Cực Bắc hiên ngang và kiêu hãnh
Điểm cực Bắc của Tổ quốc là cột cờ Lũng Cú hiên ngang và kiêu hãnh dựng trên đỉnh Long Sơn, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Mảnh đất với biết bao địa danh nổi tiếng này từ lâu đã trở thành “nơi nên đến ít nhất một lần trong đời” của những người ham mê du lịch. Đặc sản nơi đây là những cung đường đèo uốn lượn, những ngôi nhà trình tường vách đất, những loài hoa đặc trưng trên nền đá tai mèo, những đứa trẻ hồn nhiên chơi đùa trong các bản làng dân tộc thiểu số cheo leo trên vách núi… Tất cả tạo nên một vùng cao nguyên đá kỳ vỹ, mang đậm bản sắc văn hóa nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc.
Hà Giang mùa nào cũng đẹp. Mùa đông thu hút du khách bởi vẻ tĩnh mịch, lạnh lẽo của núi đá tai mèo cùng mây mù sương giăng mờ ảo. Mùa hạ núi non mây trời rực rỡ. Mùa thu nở rộ sắc hoa tam giác mạch hồng tím mơ màng. Nhưng mùa xuân mới là tuyệt vời nhất bởi đó là khi khung cảnh núi đá hùng vỹ hòa sắc cùng màu trắng tinh khiết của hoa mận, hoa lê, màu hồng phớt nao lòng của hoa đào, màu vàng rực của hoa cải… Tuy nhiên, du khách cũng không chủ quan trước những cơn lũ, sạt lở trong mùa mưa bão cũng như sương mù ẩm ướt, giá rét vào mùa lạnh.
Cực Nam mênh mông sóng nước
Nếu miền Tây Bắc là xứ sở của núi rừng thì miền Nam lại gây ấn tượng với du khách bởi sông nước mênh mông cùng sự thân thiện và khoáng đạt của người dân. Cực Nam là điểm xa nhất về phía Nam của Tổ quốc, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Ngọc Hiển, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.
Không gập ghềnh, khúc khuỷu như vùng núi miền Bắc, những con đường miền Nam khá bằng phẳng giúp du khách dễ dàng di chuyển, khi băng qua những cánh đồng mênh mông bát ngát, lúc lại ngồi ghe thuyền trên những kênh rạch ngắm hàng dừa trĩu quả. Với nhiều du khách, không gì thích thú hơn khi được ngồi trên vỏ lãi (một loại ghe thuyền) lướt trên con sóng dữ của sông Năm Căn hay lênh đênh trên những dòng kênh rạch chằng chịt ở Rạch Tàu, ngắm nhìn những rừng sú, vẹt, đước vươn mình ra giữ đất. Ở nơi này, phù sa vẫn luôn bồi đắp và lấn ra biển từng ngày, từng giờ để mở đất về phương Nam.
Hãy tới vùng đất phương Nam vào tháng 7 - 8 âm lịch để tận hưởng cảm giác lênh đênh mùa nước nổi. Thời điểm này khí hậu mát mẻ và du khách có cơ hội được thưởng thức nhiều món ngon đậm chất Nam Bộ như lẩu cá linh bông điên điển, ba khía Cà Mau...
Cực Tây - ngã ba biên giới
Trong bốn cực và một đỉnh của lãnh thổ Việt Nam, cực Tây A Pa Chải được xem là điểm khó chinh phục nhất. Đây là điểm xa nhất về phía Tây của Tổ quốc, cũng là ngã ba biên giới đặc biệt của ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc. Để tới được đây, du khách phải di chuyển hàng trăm cây số qua nhiều địa danh lịch sử như đèo Pha Đin, Điện Biên Phủ và cả những con đường đất, đá bụi mù trước khi băng đèo, vượt suối tại Mường Nhé. Tiếp đến, du khách phải leo đồi, băng rừng cả ngày trời mới tới được cột mốc không số nằm trên đỉnh Khoang La San, nơi chỉ “một tiếng gà gáy, ba nước đều nghe”.
Thời gian thích hợp nhất để leo núi và tham quan cực Tây là từ tháng 10 âm lịch tới tháng 3 dương lịch của năm sau. Với thời tiết trong khoảng thời gian này, du khách “trốn” được cái nắng khô nóng cũng như những cơn mưa rừng, suối dữ vào mùa mưa vì thế cũng ít bị mất sức hơn.
Đón ánh nắng đầu tiên trên cực Đông
Cực Đông trên đất liền nằm tại Mũi Đôi, thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, là nơi đón ánh nắng đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam.
Để tới được cực Đông, du khách đi dọc theo những cung đường quanh vịnh biển tuyệt đẹp, và cuối cùng là hành trình 8km đi bộ từ Đầm Môn ra bãi Đá Nhảy, qua nhiều địa hình khác nhau, từ những khu rừng rậm rạp đầy lá mục cho tới những bãi cát nóng bỏng chân, rồi bãi đá lớn nhỏ đủ kích thước trước khi tới nơi đón tia nắng đầu tiên trên đất Việt. Trên mỏm đá to sừng sững là điểm cực được đánh dấu bằng một chóp inox nhỏ bé nằm kiêu hãnh hướng về biển Đông giữa bao la biển trời.
Thời điểm đi cực Đông thích hợp nhất là từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5, vì khoảng thời gian này trời nắng đẹp và không mưa bão, mặt biển trong xanh.
Fansipan – Nóc nhà Đông Dương
Ngoài bốn cực Đông, Tây, Nam, Bắc của Tổ quốc, Việt Nam tự hào có nóc nhà Đông Dương ở độ cao 3.143m so với mặt biển, nằm trên đường địa giới giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đường leo lên đỉnh Fansipan từ lâu đã quen thuộc với những du khách đam mê khám phá, với tuyến đường phổ thông nhất là leo lên từ Trạm Tôn ở độ cao 1.900m. Khung cảnh đa dạng và thảm thực vật phong phú khiến cho Fansipan trở thành điểm du lịch luôn hấp dẫn trong mắt du khách.
Thời gian leo Fansipan tốt nhất là từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch năm sau, khoảng thời gian này giúp du khách dễ dàng nhìn thấy biển mây, tránh được thời tiết nóng bức và những cơn mưa rừng. Ngoài ra, từ tháng 2 đến tháng 3 là mùa hoa đỗ quyên mọc rất nhiều ở rừng Hoàng Liên Sơn. Bạn nên tránh đi vào các dịp nghỉ lễ, vì thời gian này khá đông người leo khiến quang cảnh không còn vẻ hoang sơ, thanh vắng.
Hiện tại, tour đi Fansipan khá phổ biến và có nhiều mức giá cạnh tranh. Các hãng lữ hành sẽ giúp du khách đăng ký với Ban quản lý, chuẩn bị đồ ăn, túi ngủ, lều bạt và porter – người dẫn đường, cũng như đưa đón du khách từ vị trí điểm leo. Từ Hà Nội, du khách có thể đi tàu hoặc xe khách giường nằm tới Lào Cai, chỉ mất 1 đêm, sau đó sẽ được ô tô đưa đến các điểm leo núi nằm quanh khu vực Sapa.
Để có thể trải nghiệm nhiều hơn tại mỗi điểm, du khách nên lựa chọn thời điểm thích hợp. Mùa xuân đi cực Bắc để ngắm hoa, vui tết cùng bà con dân tộc, đầu hạ đến cực Đông ngắm biển xanh, mùa thu lênh đênh cùng mùa nước nổi ở cực Nam, mùa đông leo núi chinh phục cực Tây A Pa Chải và săn biển mây tại đỉnh Fansipan – nóc nhà Đông Dương.
|
Ngô Huy Hòa
(Tạp chí Du lịch)