Ban hành kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam
Kế hoạch được ban hành nhằm xây dựng và triển khai các hành động thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam (Đề án) đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (BVHTTDL) phê duyệt. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan liên quan, thực hiện Đề án nghiêm túc, thống nhất, đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức, năng lực xúc tiến, quảng bá du lịch.
Việc tổ chức triển khai Đề án phải được thực hiện thống nhất, đầy đủ, đồng bộ trong toàn ngành Du lịch; gắn việc triển khai Đề án với việc triển khai các văn bản pháp luật khác có liên quan; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, tổ chức triển khai thi hành, hoàn thành đúng tiến độ, thời hạn, chất lượng.
Theo Đề án của BVHTTDL (Quyết định số 4829/QĐ-BVHTTDL ngày 25/12/2018), các hoạt động xúc tiến, quảng bá sẽ được tổ chức theo hướng tập trung vào các điểm đến, sản phẩm có thế mạnh và thị trường khách du lịch trọng điểm; phát huy sức mạnh tổng hợp của các địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, khai thác bản sắc văn hóa Việt Nam trong xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch.
Đề án đặt mục tiêu sao cho hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam được giới thiệu và đón nhận tích cực tại các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng trên thế giới; hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu, quy trình, phương pháp xúc tiến, quảng bá du lịch thống nhất từ Trung ương đến địa phương; áp dụng công nghệ hiện đại… góp phần tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa cả về số lượng, chất lượng; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cụ thể, du lịch Việt Nam sẽ được truyền thông thương hiệu theo bộ nhận diện “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” gắn với các dòng sản phẩm du lịch cụ thể tại các sự kiện xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế. Hợp tác với các hãng truyền thông trong nước và quốc tế như BBC, CNN… tổ chức các hoạt động truyền thông; phối hợp tổ chức quảng bá du lịch Việt Nam tại các sự kiện quốc tế lớn có hiệu ứng toàn cầu như Giải đua xe công thức I tại Việt Nam năm 2020; tham gia là đối tác chính thức của Hội chợ Du lịch quốc tế ITB Berlin…
Về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xúc tiến, quảng bá du lịch, Đề án xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình E-marketing, lồng ghép trong thực hiện Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin du lịch; phát triển ứng dụng thông minh trong quảng bá điểm đến, giới thiệu sản phẩm và hướng dẫn du lịch trên thiết bị di động phục vụ khách du lịch; phát triển đồng bộ các công cụ xúc tiến du lịch trên các website chính thức và mạng xã hội.
Về phương thức tổ chức triển khai, quy trình quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam, sẽ được thống nhất theo 3 cấp độ: Tổng cục Du lịch định hướng về sản phẩm, hình ảnh, thị trường và kế hoạch tổ chức xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch vùng, quốc gia. Sau đó, các địa phương tổ chức xúc tiến, quảng bá điểm đến địa phương và tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia. Tiếp đến là các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nguồn kinh phí thực hiện đề án gồm Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, ngân sách Nhà nước bố trí hàng năm và các nguồn hợp pháp khác.
PV