Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những khó khăn, vướng mắc sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, hội nghị tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ nguyên nhân của khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Từ đó có thể có đánh giá tổng quát nhất về tình hình thực hiện Chiến lược nhằm xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc ban hành Chiến lược mới cũng như xác định những căn cứ cho các chính sách của Đảng, Chính phủ và ngành văn hóa trong những vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa.
Theo báo cáo của Bộ VHTTDL, trong giai đoạn 2009 - 2019, việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã thu được nhiều kết quả, tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở, ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội; sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng.
Văn hóa đã góp phần quan trọng tạo không khí dân chủ, dân trí được nâng cao, tính năng động sáng tạo, tính chủ động và tính tích cực xã hội của con người được phát huy, dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được mở rộng, góp phần hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam. Văn hóa đã trở thành một nội dung quan trọng trong các hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, từng bước gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ kinh tế, xã hội.
Trong 10 năm thực hiện Chiến lược, công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hàng nghìn di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, tu bổ, tôn tạo, đã trở thành những điểm du lịch - văn hóa đặc thù, gắn kết với những tuyến du lịch hấp dẫn, có tác dụng thúc đẩy kinh tế du lịch ở các địa phương. Nhiều lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian có giá trị... đã và đang được phục hồi và phát triển. Giao lưu văn hóa với nước ngoài từng bước được mở rộng cùng với quá trình đa phương hóa, đa dạng hóa.
Tuy nhiên, trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vẫn còn một số hiện tượng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng xâm hại di tích, trộm cắp cổ vật và đồ thờ tự trong di tích; bảo tàng thiếu sức hấp dẫn, chưa thu hút được nhiều khách tham quan, hiện tượng lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan... vẫn là những thách thức không dễ khắc phục trong thời gian ngắn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận những thành tựu trong 10 năm qua cho rằng, nhận thức trong xã hội về văn hóa tốt hơn trước, từ các cấp chính quyền tới cộng đồng, lan tỏa trở thành văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa cộng đồng… “Những vấn đề xã hội, văn hóa đặt ra trong diễn đàn nghị sự như tại Quốc hội là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ văn hóa đã nhận được sự quan tâm của xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam liên hệ với thành tích của các lĩnh vực như Du lịch, Thể thao của Việt Nam trong thời gian qua đều có đóng góp của văn hóa, từ việc tạo dựng môi trường văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, mến khách, tới các vận động viên thi đấu thể thao bằng tất cả trách nhiệm và lòng tự hào dân tộc.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, ngành VHTTDL cũng cần nhìn thẳng vào những yếu kém, tồn tại hiện nay, nghiên cứu thiết lập các thước đo, lượng hóa được các giá trị văn hóa để đánh giá, nhìn nhận đúng sự đóng góp, phát triển so với thời gian trước. Đồng thời, xây dựng chiến lược văn hóa phải dựa trên thế chân kiềng: vận động, phát huy tính dân chủ, sáng tạo của từng người dân đi cùng với pháp luật – kỷ cương và tuyên truyền, vận động, làm gương. Bộ VHTTDL cần tập trung cho việc đáp ứng phát triển văn hóa trong thời kỳ mới với ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đầu tư cho ngành công nghiệp văn hóa – đây là ngành có thể tạo ra giá trị kinh tế theo đúng nghĩa, là sức mạnh mềm để lan tỏa, quảng bá hình ảnh Việt Nam, trong đó có việc lựa chọn, tập trung vào một số mũi nhọn, lĩnh vực cụ thể.
HN