Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Viện trưởng ITDR – TS. Đỗ Thị Thanh Hoa cho biết: Trên thế giới hiện nay, du lịch đô thị đang là sản phẩm hấp dẫn và triển vọng, ngày càng chiếm thị phần lớn trong thị trường du lịch. Các thành phố sở hữu lịch sử lâu đời và cả những đô thị du lịch mới nổi đều là những điểm đến thu hút du khách, tiêu biểu như Lisbon (Bồ Đào Nha), Lyon (Pháp), Bangkok (Thái Lan), Singapore.... Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đô thị, trong đó rất nhiều thành phố là những điểm đến du lịch hấp dẫn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.
Tại hội thảo, nhiều giải pháp phát triển du lịch đô thị ở Việt Nam đã được đề xuất. Đô thị để phát triển du lịch cần phải đáp ứng được các nhu cầu dân sinh về cảnh quan, môi trường, kiến trúc…; đáp ứng nhu cầu của du khách về lưu trú, ẩm thực, giải trí, mua sắm… Bên cạnh đó, cần phải tôn trọng văn hóa bản địa, tận dụng nhân lực bản địa và phải quản lý được dịch vụ tự phát tại địa phương. Phát triển du lịch đô thị cần phải tính đến chiến lược thu hút du khách và yếu tố quá tải hạ tầng.
Theo TS. Vũ An Dân (Khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội), doanh nghiệp du lịch đóng nhiều vai trò đóng trong sự phát triển của loại hình du lịch đô thị bao gồm: dẫn dắt và định hướng các đơn vị trong chuỗi cung cấp; kết nối các mắt xích trong chuỗi cung cấp để đưa ra các sản phẩm du lịch đô thị; theo dõi sự hài lòng của khách hàng và chất lượng sản phẩm du lịch cung cấp cho du khách; tiếp thị điểm đến du lịch đô thị.
Trong khi đó, KTS. Hoàng Đạo Cầm (ITDR) lại quan tâm đến vai trò quản lý nhà nước với phát triển du lịch đô thị; bao gồm nhiệm vụ quy hoạch phát triển đô thị; bảo tồn di sản (bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể, trong đó các công trình kiến trúc, đô thị là đối tượng cần đặc biệt quan tâm); phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng môi trường và hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng và du khách, đặc biệt chú trọng vấn đề tổ chức, quản lý giao thông, quản lý chất thải; bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội; bảo đảm an ninh, an toàn trong đó bao gồm cả vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Xuân Sơn - Giám đốc điều hành công ty du lịch Dấu Chân (Footprint Travel) đề xuất sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan nhằm khắc phục các vấn đề như nội dung như: khách du lịch còn thiếu hoạt động khi dừng chân tại các đô thị; nhiều điểm du lịch xuống cấp; thiếu sự đột phá, sáng tạo, thay đổi… để đưa các giá trị văn hóa tới thị hiếu của du khách; chưa xác định các sản phẩm đặc thù cho từng đô thị…
HN