Lý Công Uẩn: là người khai sáng triều đại nhà Lý trong lịch sử nước ta. Ông sinh năm Giáp Tuất 974, quê quán ở làng Cổ Pháp - Từ Sơn - Hà Bắc. Lý Công Uẩn khi lớn lên đã có chí lớn khác thường. Ông đến Hoa Lư mở đầu sự nghiệp bằng con đường quan trường, giữ đến chức Tả Thân Thị Vệ Điện Tiền Chỉ Huy Sứ vào thời Tiền Lê. Dưới triều vua Lê Long Đĩnh, ông được cử làm Tư Tướng Quân Chế Chỉ Huy Sứ, thống lĩnh quân túc vệ. Đến khi Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều) mất, con kế tự của vua còn quá nhỏ, quần thần mới hội bàn tôn Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, khi ấy ông 35 tuổi, lấy miếu hiệu là Lý Thái Tổ. Nhận thấy kinh đô Hoa Lư chật hẹp, Lý Thái Tổ bèn quyết định dời đô về thành Đại La. Khi đến La Thành, vua nằm mộng thấy rồng vàng từ dưới đất bay lên, nên đổi tên thành là Thăng Long (tức Hà Nội bây giờ), đồng thời cũng đổi Hoa Lư thành phủ Tràng An, và làng Cổ Pháp quê hương của vua thành phủ Thiên Đức… Lý Thái Tổ sửa sang chính trị, trọng đãi tăng sĩ, chú trọng việc xây chùa, đúc chuông, gần như lấy đạo Phật làm quốc giáo, làm rạng danh nước Đại Việt, viết nên những trang sử oanh liệt dựng nước và giữ nước. Lý Công Uẩn mất năm 1028, ở ngôi được 19 năm, hưởng dương 55 tuổi.
Trần Quốc Tuấn: là danh tướng, tôn thất nhà Trần, cháu của vua Trần Thái Tông, sinh năm Bính Tuất 1226, quê quán ở Mỹ Lộc - Nam Định. Là nhà quân sự tài ba, ông đã lãnh đạo quân dân ta chiến thắng vang dội ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng… đánh đuổi giặc ngoại xâm, được phong tước Hưng Đạo Vương. Ông đã soạn hai bộ "Binh thư yếu lược" và "Vạn Kiếp tổng bí truyền thư" để răn dạy các tướng cầm quân đánh giặc. Mùa thu tháng Tám, ngày 20 năm Canh Tý 1300, ông qua đời, hưởng thọ 79 tuổi. Triều đình và nhân dân lập đền thờ ông tại Vạn Kiếp (sau được gọi là đền Kiếp Bạc) ở Chí Linh (Hải Dương). Sau này, ở nhiều nơi cũng lập đền thờ, tôn ông như một vị thánh.
Lê Tư Thành: là vua nhà Hậu Lê, miếu hiệu Thánh Tông. Ông là con út của vua Lê Thái Tông, sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất 1442, quê ở thôn Như An, huyện Lương Giang (nay là huyện Thiệu Hoá), tỉnh Thanh Hoá. Thời trẻ, ông đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, chăm chỉ học tập. Ông lên ngôi năm 18 tuổi, liền chứng tỏ mình là một vị minh quân xuất sắc với hàng loạt những chính sách cải cách kinh tế, chính trị, văn hoá…, đưa nước nhà vào thời thịnh vượng. Ông còn là một nhà thơ, nhà văn hoá lớn. Ông lập ra Tao Đàn gồm 28 vị tiến sĩ giỏi thơ văn nhất nước đương thời, được gọi là "Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú". Ông để lại nhiều tác phẩm sáng giá trong kho tàng văn hóa như: "Hồng Đức quốc âm thi tập", "Lê Thánh Tông thi tập", "Văn minh cổ xuý". Vào thời ông trị vì, nhiều công trình biên soạn có tầm cỡ được tiến hành như "Đại Việt sử ký toàn thư" hoàn thành năm 1479, hay cuốn "Thiên Nam dư hạ tập", Bộ Luật Hồng Đức. Ông còn là người đã giải oan cho cái án chu di tam tộc của vị đại công thần Nguyễn Trãi, lệnh cho tìm con cháu còn sống sót của Nguyễn Trãi để ban bổng lộc chức tước, phục hồi danh dự, và hơn 100 bài thơ của ức Trai - Nguyễn Trãi cũng đã được sưu tầm thời gian này. Ông trị vì đất nước được 37 năm và qua đời năm 1497, thọ 56 tuổi.
Trần Đăng Ninh: (tức Nguyễn Tuấn Đáng) là nhà hoạt động cách mạng, sinh năm Canh Tuất 1910, quê ở làng Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu, huyện ứng Hoà, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây). Ông sinh trưởng trong một gia đình nông dân. Khi trưởng thành, ông ra Hà Nội học văn hoá và nghề in. Từ nơi đó, năm 20 tuổi, ông bắt đầu tham gia cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 25 tuổi. Ông từng có chân trong Thành uỷ Hà Nội và Xứ uỷ Bắc Kỳ. Năm 1940, ông được Xứ uỷ Bắc Kỳ cử lên chiến khu chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Tháng 11 năm đó, ông được bầu vào Ban Chấp hành lâm thời Trung ương Đảng. Năm 1941, khi ông làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ thì bị Pháp bắt. Ông đã cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng vượt ngục, trở về tham gia Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, để chuẩn bị cướp chính quyền vào tháng 8/1945. Sau cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia lãnh đạo công tác dân vận chuẩn bị xây dựng căn cứ kháng chiến. Năm 1947, ông giữ chức Trưởng Đặc uỷ đoàn đi kiểm tra, thăm hỏi, động viên cán bộ, nhân dân tích cực tham gia kháng chiến chống thực dân, đồng thời thanh tra các vụ án tham ô, trong đó có những vụ nguỵ tạo, và đã minh oan cho hàng trăm cán bộ - nhân dân bị tố oan. Năm 1950, ông làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần thuộc Bộ Quốc Phòng. Ngày 6/10/1955, ông qua đời khi 45 tuổi.
THỌ TỪ