du lịch chùa Thầy, liên kết với các trang web du lịch lớn và uy tín khác để quảng bá sản phẩm, đính kèm những thông tin về cơ sở lưu trú, vui chơi, ăn uống… Sau đó, cần nâng cao chất lượng phục vụ tại di tích - danh thắng, tạo cảm giác thỏa mãn cho du khách. Tạo điều kiện kinh doanh tốt nhất và xây dựng định hướng phát triển bền vững cho các đơn vị cung cấp dịch vụ tại đây.
Tính bền vững trong phát triển du lịch là phải đảm bảo phát triển thân thiện với tài nguyên môi trường, tài nguyên nhân văn của di tích chùa Thầy. Đây là nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp quản lý di tích và lễ hội, tuân theo một số nguyên tắc cơ bản sau: Khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên một cách hợp lý; tránh khai thác quá mức; giảm thiểu chất thải; phát triển trong sự tôn trọng tính đa dạng văn hóa của lễ hội; chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương, chịu trách nhiệm chủ yếu đối với việc duy trì và cải thiện môi trường tại di tích; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương; thường xuyên trao đổi, tham khảo ý kiến với cộng đồng địa phương và các đối tượng có liên quan. Chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên tại địa phương; đặc biệt chú trọng nâng cao hiểu biết về bản chất phức tạp của du lịch hiện đại trong mối quan hệ với môi trường và xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đinh Viết Lực, Chùa Thầy - các giá trị lịch đại và điêu khắc Phật giáo, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Chùa Thầy và chư thánh tổ sư”, Viện nghiên cứu Tôn giáo, 2012.
2. Nguyễn Thế Nam, Một số suy nghĩ về việc bảo tồn và phát huy giá trị danh thắng chùa Thầy, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Chùa Thầy và chư thánh tổ sư”, Viện nghiên cứu Tôn giáo, 2012.
3. Nguyễn Văn Tiến, Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự), NXB Khoa học xã hội, 2001. |
Vũ Thu Huyền
Nguồn: Tạp chí Du lịch