Những nút thắt cần tháo gỡ trong giai đoạn phục hồi du lịch
Tại phần thảo luận, các Tổng Biên tập và đại diện các cơ quan báo chí đã chia sẻ, đóng góp những giải pháp truyền thông góp phần phục hồi du lịch đồng thời nêu ra những vấn đề còn tồn tại trong công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí đối với Ngành Du lịch thời gian qua.
Theo Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn, ngành Du lịch TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung đã có nhiều nỗ lực, nhiều thành quả nhưng khâu truyền thông, quảng bá chưa “bắt kịp” với tốc độ phát triển của du lịch. Công tác quảng bá của Việt Nam còn hạn chế so với các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Malaysia...; kinh phí dành cho truyền thông còn hạn chế; nút thắt lớn nhất của ngành Du lịch hiện nay chính là vấn đề visa. Theo ông Toàn, Bộ VHTTDL cần đề xuất Chính phủ xem xét mở rộng các quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn visa và được thực hiện chính sách visa điện tử (e-visa); khôi phục việc cấp visa tại cửa khẩu đối với một số trường hợp khách có nhu cầu gấp nhập cảnh vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cần gia hạn thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 lên 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh để thu hút khách từ các thị trường xa.
Bày tỏ quan điểm trước thực tế hiện tại lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ cho rằng mặc dù Việt Nam có quá nhiều lễ hội trong năm nhưng những lễ hội thu hút khách quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay do đó cần nghiên cứu để làm sao có được những sản phẩm thu hút được khách quốc tế. Ví dụ như tổ chức lễ hội âm nhạc trên phố đi bộ hoặc lễ hội ánh sáng trên sông Sài Gòn, lễ hội ẩm thực...
“Thời gian qua, mặc dù các hoạt động kích cầu, quảng bá cho chương trình phục hồi du lịch đã rất tích cực song cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ngành Du lịch với ngành khác đạt như thể thao, an ninh... để đạt hiệu quả cao hơn việc tuyên truyền đồng thời hạn chế được những hình ảnh chưa đẹp về Du lịch Việt Nam”, ông Tăng Hữu Phong, Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng nói. Theo ông Phong, đã đến lúc ngành Du lịch phải có tính toán về mục tiêu truyền thông một cách cụ thể cũng như phân loại thông tin tới từng đối tượng khách.
Ông Tô Đình Tuân - Tổng biên tập báo Người Lao Động cho rằng, Việt Nam cần có chiến dịch truyền thông quốc tế để quảng bá Du lịch Việt Nam nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài, các báo nên có thêm chuyên trang du lịch tiếng nước ngoài để du khách quốc tế cập nhật thông tin. Đối với du lịch nội địa, cần đẩy mạnh sản phẩm du lịch về nguồn, biển đảo nhằm nâng cao ý thức về tình yêu quê hương đất nước...
Đại diện báo Nhân Dân, ông Lê Nam Tư cho rằng, sự tương tác giữa báo chí với ngành Du lịch cần có sự song hành để báo chí có chiến lược truyền thông cụ thể, đúng thời điểm...
Nhấn mạnh vai trò của việc tập trung khai thác khách du lịch nội địa, ông Lâm Quang Hiếu - Phó Tổng biên tập báo điện tử Zing New nói: “Thực tế cho thấy hiện nay lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế do đó cần tiếp tục khảo sát, tính toán để kích cầu khách du lịch nội địa. Mặc dù Việt Nam có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn nhưng thời gian qua chủ yếu là làm mới lại sản phẩm truyền thống chứ chưa xây dựng thêm những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và xu hướng mới nhất là sản phẩm hướng tới đối tượng khách du lịch trẻ trong nước.
Đánh giá cao chủ trương và mục đích của buổi gặp gỡ, Tổng biên tập Tạp chí Du lịch Nguyễn Đức Xuyên đề xuất cần có những buổi làm việc thường niên giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với đại diện các cơ quan thông tấn để rút kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông. Theo ông Xuyên, sau những sự kiện ký kết hợp tác, các địa phương cần cung cấp cụ thể hơn nữa về các hoạt động liên kết với báo chí để phối hợp tuyên truyền. Đóng góp cho Du lịch TP.HCM, ông Xuyên đề nghị thành phố nên tổ chức các chuyến famtrip dành riêng cho phóng viên quốc tế và báo đài các địa phương để có những tuyên truyền sát với thực tế cũng như cần có những phương án giải tỏa áp lực giao thông, sẵn sàng tinh thần cho giai đoạn lượng khách quốc tế tăng trở lại thời gian tới.
Từ ý tưởng đến giải pháp
Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến xây dựng đầy trách nhiệm và tâm huyết của các cơ quan truyền thông, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Thị Thắng khẳng định, thời gian tới, thành phố sẽ có những cơ chế nhằm bảo đảm hài hòa giữa lợi ích và trách nhiệm giữa các bên thông qua các hình thức đặt hàng, xã hội hóa... cũng như có các kế hoạch cung cấp thông tin tới báo chí sớm nhằm tối ưu hiệu quả công tác tuyên truyền. Phó Chủ tịch đề nghị các cơ quan thông tấn phác thảo những kế hoạch truyền thông phù hợp với đặc thù của từng đơn vị để thành phố nghiên cứu, có cơ chế đặt hàng, phối hợp truyền thông đạt hiệu quả hơn.
Biểu dương sự đồng hành của các cơ quan báo chí đối với những kết quả đạt được của ngành Du lịch thời gian qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao những ý tưởng xây dựng của các Tổng Biên tập, đại diện các cơ quan thông tấn tại buổi gặp gỡ và tiếp thu những ý kiến đóng góp rất đúng và trúng đối với ngành Du lịch.
Tổng cục trưởng cho biết, thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Quỹ Hỗ trợ Phát triển Du lịch để triển khai các chương trình xúc tiến trong nước và quốc tế một cách xứng tầm nhằm đạt được mục tiêu đề ra; sẵn sàng chủ động cung cấp thông tin kịp thời tới các cơ quan báo chí ngay sau khi thông tin đựơc Chính phủ và cơ quan cấp trên phê duyệt, cho ý kiến chỉ đạo.
Đối với công tác truyền thông qua nền tảng mạng xã hội, sử dụng công nghệ marketting điện tử và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, thời gian tới Tổng cục Du lịch sẽ tích cực triển khai và hỗ trợ các địa phương trong việc số hóa các điểm đến cũng như số hóa công tác quản lý từ đó tạo nên sự tương tác giữa các cơ quan quản lý trung ương tới các địa phương để có cơ sở dữ liệu và định hướng chung trong công tác truyền thông.
Hiện tại, Tổng cục Du lịch đã triển khai xây dựng chiến lược marketting du lịch đến năm 2030. Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành và trình Chính phủ trong đó có một nội dung liên quan đến truyền thông. Tổng cục Du lịch mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các địa phương và cơ quan thông tấn báo chí để chiến lược đạt được tính khả thi.
Về chiến dịch truyền thông quốc tế đến các thị trường mục tiêu, hiện nay Tổng cục Du lịch đã đề xuất với Bộ VHTTDL trong đó có danh mục 69 nhiệm vụ xúc tiến truyền thông du lịch giai đoạn từ nay đến năm 2023, đây là giai đoạn phục hồi du lịch Việt Nam. Từ năm 2024 sẽ là giai đoạn phục hồi hoàn toàn và tăng tốc phát triển. Các chiến dịch truyền thông bao gồm: tích cực tham gia các hội chợ quốc tế lớn ở nước ngoài; phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, hàng không và các cơ quan truyền thông nước ngoài để xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam; đón các đoàn famtrip quốc tế; triển khai các chương trình kích cầu cùng với ngành hàng không ở các thị trường trọng điểm khi các hãng hàng không mở ra các đường bay mới; tăng cường vai trò của các cơ quan ngoại giao, đại diện của Việt Nam tại nước ngoài...
Đặc biệt, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp thu ý kiến của các Tổng Biên tập về ý tưởng hỗ trợ nghiệp vụ báo chí truyền thông cho những người làm du lịch và nghiệp vụ du lịch cho những người làm truyền thông viết về du lịch nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất công tác tuyên truyền quảng bá đồng thời tham mưu Lãnh đạo Bộ tổ chức các giải thưởng báo chí mang tầm quốc gia...
Chương trình “Gặp gỡ các Tổng biên tập” bên lề Hội chợ Du lịch Quốc tế lần thứ 16 - ITE HCMC 2022 đã đặt nền móng cho một cơ hội giúp duy trì và phát huy mối quan hệ phối hợp hỗ trợ trong công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch đồng thời là dịp để lãnh đạo thành phố và lãnh đạo ngành Du lịch tiếp thu những đóng góp của các cơ quan báo chí đối với ngành du lịch TP.HCM nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung. Qua đó, trao đổi các giải pháp nâng cao chất lượng, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn phục hồi.
|
Phương Nhi