Liên kết cùng phát triển
Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam là 3 địa phương trên trục di sản có rất nhiều tiềm năng về du lịch. Chỉ kéo dài chưa đầy 300km mà cả 3 địa phương sở hữu những bãi biển đẹp vào loại nhất nhì thế giới; 4 di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn; những khu sinh thái sinh quyển, rừng quốc gia phong phú đa dạng về chủng loại động thực vật… Phát huy các thế mạnh của mình, 3 tỉnh cũng đã tạo ra những sản phẩm du lịch mang đặc trưng của địa phương như: các làng nghề thủ công truyền thống tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên (Thừa Thiên - Huế), đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng), dệt thổ cẩm của người Cơ Tu (Quảng Nam)…
Tuy nhiên, việc phát triển riêng lẻ không đem lại những “cú hích” về du lịch cho cả 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng và Quảng Nam. Vì vậy, ngay từ năm 2006, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Du lịch, công tác liên kết, hợp tác giữa 3 địa phương trong xây dựng sản phẩm liên vùng và xúc tiến quảng bá đã được các ngành, các cấp, địa phương quan tâm thúc đẩy.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Du lịch miền Trung nói chung, Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng cùng Sở VHTTDL Quảng Nam đã ký kết nhiều biên bản hợp tác liên kết phát triển du lịch. Nhiều chương trình quảng bá đã được 3 địa phương phối hợp xây dựng chiến lược cùng xúc tiến: “Đà Nẵng biển gọi”, “Hành trình Di sản”- Quảng Nam, “Lăng cô huyền thoại biển” - Thừa Thiên Huế; “Ba địa phương - một điểm đến”… Cùng với đó, các chương trình tham gia hội chợ, giới thiệu sản phẩm du lịch cũng được mở rộng trong và ngoài nước. Chỉ riêng năm 2015, công tác xúc tiến quảng bá được đẩy mạnh đến các thị trường như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, các tỉnh Tây Nam Bộ; tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội, Hội chợ Du lịch ITE-HCM, Hội chợ JATA và chương trình giới thiệu du lịch 3 địa phương tại Nhật Bản…
Ba địa phương cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, cung cấp thông tin về tình hình phát triển du lịch, chương trình tour, các điểm đến và sản phẩm du lịch mới để giới thiệu đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch ở các thị trường tiếng hiếm như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan; xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế mới như: Hồng Kông – Đà Nẵng, Busan – Đà Nẵng; thành lập các Tổ công tác phát triển du lịch… cũng được các địa phương phối hợp thực hiện một cách hiệu quả.
Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Dự án EU-ESRT, 3 tỉnh đã xây dựng và lấy ý kiến về việc hình thành 3 nhóm sản phẩm du lịch chung của 3 địa phương gồm: con đường di sản, nghỉ dưỡng biển, con đường sinh thái và du lịch cộng đồng. Ba địa phương cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về du lịch cho các cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp du lịch địa phương, đồng thời cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn ngắn hạn trong và ngoài nước với mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch; tổ chức hội thảo xúc tiến hợp tác quốc tế trong đào tạo du lịch tại miền Trung, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo về du lịch trong vùng.
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động liên kết du lịch 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế diễn ra tại Đà Nẵng mới đây cho thấy, hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chung của 3 địa phương đã từng bước định vị được thương hiệu du lịch, tạo ra điểm đến với sản phẩm đa dạng, chất lượng, thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế.
Một số tồn tại, hạn chế
Dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song có thể thấy sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch thời gian qua cũng nảy sinh một số vấn đề cần khắc phục, như sau:
Thứ nhất, cách quản lý điểm đến hiện nay vẫn đang quen điều hành theo sự phân chia địa giới và tổ chức hành chính. Do đó, trong phối hợp còn những rào cản, giới hạn về chức năng, nhiệm vụ cũng như phân định quyền hạn, trách nhiệm về mặt hành chính, chưa thuận lợi để cùng bàn, cùng làm. Cơ chế chính sách giữa 3 địa phương còn chưa đồng bộ. Việc xác định thị trường trọng điểm vẫn có những bất đồng do lợi thế, sản phẩm khác biệt giữa mỗi địa phương cũng như nguồn lực kinh phí không đồng đều.
Thứ hai, việc kết nối giữa các doanh nghiệp của 3 tỉnh chưa đem lại hiệu quả cao. Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam được xem là một điển hình tiêu biểu thành công trong liên kết du lịch giữa các địa phương. Tuy vậy, mối liên kết này mới chỉ dừng lại ở cấp độ các cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội du lịch, trong các hoạt động cùng nhau xúc tiến quảng bá, tổ chức các đoàn famtrip, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực. Thực tế, các doanh nghiệp chưa thực sự bắt tay liên kết với nhau để tạo ra những sản phẩm dùng chung cho ba địa phương. Hiện tính liên kết thực chất chỉ chủ yếu ở cấp độ các doanh nghiệp lữ hành, thông qua việc kết nối các tour tham quan 3 tỉnh, thành phố lại với nhau, tránh trùng lặp các sản phẩm du lịch đặc trưng địa phương…
Thứ ba, liên kết với các vùng du lịch như: Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ... còn hạn chế. Tuy vậy, những hợp tác này mới dừng lại ở những chuyến ghé thăm, famtrip khảo sát và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, hỗ trợ, giúp nhau trong quảng bá du lịch, cung cấp, trao đổi thông tin mà chưa có giải pháp, hành động cụ thể để triển khai nên việc liên kết chưa có hiệu quả. Sự thiếu đồng bộ về cơ chế chính sách, khó khăn trong việc kết nối giao thông cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc liên kết gặp khó khăn.
Thứ tư, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao còn là vấn đề nan giải ở hầu hết các khách sạn, nhà hàng tại 3 tỉnh.
Một số giải pháp
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường liên kết du lịch giữa các tỉnh nhằm phát triển hoạt động du lịch, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, thành lập ban chỉ đạo, điều phối chung để kết nối hoạt động du lịch của cả 3 địa phương, kết nối từ cấp độ chiến lược cho đến việc thực hiện; từ cấp quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp lữ hành, du lịch. Bên cạnh đó, để sự liên kết có hiệu quả hơn và đi vào chiều sâu, cần triển khai thêm rất nhiều hoạt động như đánh giá, lựa chọn, hình thành các sản phẩm chung, phối hợp tổ chức các sự kiện, định hướng các hoạt động marketing cho cả 3 địa phương, cũng như hình thành quỹ xúc tiến chung có tính đến việc xã hội hóa từ doanh nghiệp.
Hai là, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của việc liên kết du lịch cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn 3 tỉnh; ban hành các chính sách nhằm tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp này liên kết.
Ba là, đẩy mạnh liên kết trong quảng bá, xúc tiến du lịch. Ðối với khách quốc tế, nên hợp tác chặt chẽ để quảng bá hình ảnh điểm đến chung cho cả khu vực. Cung cấp các ấn phẩm, tài liệu cho khách qua các kênh như: cơ quan đại diện ngoại giao, hàng không và các doanh nghiệp du lịch, tổ chức những đoàn khảo sát cho báo chí trong nước và ngoài nước để tuyên truyền trên mạng và các phương tiện thông tin đại chúng.
Bốn là, đẩy mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch. Theo đó cần dựa trên đặc điểm của từng khu vực để có sự chuẩn bị phù hợp với nhu cầu nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao của mỗi vùng. Trong công tác đào tạo, không chỉ có nhà trường mà doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến việc đào tạo nhân lực. Nhà trường và doanh nghiệp cần kết hợp với nhau để tạo điều kiện cho người học tiếp cận hết các kiến thức lý thuyết và thực tiễn.
Tài liệu tham khảo
- Tổng cục Du lịch (2015). Báo cáo kỹ thuật Nghiên cứu khảo sát lực lượng du lịch năm 2015 khu vực 3 tỉnh miền Trung: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 3 tỉnh Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng (2016). Báo cáo tổng kết hoạt động liên kết du lịch 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế
- Quế Sơn (2015). Nhân lực: nút thắt của ngành du lịch miền Trung, truy cập từ http://baodautu.vn/nhan-luc---nut-that-cua-nganh-du-lich-mien-trung-d29569.html
Nguyễn Thị Duy Phương