Khu vực châu Á – Thái Bình Dương chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch. Tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng như vậy, khi số lượng lớn lao động nhập cư đang dịch chuyển tới các điểm đến du lịch mới nổi như Singapore, Hong Kong, Macau, Dubai để tìm việc thì những nghiên cứu về các vấn đề phát sinh như mối liên hệ giữa nhập cư và du lịch, giữa nhập cư và các yếu tố bền vững văn hóa – xã hội như chất lượng cuộc sống, hội nhập, san sẻ nguồn lực, tài nguyên, việc làm, giáo dục, cơ sở hạ tầng và dịch vụ… lại đang thiếu vắng và chưa được nhìn nhận đầy đủ.
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội nhấn mạnh: chủ đề của hội thảo lần này mang tính thực tiễn, đang là vấn đề có tính cấp thiết cao trong lĩnh du lịch. Không chỉ Việt Nam mà trên thế giới du lịch ngày càng phát triển với tốc độ cao, khi dòng khách dịch chuyển sẽ phát sinh nhiều vấn đề đối với việc phát triển du lịch bền vững. TS Phạm Hồng Long – Trưởng khoa Du lịch học cho rằng, du lịch và sự dịch chuyển có mối quan hệ khăng khít; phân tích và nghiên cứu sự dịch chuyển của các dòng khách khác nhau trên thế giới sẽ mang lại những giải pháp phù hợp cho sự phát triển của Du lịch Việt Nam.
Trong 2 ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu thảo luận những vấn đề đặt ra, xu hướng, thách thức và thời cơ trong mối tương quan của du lịch, dịch chuyển và người nhập cư. Các phiên thảo luận chính gồm các nội dung: Xung đột giữa du khách, người dân bản địa và người nhập cư; Du lịch và biên giới quốc gia; phát triển bền vững và khả năng phục hồi của điểm đến; Di cư, du lịch, văn hóa và đặc tính; Di sản và tôn giáo trong dịch chuyển du lịch.
Trình bày tại phiên đầu tiên của hội thảo, Giáo sư Noel B.Salazar (Đại học Leuven, Bỉ) nhấn mạnh: nhập cư và đi du lịch là hai hình thái dịch chuyển của con người, tuy có sự tương đồng nhưng lại rất khác biệt. Quan trọng hơn, hai hình thức này bổ trợ lẫn nhau. Du lịch toàn cầu cần có lực lượng lao động nhập cư để khắc phục sự thiếu hụt nhân công khi người bản địa từ chối các công việc trong ngành dịch vụ du lịch bởi tính thời vụ và mức lương thấp. Còn đối với những người nhập cư, từ góc độ nào đó việc ham thích đi du lịch hay theo đuổi cái gọi là “chủ nghĩa xê dịch” thôi thúc họ tìm đến vùng đất mới, không chỉ tìm kiếm việc làm mà còn để trải nghiệp cuộc sống mới, văn hóa mới.
Một trong những nghiên cứu đáng chú ý trình bày tại hội thảo lần này là của tác giả Nguyễn Quang Vinh và Trần Thị Yến Anh (ĐHKHXH&NV Hà Nội), đó là về tác động của cộng động người Việt tới hình ảnh Việt Nam tại Mỹ. Theo đó, nghiên cứu chỉ ra rằng cộng đồng người Việt là cộng đồng người nhập cư lớn thứ 6 tại Mỹ, có khả năng tác động đến quyết định đi du lịch Việt Nam của người Mỹ nói chung và đối tượng Việt Kiều nói riêng; qua đó góp phần quan trọng đối với việc thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và Mỹ. Ngoài ra, rất nhiều nghiên cứu tình huống và cách tiếp cận mới của các học giả trong nước và quốc tế đã được trình bày như: Du lịch y tế và sự giao thoa chủng tộc dọc biên giới Mỹ-Mexico - Rosalynn A.Vega (Đại học Texas Rio Grande Valley, Mỹ); hội nhập du lịch ASEAN: hàm ý chính sách cho phát triển bền vững – KerenHappuch D.Arroyo (Đại học De La Salle, Philippines); Các yếu tố tác động đến hành vi du lịch có trách nhiệm của đơn vị điều hành tour – Phạm Trương Hoàng (Đại học Kinh tế Quốc dân) và Bùi Nhật Quỳnh (ĐHKHXH&NV Hà Nội)…
HN