
|
Di tích Mỹ Sơn - Một trong 7 di sản thế giới của Việt Nam Ảnh: N.V |
Có thể liệt kê ra đây những di sản từng làm mê lòng người: di tích Mỹ Sơn, Hội An, lăng tẩm ở Huế, động Phong Nha - Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long... chưa kể đến những di sản phi vật thể như nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên hoặc đang lập hồ sơ để gửi UNESCO công nhận hát chầu văn, chèo... Lại có những di sản đang được lấy ý kiến của toàn thế giới để đưa lên hàng kỳ quan (wonder) như vịnh Hạ Long. Điều kỳ diệu là những di sản thiên nhiên văn hóa này – cả vật thể và phi vật thể - được phân bố ở mọi miền đất nước, từ Nam ra Bắc, và đã từng có một đề án rất đáng biểu dương của ngành Du lịch là lập ra “Con đường di sản” từ miền Trung, tạo thuận lợi cho du khách trong nước và ngoài nước tham quan.
Những di sản đó là vốn quý thiên nhiên ban tặng, hoặc vốn quý của truyền thống văn hóa lâu đời của đất nước và dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của toàn thể người Việt Nam ở trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài. Riêng đối với ngành Du lịch, những di sản này thực sự là những “mỏ vàng” để khai thác và kinh doanh, là “vẻ đẹp tiềm ẩn” vô giá. Có thể còn nhiều địa danh khác, nhiều thể loại phi vật thể khác mà chúng ta chưa phát hiện được, hay nói chính xác là chưa xây dựng được hồ sơ để quảng bá với thế giới và để được mọi người công nhận một cách “tâm phục khẩu phục”.
Tuy nhiên, đã có di sản thiên nhiên văn hóa là một việc, còn khai thác, bảo dưỡng và tôn tạo như thế nào lại là một việc khác. Chúng ta tự hào về những di sản này, nói nhiều về những danh lam thắng cảnh này, nhưng việc khai thác của chúng ta cần theo một quy hoạch tổng thể tuyệt đối không khai thác bừa bãi manh mún. Vừa qua, Tổng cục Du lịch đã tổ chức một đoàn du lịch caravan đi bằng xe ô tô qua mấy quốc gia láng giềng. Chuyến đi rất thành công và đã khám phá được nhiều điều bổ ích trong việc khai thác hình thức du lịch này. Ví dụ, trên đường từ Xiêm Riệp về Phnôm Pênh của nước bạn Campuchia, tại một trạm nghỉ dừng chân của ngành Du lịch nước bạn toàn địa điểm rộng rãi đủ cho tất cả ô tô của đoàn caravan, sạch sẽ, có đủ các dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống và quầy hàng lưu niệm, đặc biệt là những người bán hàng rất niềm nở, thân thiện – tuyệt nhiên không có cảnh níu kéo du khách để đòi bán hàng lưu niệm như ở Việt Nam. Được biết, ở Việt Nam chưa có một trạm dừng chân nào như thế, kể từ Nam ra Bắc. Đặc biệt là cảnh những “đoàn quân bán đồ lưu niệm” xúm quanh và chèo kéo du khách quốc tế khiến cho không ít du khách bực mình, ngán ngẩm khi bị “vây” quanh. Nghe nói cho đến nay, Công ty Cổ phần Mai Linh đang có dự án xây dựng một loạt các trạm dừng chân “đủ tiêu chuẩn quốc tế” như ở Lào và Campuchia, trải từ Bắc vào Nam. Một tín hiệu đáng mừng, đáng biểu dương, nhưng (lại “nhưng” ) ai cũng biết rằng từ dự án, rồi xin đất, làm đủ mọi thủ tục cho đến khi khánh thành, ít ra thì cũng...vài năm!
Tại các quốc gia mà người viết bài này đã tận mắt chứng kiến, ngành Du lịch có hẳn lực lượng “Cảnh sát Du lịch” (Tourist Police), thuộc Bộ Du lịch. Đó là những sĩ quan, cán bộ được trang bị rất tốt, luôn luôn mặc cảnh phục, có phù hiệu trên xe ô tô, mô tô hẳn hoi, và khá thông thạo ngoại ngữ. Thái độ của họ rất mềm mỏng, lịch sự nhưng rất kiên quyết. Khu bán hàng lưu niệm được quy định ở một nơi riêng, và những người bán hàng không thể vây quanh du khách nước ngoài, vì sẽ bị cảnh sát du lịch này phạt rất nặng. Ai Cập, Israel, Syria, Kuwait... những quốc gia Trung Đông có nhiều điểm du lịch đều có lực lượng Cảnh sát Du lịch như vậy. Điều cốt yếu là lực lượng này bảo vệ du khách là chính, và mọi du khách đến các điểm du lịch đều rất yên tâm, không hề bị quấy rầy. Tại sao ta không làm được như thế ? Có phải vì không có người ? Vì không có kinh phí ? Vì vướng mắc trong cơ che : ai quản, ai trả lương? Tại TP. Hồ Chí Minh đã từng tổ chức “Đội Thanh niên tình nguyện bảo vệ du khách”, nhưng theo tôi, hình thức đó không mang tính bền vững, mà phải thành quy định, quy chế, mang danh nghĩa chính thức là “Cảnh sát Du lịch”.
Có thể nói, di sản thiên nhiên văn hóa được thế giới tôn vinh là những vốn quý, là niềm tự hào của dân tộc. Có được sự tôn vinh đó đã khó, nhưng giữ gìn, bảo vệ và tôn tạo những di sản – vốn quý đó còn khó hơn nhiều. Trách nhiệm đó là của các Ngành, các cấp, của toàn xã hội, trong đó vai trò hết sức quan trọng là Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
NGUYỄN LÊ BÁCH