Đến Ngũ Xã nhớ nghề đúc đồng xưa
Đến Ngũ Xã nhớ nghề đúc đồng xưa
Thứ sáu, 08/09/2006 | 12:10 GMT+7
Làng Ngũ Xã ngày nay thuộc phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, đối diện với đường Thanh Niên, chùa Trấn Quốc.
Khoảng thế kỷ thứ 17, một số thợ đúc đồng thuộc vùng Thuận Thành - Bắc Ninh đã đến kinh thành Thăng Long lập nên phường đúc đồng làng Ngũ Xã.
Ngũ Xã có một cụm di tích lịch sử gồm đình, chùa được xây dựng ngay từ khi có phường đúc đồng đến lập nghiệp. Chùa Ngũ Xã hướng chính Nam xây dựng trên khu đất thuộc phố Ngũ Xã, còn đình Ngũ Xã hướng chính Bắc nằm trên khu đất của hai phố Nguyễn Khắc Hiếu và Mạc Đĩnh Chi. Đình Ngũ Xã thờ Nguyễn Chí Thành (1066 -1141), quê Đàm Xá, Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ông tu đạo phật lấy hiệu là Minh Không Thiền Sư. Năm 1136 ông có công chữa khỏi bệnh cho vua nhà Lý nên được phong là Lý Quốc Sư. Ông giỏi nghề thuốc lại tài nghề đúc đồng nên làng tôn là Thành hoàng và coi ông là tổ nghề đúc đồng, đặt tượng thờ tại đình làng. Năm 1993, cụm di tích đình, chùa làng Ngũ Xã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Người dân làng nghề đúc đồng Ngũ Xã đã góp vào kho tàng văn hoá dân tộc Việt Nam nhiều công trình luyện kim đúc đồng vô giá như pho tượng Trấn Võ đền Quán Thánh (Hà Nội), các chi tiết bằng đồng ở cửa Ngọ Môn kinh đô Huế, tượng Phật A Di Đà chùa Thần Quang, tượng Di Lặc chùa Quỳnh Lâm, tượng Đức Ông chùa Hương Tích…
Vào những năm 1949 - 1952, Uỷ ban công đức đúc tượng gồm BS Bùi Văn Quý, thượng tọa Vĩnh Tường, cụ Nguyễn Phú Hiếu là người tạo mẫu, cụ Nguyễn Văn Tùy cùng cụ Đối, cụ Tiếp, ông Bột, ông Tuyết… và 144 thợ đúc tài hoa của Bắc Ninh, Hải Dương, Sơn Tây… đã đúc thành công pho tượng Phật A Di Đà bằng đồng lớn nhất Việt Nam khi ấy để tại chùa Thần Quang làng Ngũ Xã. Pho tượng cao 3,95m có chu vi 11,6m, nặng 12,3 tấn, được đúc liền khối. Để đúc pho tượng này, nhà chùa đã phải dùng đến bảy, tám chục tấn đất sét, mấy tấn trấu, hàng trăm cây tre làm dàn giáo, mười ba nồi nấu đồng, mỗi nồi nấu được hơn một tấn và cả mười ba nồi đều được nấu cùng một lúc, cùng một nhiệt độ, được rót vào khuôn liên tục, không ngắt quãng. Đó là những khác biệt về phương pháp cũng như kỹ thuật đúc tượng đồng của người Ngũ Xã.
Người dân Ngũ Xã rất tự hào còn có một người thợ tài ba nữa là cụ thợ cả nguyên Phó chủ nhiệm hợp tác xã Trúc Sơn, nghệ nhân Nguyễn Văn Quẹn, người đã đúc thành công tượng Bác Hồ cao 2,5m bằng đồng đặt tại đồi cây Bảy mươi chín mùa xuân - đồi Thanh Tước thuộc huyện Mê Linh - Vĩnh Phúc.
Do biến động của xã hội, hiện nay làng Ngũ Xã chỉ còn lại một số gia đình giữ được nghề đúc đồng của tổ tiên, phần lớn các gia đình đã chuyển sang đúc nhôm hoặc các ngành nghề khác. Mặc dù vậy, dân làng vẫn tự hào về nghề đúc đồng, một số gia đình vẫn bảo tồn được vốn nghề như gia đình ông Nguyễn Văn Ứng, Nguyễn Văn Chồi, bà Nguyễn Thị Đan. Họ được phong tặng danh hiệu “Bàn tay vàng”. Hàng năm cứ đến ngày mồng một tháng mười một âm lịch, dân làng lại tổ chức giỗ tại đình làng, duy trì nếp văn hoá dân tộc cổ truyền, để cháu con khắp nơi về thắp hương tưởng niệm.
Làng Ngũ Xã bây giờ cũng thật khác với làng Ngũ Xã cách đây 30 - 40 năm, càng khác làng Ngũ Xã cách đây ba, bốn thế kỷ. Làng được chia thành các phố dọc ngang, nhiều nhà cao tầng, nhưng vẫn giữ được nét thanh bình, êm ả.
Hãy một lần đến Ngũ Xã vào buổi tối, bạn sẽ thấy quanh làng rực lên một vùng ánh sáng lung linh đủ màu sắc lẫn trong màn sương mờ ảo. Bên kia hồ Trúc Bạch, trên đường Thanh Niên, từng dòng xe nối nhau như một dòng sông ánh sáng chảy không ngừng… Giữa không khí nhộn nhịp đó, thật khó nhận ra dấu tích của một làng nghề cổ xưa - đúc đồng Ngũ Xã.
ĐÀO NGỌC DU