Trường trung học nghiệp vụ Du lịch Vũng Tàu
chặng đường 30 năm
Trường trung học nghiệp vụ Du lịch Vũng Tàu
chặng đường 30 năm
Thứ hai, 13/02/2006 | 14:10 GMT+7
Trường Trung học Nghiệp vụ Du lịch Vũng Tàu đã trải qua chặng đường hơn 30 năm qua (01/12/1975 – 01/12/2005) phấn đấu không không ngừng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của ngành Du lịch. Từ một cơ sở đào tạo chỉ 300 học sinh với phòng học và trang thiết bị cũ và lạc hậu đến nay, Nhà trường đã trở thành một trường đào tạo Trung học chuyên nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, với quy mô đào tạo 2.000 học sinh /năm.
Trong những ngày đầu với đội ngũ giáo viên chưa quá 10 người và một số cán bộ hoạt động du lịch nhưng chỉ quen về công tác chính trị. Cơ sở vật chất ban đầu chỉ có 01 khách sạn với 24 phòng ngủ, Nhà trường đã tiến hành mua thêm khu nhà 171 để cải tạo thành 8 phòng làm việc, 2 phòng học; tất cả trang thiết bị, dụng cụ dạy học phải mua sắm từ đầu và cũng chỉ là những nhu cầu tối thiểu phục vụ cho việc giảng dạy thao tác kỹ thuật. Năm 1976, Nhà trường tuyển sinh khóa học đầu tiên với 300 học sinh đào tạo nghề nấu ăn, phục vụ bàn, buồng và ngoại ngữ.
Trường Trung học Nghiệp vụ Du lịch Vũng Tàu đã phát triển cùng với quá trình phát triển ngành Du lịch Việt Nam và công cuộc thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam. Bằng những nỗ lực của cán bộ, giáo viên và nhân viên trong Trường, khắc phục nhiều khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Là một trường đào tạo chuyên ngành trong đó đòi hỏi cao về tính chuyên nghiệp, về kỹ năng thực hành, Nhà trường quan tâm nâng cao chất lượng phục vụ, kỹ năng thao tác chế biến. Trên cơ sở chương trình đào tạo dài hạn (12 - 24 tháng), Hội đồng Đào tạo của Trường đã thảo luận và xây dựng hệ thống chương trình môn học cho từng nghề với phương châm rút ngắn thời gian đào tạo, giảm lý thuyết, tăng thực hành. Đến nay, Nhà trường đang đào tạo 7 nghề cho khối trung cấp và 5 nghề thuộc khối sơ cấp; kếp hợp với đào tạo ngắn hạn và liên kết.
Nhà trường đã triển khai thực hiện phương châm đào tạo lại tại cơ sở kinh doanh qua tiến hành khảo sát thực tế hoạt động kinh doanh và tiếp thu kiến nghị của các đơn vị để xây dựng chương trình môn học phù hợp với những kiến thức và qui trình kỹ thuật được tiến hành linh hoạt theo đặc điểm cụ thể của từng doanh nghiệp. Với phương châm này, Nhà trường đã quan hệ tốt với các địa phương để thực hiện việc đào tạo và bồi dưỡng nhân viên đáp ứng cho yêu cầu phục vụ du lịch của các doanh nghiệp.
Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở hoàn thiện và nâng cấp có chiều sâu cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch của đất nước, Nhà trường sẽ tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo và giúp đỡ của các cấp, ngành; đồng thời, tăng cường quan hệ hợp tác về đào tạo với các địa phương, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của quốc tế để phát triển bền vững.
Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm hình thành và phát triển, với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Nhà trường qua các thời kỳ, Trường trung học Nghiệp vụ Du lịch Vũng Tàu đã mở rộng đào tạo nhiều nghề cho ngành Du lịch, tăng cường cơ sở vật chất và mở rộng cơ sở đào tạo (đặt phân hiệu tại Cần Thơ) và đào tạo được 30.000 học sinh có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho ngành Du lịch. Trong số đó có nhiều học sinh đã trưởng thành đang đảm nhiệm chức vụ Giám đốc các công ty, các khách sạn và những chuyên gia kỹ thuật đầu ngành trong hoạt động du lịch và khách sạn trên phạm vi cả nước. /.
HỒ LÝ LONG
Hiệu trưởng Trường Trung học Nghiệp vụ Du lịch Huế