Thực trạng hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường
Thực tế tại các cơ sở đào tạo hiện nay cho thấy chương trình, giáo trình và chuyên ngành đào tạo du lịch vẫn đang trong quá trình xây dựng và thống nhất. Nhiều trường đào tạo chuyên ngành Du lịch vẫn coi trọng đào tạo lý thuyết, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ thực hành còn hạn chế.
Các cơ sở chỉ đào tạo theo chương trình đã có sẵn của mình, chưa chú trọng đến nhu cầu thị trường, nhu cầu từng ngành nghề mà doanh nghiệp cần trong thực tiễn hiện tại và tương lai. Nhiều cơ sở chạy theo số lượng đầu vào, do đó chất lượng nhân lực không đảm bảo với yêu cầu sử dụng.
Nhiều sinh viên ra trường chưa có định hướng nghề nghiệp đúng với nhu cầu thị trường và sở trường cá nhân, thiếu kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp, còn lúng túng khi áp dụng lý thuyết vào thực tế, hạn chế về năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là ngoại ngữ liên quan trực tiếp đến lĩnh vực làm việc khiến họ ra trường khó tìm việc làm. Những lý do trên dẫn đến chất lượng sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.
Nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp thiếu hụt cả về mặt số lượng và chất lượng. Sinh viên thuộc chuyên ngành Du lịch ra trường phải chấp nhận làm những công việc trái với ngành nghề, chuyên môn đã được đào tạo hoặc làm công việc trình độ thấp hơn để có thu nhập đảm bảo cuộc sống của mình.
Hiện nay, giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch còn nhiều khó khăn khi tìm tiếng nói chung. Các cơ sở đào tạo chưa có sự trao đổi, gặp gỡ thường xuyên doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu và định hướng đào tạo, nghe ý kiến về chất lượng làm việc của sinh viên đang thực tập hoặc làm việc tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp du lịch chưa được tham gia và đóng góp ý kiến nhiều về xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng biên soạn giáo trình chuyên ngành Du lịch một cách thường xuyên. Nói cách khác, giữa nhà trường và doanh nghiệp còn tồn tại một khoảng cách lớn trong việc phối hợp đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch...
Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác
Nhà trường phối hợp với doanh nghiệp tổ chức hướng nghiệp cho sinh viên
Việc định hướng ý thức nghề nghiệp cho sinh viên, học sinh cần được thực hiện một cách liên tục trong suốt quá trình học và phải bắt đầu từ khi các em vào trường. Mặc dù công tác này ở nhiều cơ sở đào tạo đã được triển khai nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, do vậy, nhiều sinh viên trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp mất phương hướng về nghề nghiệp, không tự tin về bản thân và kỹ năng xin việc.
Các cơ sở đào tạo du lịch cần thành lập trung tâm hỗ trợ hướng nghiệp, tư vấn cho sinh viên trong và sau khi tốt nghiệp. Trung tâm này cung cấp các dịch vụ giúp sinh viên rút ngắn khoảng cách giữa kiến thức được học ở trường với nghề nghiệp tương lai. Đồng thời, trên cơ sở định hướng nghề nghiệp đúng đắn, cần định hướng và xây dựng được lòng yêu nghề trong mỗi học sinh sinh viên để có thể tạo được đội ngũ nhân lực có tâm huyết, tránh hiện tượng chuyển đổi nghề chỉ sau thời gian ngắn làm việc do áp lực công việc không phù hợp.
Tổ chức gặp gỡ, trao đổi giữa nhà trường và doanh nghiệp
Các cơ sở đào tạo cần tổ chức trao đổi, gặp gỡ định kỳ với doanh nghiệp bằng cách tổ chức những buổi hội thảo, hội nghị để nắm bắt nhu cầu và định hướng đào tạo, nghe ý kiến về chất lượng làm việc của sinh viên đang thực tập hoặc làm việc tại doanh nghiệp; tạo cơ chế để những cựu sinh viên đang làm việc tại các doanh nghiệp có liên hệ thường xuyên với nhà trường. Đây là cầu nối vững chắc giữa nhà trường và doanh nghiệp, rất hiệu quả, rất thiết thực. Qua sự liên kết này, nhà trường sẽ tiếp nhận ý kiến đánh giá doanh nghiệp về “sản phẩm đào tạo” của mình để từ đó cải tiến chương trình đào tạo theo từng thời điểm sao cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo nên mời chuyên gia của các doanh nghiệp du lịch tham gia giảng dạy, nói chuyện chuyên đề theo từng môn học cụ thể.
Đẩy mạnh hợp tác đào tạo theo địa chỉ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp
Nhà trường cần phối hợp với bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp du lịch để nắm bắt nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Từ đó xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo theo hướng gắn với các ngành nghề mà doanh nghiệp cần lao động; mở rộng liên kết đào tạo và đa dạng hóa loại hình đào tạo để vừa tăng quy mô đào tạo vừa đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu nhân lực các doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo cần chủ động liên hệ với các doanh nghiệp du lịch để ký các hợp đồng tuyển sinh, đào tạo và xây dựng cam kết sử dụng nguồn nhân lực do mình đào tạo, phối hợp với các doanh nghiệp trong suốt quá trình giảng dạy và quản lý.
Về phía doanh nghiệp du lịch, cần cử đại diện theo dõi, tham gia vào kiểm định, đánh giá chất lượng đầu vào và đầu ra của học viên; cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực của mình cho cơ sở đào tạo, hỗ trợ tài chính và tham gia vào quá trình đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập.
Không chỉ đào tạo nguồn nhân lực mới, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp còn có thể phối hợp trong bồi dưỡng, đào tạo lại theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đây cũng là hoạt động có thể gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu đào tạo theo địa chỉ.
Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch đối với đào tạo nguồn nhân lực du lịch
Các cơ quan quản lý và các hiệp hội nghề nghiệp trong ngành du lịch cần vận động, tuyên truyền để các doanh nghiệp nhận thức đúng mức vai trò và tầm quan trọng của việc phối hợp với các cơ sở đào tạo trong việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; từ đó chủ động và sẵn sàng phối hợp với các cơ sở đào tạo, tích cực tham gia vào các hoạt động liên quan đến đào tạo, nhằm nâng cao kiến thực thực tiễn cho học sinh sinh viên tạo nguồn đầu ra có chất lượng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn doanh nghiệp.
Các cơ sở đào tạo cần phải xây dựng cơ chế quản lý phù hợp trong việc phối hợp với doanh nghiệp
Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo có nhu cầu phối hợp với các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, chưa tìm ra cơ chế phối hợp hợp lý: các cơ chế về tài chính, cơ chế về giáo viên, giảng viên thỉnh giảng từ doanh nghiệp, vấn đề chi phí chi trả cho chuyên gia đến từ doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo còn bị nhiều quy định ràng buộc của các cơ quan quản lý liên quan, chính vì vậy, việc hợp tác với các doanh nghiệp chưa hiệu quả. Như vậy, cần tạo lập cơ chế phối hợp thật sự hợp lý vừa đảm bảo quy định của Nhà nước vừa đảm bảo yêu cầu của doanh nghiệp là giải pháp cần thiết hiện nay.
Hy vọng những giải pháp trên sẽ góp phần đẩy mạnh việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa doanh nghiệp du lịch và các cơ sở đào tạo, từ đó cải thiện chất lượng người lao động trong ngành Du lịch.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Du lịch, Báo cáo tổng hợp Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
2. Phối hợp nhà trường và doanh nghiệp: Tìm cách làm phù hợp, Giáo dục và thời đại online, Thứ Năm, 6/12/2012
* Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội
Nguồn: Tạp chí Du lịch