Du lịch các quốc gia ASEAN
Hiệp hội các quốc gia ASEAN rất coi trọng phát triển du lịch, tranh thủ tận dụng cơ hội do sự di chuyển dòng khách du lịch từ các khu vực khác sang khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và nguồn lực phát triển du lịch của mình. Đặc biệt, vị trí địa lý thuận lợi, sự phong phú về tài nguyên du lịch tự nhiên, tính đa dạng của tài nguyên du lịch nhân văn đầy bản sắc để đẩy mạnh phát triển du lịch. Hầu hết các nước thành viên của ASEAN đều tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng, xếp vào hàng thứ 2 hoặc thứ 3 trong nền kinh tế quốc dân. Mặc dù, ở trong cùng một khu vực địa lý, song các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia ASEAN rất khác nhau về chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa, tạo thành một sự đa dạng cho toàn Hiệp hội. Thống nhất trong sự đa dạng đã tạo nên sức hấp dẫn du lịch rất lớn của ASEAN, thường được gọi là điểm đến ASEAN.
Đặc điểm nổi bật của du lịch các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia ASEAN là du lịch nội khối ASEAN thường chiếm 45-47% tổng lượng khách quốc tế đến toàn khu vực ASEAN. Các thị trường gửi khách chính đến khu vực ASEAN gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, 25 nước thuộc Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan. Lượng khách đến ASEAN từ các thị trường này chiếm khoảng 35-41% và có xu hướng giảm nhẹ. Khách từ các thị trường còn lại của thế giới đến khu vực ASEAN chiếm khoảng 13-18%, đang có xu hướng tăng nhẹ.
Luồng khách vào du lịch ngày một tăng đã mang lại nguồn lợi đáng kể cho các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia ASEAN. Các nhà nghiên cứu kinh tế du lịch cho rằng thị trường du lịch ASEAN vẫn sáng sủa và thường là sớm hồi phục so với các thị trường khác trên thế giới sau những khủng hoảng, những khúc quanh của quá trình phát triển.
Có thể xác định, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế là các nước ASEAN và Đông Bắc Á. Trung Quốc là điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là đối thủ cạnh tranh lớn của bất kỳ quốc gia nào, nên không là ngoại lệ đối với Du lịch Việt Nam. Đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất đối với Việt Nam là Malaysia, Thái Lan, Singapore và Indonesia. Philippines và Myanmar cũng được xem là đối thủ cạnh tranh tiềm năng trong khu vực này. Tuy nhiên, so sánh Việt Nam với đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực ASEAN chính là Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Campuchia.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh từ các đối thủ cạnh tranh chính trong việc thu hút khách quốc tế. Mặc dù tốc độ tăng trưởng khách quốc tế hàng năm của Việt Nam khá cao nhưng về con số tuyệt đối, vẫn còn khoảng cách xa so với Malaysia, Thái Lan và Singapore.
Nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập
Chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Chiến lược phát triển Du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách lớn nhằm chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung, trong đó xác định phải chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước thành viên ASEAN xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh… Những chủ trương này mang tính tổng thể, dài hạn, trong đó bao hàm cả những quyết sách để tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua được các thách thức của việc gia nhập WTO và hội nhập toàn diện trong ASEAN. Tuy vậy, khi đã trở thành thành viên WTO, của ASEAN và thực thi các cam kết với các tổ chức này, Việt Nam sẽ phải đương đầu với nhiều vấn đề mới, trực tiếp và tác động tức thì đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế đất nước, trong đó có lĩnh vực du lịch, mặc dù lĩnh vực du lịch là một trong những lĩnh vực đã đi trước trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Để đạt được mục tiêu đề ra trong quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế về du lịch trong ASEAN, Du lịch Việt Nam cần áp dụng những nhóm giải pháp chủ yếu sau:
Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến du lịch và hội nhập và hợp tác quốc tế về du lịch phù hợp với các nguyên tắc và quy định của ASEAN
Nhanh chóng hình thành đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường trong lĩnh vực du lịch. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và hiện đại trong mọi hoạt động của nền kinh tế, trong đó có hoạt động du lịch, là tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô ở trong nước và tạo động lực và vị thế cho hội nhập quốc tế.
Điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô để đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch bình đẳng có hiệu quả. Việc điều chỉnh hệ thống các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm, tạo môi trường cho kinh tế du lịch vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước hiệu quả, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế và bắt nhịp được với các khuynh hướng phát triển mới của khu vực và thế giới.
Đẩy mạnh cải cách hành chính liên quan đến hoạt động du lịch. Hoàn thiện cơ chế phân cấp, bảo đảm quản lý thống nhất về quy hoạch và những định hướng phát triển, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động du lịch; đồng thời đề cao vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực của từng cấp, từng ngành. Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động du lịch. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống quản lý nhà nước về du lịch và liên quan đến du lịch có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân, khách du lịch.
Nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch là yếu tố giữ vai trò quyết định sự thành, bại của nền kinh tế du lịch sau khi gia nhập WTO và hội nhập quốc tế sâu và toàn diện trong ASEAN. Đây là điều kiện hàng đầu để tận dụng hiệu quả các cơ hội và vượt qua những thách thức trong hội nhập quốc tế sâu và toàn diện trong ASEAN và thực hiện cam kết với WTO. Thách thức lớn nhất hiện nay đối với Việt Nam sau khi gia nhập WTO và hội nhập quốc tế du lịch sâu và toàn diện trong ASEAN là sự yếu kém về năng lực cạnh tranh du lịch xét trên cả ba cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh là nội dung trọng tâm trong Chương trình hành động hội nhập quốc tế về du lịch trong ASEAN.
Tập trung sức đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu phát triển du lịch. Đây là giải pháp mang tính cơ cấu nền kinh tế du lịch của Việt Nam, thực hiện trên diện rộng toàn quốc rất khó khăn khi thực hiện các cam kết mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế sâu và toàn diện trong và ngoài ASEAN.
Kiện toàn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cơ chế phối hợp liên ngành phục vụ hội nhập quốc tế về du lịch với ASEAN. Tăng cường hoạt động du lịch trong các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong hội nhập quốc tế về du lịch của Việt Nam trong ASEAN.
Giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc trong chủ động tích cực hội nhập quốc tế về du lịch trong ASEAN.
Giải quyết tốt các vấn đề về môi trường bảo đảm phát triển bền vững trong quá trình hội nhập quốc tế du lịch trong ASEAN.
Giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia trong quá trình hội nhập quóc tế về du lịch sâu và toàn diện trong ASEAN và với thế giới.
Hoàn thiện các thiết chế dân chủ để đảm bảo quyền làm chủ của người dân và sự quản lý của Nhà nước trong tiến trình hội nhập và hợp tác quốc tế du lịch.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam là vấn đề cấp thiết, đặc biệt trong điều kiện cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực ASEAN ngày càng gay gắt. Du lịch toàn cầu nói chung đang phải đương đầu với những khó khăn thách thức to lớn do tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh trên thế giới. Do đó cần có phân tích, đánh giá, đưa ra bức tranh toàn cảnh, trên cơ sở đó đề xuất quan điểm và đưa ra một số khuyến nghị về chính sách đồng bộ nhằm phát triển bền vững Du lịch Việt Nam trong sự cạnh tranh với các nước ASEAN.
ThS. Đoàn Mạnh Cương
(Tạp chí Du lịch)