Đền Đô
Đền Đô nguy nga lộng lẫy là đền thờ 8 vị vua triều đại nhà Lý. Thực ra, nhà Lý có 9 đời vua. Nhưng vị vua thứ 9 là một nữ vương. Lễ giáo và các vị đại thần trong triều đã đối xử không công bằng với bà. Nhưng nhân dân vẫn thờ bà, rất tôn kính đối với bà. Bà được thờ riêng một gian ở chùa Dặn (còn gọi là đền Dặn). Đền Đô vừa là dấu tích lịch sử vẻ vang vừa là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của nước ta. Đền Đô, đền Rồng, đền Dặn đều liên quan đến nhà Lý. Đó là một triều đại hiển hách trong lịch sử Việt Nam. Chín vị vua kế tiếp nhau trị vì đã xây dựng đất nước phồõn vinh về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn học, xã hội. Cách đền Đô chừng vài km là làng Dương Lỗi, tương truyền là quê nội của vua Lý Công Uẩn. Ngày nay, Dương Lỗi còn lưu giữ lại được những tư liệu lịch sử, cổ vật và sắc phong, bia đá, hoành phi câu đối liên quan đến triều Lý.
Đền Đình Bảng
Đình đã được liệt vào một trong 4 ngôi đình đẹp nhất nước ta, được xây dựng từ 1736. Đình thờ 9 vị thành hoàng, ba vị thành hoàng đại diện cho các nhân vật huyền thoại. Sáu vị khác là những vị có công khai phá đất hoang, lập thành làng ấp và xây dựng đình. Đình có dáng bề thế, nguy nga mà bay bổng gồm 9 gian chính và hai gian phụ. Mái đình đồ sộ, lợp ngói mũi hài với những đầu đao cao vút. Mười hàng cột dọc, sáu hàng cột ngang bằng gỗ lim cả cây. Trong và ngoài đình có nhiều mảng chạm trổ tinh vi và tài hoa. Nào rồng, phượng, tùng, trúc, cúc, mai, bầu rượu, thanh gươm. Lại có những hình chữ triện, hình tứ linh, tứ quý, hoa, lá, chim muông. Xung quanh đình là bãi rộng, là nơi mở hội hằng năm có hát quan họ, các trò chơi truyền thống như đánh đu, chọi gà, đấu cờ, đấu vật.
Chùa Bút Tháp
Chùa nổi lên có cây tháp 5 tầng thanh thoát, là nơi đi, về của những đoàn chim nhạn bay trong sương nên gọi là tháp nhạn. Chùa Bút Tháp có hàng chục nếp nhà. Phía trước có công tam quan và gác chuông. Chùa chính có phật điện gồm tiền đường, thiên hương và thượng điện. Chùa có hơn 70 tượng sinh động với những vẻ mặt sùng kính, từ bi, xiêm áo xênh xang. Các tượng La Hán mô tả tâm trạng cuộc đời chúng sinh. Pho tượng Quan âm nghìn tay là một kiệt tác, toát lên những ý tưởng triết học cao siêu. Sau phật điện là phủ thờ bà hoàng nhà Lê là Trịnh Thị Ngọc Chúc và con gái của bà là Lê Thị Ngọc Duyên.
Đình Diềm
Đình Diềm đầy nữ tính và thơ mộng. Nó ở ngay bên dòng sông Cầu chảy lơ thơ, thuộc xã Viêm Xá. Viêm Xá cùng với Bịu Sim là hai làng quan họ gốc nhất trong 49 làng quan họ rải từ từ sông Đuống đến sông Cầu. Đình Diềm là cả một công trình kiến trúc, văn hóa có tầm cỡ lớn, bề thế, choáng ngợp. Đình Diềm còn nổi tiếng về chiếc cửa võng của nó do phường thợ nghệ nhân Phù Khê làm trong thời gian dài. Họ là những người có bàn tay vàng đá chạm, khắc những mảng gỗ mang lại những hình tượng đẹp cưa phập phồng hơi thở của cuộc sống trần gian. Bức cửa võng được sơn son thếp vàng rực rỡ đã dựng nên cả một Cửu trùng thập điện, tòa ngang dãy dọc huy hoàng và trang nghiêm. Cửa võng Đình Diềm giàu chất nghệ thuật, là cái cửa võng to lớn và đẹp nhất so với bất cứ cửa võng nào của các ngôi đình Việt Nam. Đình Diềm đã tồn tại hơn bốn trăm năm. Hiện nay, nó luôn được giữ gìn và tu sửa. Rất nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa trong ngoài nước đã đến đây nghiên cứu, chụp ảnh và vẽ cái cửa võng của đình này.
Chùa Tiêu và pho tượng Vạn Hạnh đích thực
Chùa Tiêu (Tiên Sơn) đã nổi tiếng qua nhiều thế kỷ. Chính nơi đây, nhà sư Vạn Hạnh đã từng tu hành. Ngài có công lớn gây dựng sự nghiệp đế vương cho Lý Công Uẩn. Ngài quảng bác, uyên thâm trong nhiều lĩnh vực, làm cố vấn cho hai triều đại Lê và Lý, ngài được tôn làm quốc sư. Khi mất đi, ngài được thờ ở chùa; nhưng vì thời gian đã quá lâu, lại qua những năm chiến tranh loạn lạc người đời sau này không biết pho tượng nào là tượng của nhà sư Vạn Hạnh. Đó là nỗi trăn trở lâu dài của các nhà nghiên cứu.
Nhà báo Trương Thị Kim Dung, người Bắc Ninh đã đi lại chùa Tiêu không biết bao nhiêu lần để tìm ra pho tượng đích thực. Chị đã phải đọc rất nhiều sách cổ, kim. Sau đó, chị lại nghiên cứu và sưu tầm những bài vè, những chuyện kể trong dân gian. Và may thay, đến năm 1992 chị phát hiện một pho tượng trong khám có dòng chữ mờ nhạt: “Quốc công tể tướng Thiền sư Vạn Hạnh”. Pho tượng cao chừng 50cm với chân dung rất sinh động. Tư thế cưỡi trên con hổ màu xanh. Mặt tượng ngẩng cao, đôi mắt xa xăm, vô định. Tất cả những chi tiết trên đều ăn khớp với những chi tiết ghi trong sách sử và nhất là ăn khớp với các bài vè, những chuyện kể dân gian về Thiền sư Vạn Hạnh.
LÝ KHẮC CUNG