Đề cao trách nhiệm truyền thông trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá dân tộc
Tọa đàm “Truyền thông với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá dân tộc” nhằm góp phần làm sâu sắc hơn vai trò, đóng góp quan trọng của truyền thông với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; đồng thời, giúp các nhà quản lý, các nhà báo nhận diện thực chất hơn về hiệu quả, thực trạng của công tác này. Qua đó, giúp các nhà báo nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm và chất lượng chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình tác nghiệp, truyền tải thông tin tới công chúng; tăng cường phối hợp truyền thông về di sản văn hoá giữa các cơ quan báo chí và các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý di sản văn hoá, Mặt trận Tổ quốc.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, trong nhiều năm qua, các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng đã tập trung tuyên truyền đậm nét vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá dân tộc, qua việc đăng tải nhiều tin bài, sự kiện, bình luận giới thiệu về các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, di sản văn hoá quốc gia, phong tục, tập quán, lễ hội, nét đẹp truyền thống... của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Đồng thời, báo chí cũng có tiếng nói phản biện kịp thời về các chính sách di sản văn hoá, những hạn chế, bất cập trong quản lý di sản văn hoá, giúp các địa phương cũng như cơ quan quản lý nhà nước chấn chỉnh, khắc phục những khiếm khuyết. Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập văn hoá hết sức mạnh mẽ như hiện nay, vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá Việt Nam càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay, chung sức của nhiều cấp, nhiều ngành, sự thể hiện vai trò, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức trong đó có các cơ quan báo chí, truyền thông.
Theo ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, trong kỷ nguyên số 4.0 hiện nay, mạng xã hội là một phần thiết yếu cho các chiến dịch truyền thông. Hiện nay, Internet đã phát triển ở cả thành thị và nông thôn, có tới gần 65 triệu người đang sử dụng Internet và 58 triệu tài khoản Facebook. Những người dùng đó có thể dễ dàng sử dụng mạng xã hội để đọc báo, tìm kiếm thông tin hàng ngày, hàng giờ. Do đó, cần có những chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức, văn hóa của người sử dụng mạng xã hội, nhất là giới trẻ, để người dùng có ý thức, trách nhiệm hơn khi sử dụng mạng xã hội. Đồng thời, các cơ quan truyền thông, báo chí cần đẩy mạnh cung cấp thông tin công khai, minh bạch trên các phương tiện truyền thông chính thống, góp phần hạn chế những thông tin xấu phát tán trên mạng xã hội.
Tại tọa đàm, bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập Báo Văn hóa cho rằng, các nhà báo cần được cung cấp thông tin chính thống và có sự định hướng cụ thể, chính xác. Hiện nay, những bài báo có tính độc lập, khai thác sâu về một lĩnh vực nào đó thuộc di sản văn hóa dân tộc xuất hiện không nhiều. Để khắc phục tình trạng này, mỗi nhà báo cần nâng cao trách nhiệm của mình trong việc viết bài, đưa tin. Bên cạnh đó, cần có lớp tập huấn về di sản chuyên sâu cho các nhà báo, từ đó nâng cao chất lượng trong từng bài viết, tạo sự thu hút, lôi cuốn bạn đọc đến với những giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Theo Phó Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, những ý kiến đóng góp tại tọa đàm là một trong những kênh lý luận và thực tiễn hữu ích, giúp cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương có thêm cơ sở để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; giúp MTTQ Việt Nam tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; từ đó góp phần xây dựng và phát triển văn hóa nước nhà bền vững, tăng cường củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc.
Thu Thảo