Quan niệm về ngoại ngữ chuyên ngành Du lịch
Ngoại ngữ chuyên ngành khác với ngoại ngữ tổng quát ở chỗ: nội dung và mục đích khóa học được xác định dựa trên phân tích nhu cầu của nhóm người học. NNCN được phân loại dựa trên một số tiêu chuẩn có liên quan đến người học: thời điểm đào tạo, nghề nghiệp chuyên môn, tính chuyên môn hóa của nghề nghiệp. Thông thường, NNCN được phân chia thành hai nhóm chính: NN cho mục đích giáo dục hay NN học thuật và NN cho mục đích nghề nghiệp trong đó có NNCN du lịch.
NNCN du lịch (còn được gọi là ngoại ngữ du lịch) không phải là một loại ngôn ngữ, tài liệu hay phương pháp giảng dạy. NNCN du lịch là tiếp cận dạy và học NN dựa trên nhu cầu của người học và được thiết kế đáp ứng nhu cầu cụ thể hoặc thỏa mãn mục đích đã được xác định của người học, trong đó nội dung và phương pháp dạy học được hình thành từ việc phân tích mục đích và nhu cầu của người học hay tình huống sử dụng NN của mỗi chuyên môn, nghề nghiệp và hoạt động thuộc lĩnh du lịch. Những nhiệm vụ được sử dụng trong dạy học NNCN du lịch là các nhiệm vụ gắn với thực tiễn chuyên môn, nghề nghiệp hay hoạt động thuộc lĩnh vực du lịch và lĩnh vực liên quan.
Trong dạy học NNCN du lịch, đặc điểm và mức độ cụ thể liên quan đến chuyên môn, nghề nghiệp hay hoạt động trong từng module, chủ đề của các khóa học NNCN được thể hiện ở mức độ nhu cầu sử dụng NN và những đặc trưng chỉ những người làm việc trong lĩnh vực chuyên môn, nghề hay hoạt động đó mới có thể nắm được sẽ quyết định việc chọn nội dung, cảnh huống, nhiệm vụ và lựa phương pháp giảng dạy và học tập phù hợp. Do đó, sẽ xuất hiện những khóa học NNCN du lịch càng ngày càng cụ thể như: NNCN du lịch gồm các nội dung liên quan đến lữ hành, hướng dẫn, vận chuyển, khách sạn, nhà hàng…; nhỏ hơn có NNCN khách sạn gồm các nội dung liên quan đến lĩnh vực lễ tân, phục vụ buồng, nhà hàng, nhà bếp, dịch vụ thương mại…; nhỏ hơn có ngoại ngữ cho nhân viên bếp Á, bếp Âu..v.v.
Đường hướng dạy học tích hợp chuyên ngành và ngôn ngữ
Dạy học tích hợp chuyên ngành và ngôn ngữ, hay còn gọi là CLIL (Content and Language Integrated Learning), là một tiếp cận hoặc cách thức dạy học nhằm đạt được hai mục đích trong đó tích hợp việc dạy chuyên ngành của chương trình đào tạo với với việc dạy NN. Định hướng này ngày càng trở nên quan trọng hơn trong một xã hội công nghệ và toàn cầu hóa, nơi mà kiến thức của những ngôn ngữ khác giúp người học phát triển các kỹ năng khi dùng tiếng mẹ đẻ, đồng thời giúp họ phát triển các kỹ năng để giao tiếp về khoa học, nghệ thuật hay công nghệ với mọi người trên khắp thế giới. Nó cung cấp cho người học một kinh nghiệm học tập khác với việc học NN bởi vì trong một lớp học CLIL, môn chuyên ngành và NN được dạy cùng nhau. CLIL có thể liên quan đến phương pháp dạy học của cả môn chuyên ngành và NN, do vậy CLIL đặt ra nhiều thách thức cho cả người dạy lẫn người học. Các giáo viên CLIL có thể là giáo viên môn chuyên ngành, giáo viên NN. Những giáo viên khác nhau đối mặt với các thử thách không giống nhau: chẳng hạn giáo viên NN cần học thêm về kiến thức môn chuyên ngành, hay giáo viên môn chuyên ngành cần học thêm về NN dành cho nội dung môn học của họ. CLIL giúp người học trở lên năng động hơn, phát triển khả năng nhận thức và tư duy, phát triển các kỹ năng giao tiếp, phát triển năng lực NN, hoàn thiện kiến thức chuyên ngành bằng NN, tăng cường khả năng nói và viết trong môi trường chuyên ngành, tăng cường sự hiểu biết về văn hóa, mở rộng cơ hội việc làm và tăng cường hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của mình. CLIL cũng giúp các cơ sở giáo dục tăng cường chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế và giúp các giáo viên phát triển nghề nghiệp, tăng cường hợp tác trong công tác chuyên môn.
Mô hình dạy học theo CLIL gồm 4 chữ C kết nối chặt chẽ với nhau: chuyên ngành (content), giao tiếp (communication), tư duy (cognition) và văn hóa (culture) đặt trong một bối cảnh nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế GV có thể thích ứng với CLIL theo các mô hình: coi trọng mục tiêu giảng dạy chuyên ngành và ngôn ngữ như nhau, hoặc thiên về mục tiêu ngôn ngữ, hoặc thiên về mục tiêu chuyên ngành tùy thuộc vào bối cảnh giảng dạy.
Triển khai dạy học ngoại ngữ chuyên ngành Du lịch theo đường hướng tích hợp chuyên ngành và ngôn ngữ
Thứ nhất, cần có sự đồng thuận trong lãnh đạo các nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, sinh viên xem việc dạy học NNCN theo CLIL là một nhu cầu cần thiết đối với sự phát triển của đào tạo nghề du lịch trong bối cảnh hội nhập và tương lai nghề nghiệp của chính học sinh, sinh viên. Tăng cường tuyên truyền, làm rõ vai trò của NN trong việc nghiên cứu, học tập chuyên ngành. Tăng cường triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên về vấn đề đào tạo theo CLIL trong lĩnh vực du lịch.
Thứ hai, xác định mô hình năng lực NNCN du lịch theo đường hướng tích hợp cả năng lực chuyên ngành và năng lực NN để xây dựng hệ mục tiêu cho chương trình phù hợp. Đổi mới xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn năng lực nghề nghiệp trong du lịch của ASEAN. Mua và sử dụng các chương trình, giáo trình tiên tiến nước ngoài viết bằng NN. Tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo về du lịch trên thế giới, đặc biệt các nước thuộc khối ASEAN, trong việc tổ chức triển khai đào tạo và cấp bằng quốc tế theo hình thức liên thông, liên kết hoặc du học tại chỗ.
Thứ ba, tăng cường bồi dưỡng năng lực chuyên ngành Du lịch cho giáo viên NN và năng lực NN cho giáo viên chuyên ngành đạt chuẩn. Tăng cường bồi dưỡng cho giáo vên về các phương pháp giảng dạy tích cực, kiểm tra đánh giá theo năng lực người học, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông, sử dụng phương tiện dạy học hiện đại và tổ chức, quản lý lớp học tích hợp hiệu quả. Tăng cường chế độ cho giáo viên giảng dạy và xây dựng môi trường học tập tích cực cho người học.
Thứ tư, công khai yêu cầu năng lực NN tối thiểu và những chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh, sinh viên theo học các khóa học dựa trên mô hình CLIL. Hoàn thiện hệ thống trợ giúp học sinh, sinh viên trong quá trình học tập và mở các lớp bồi dưỡng cho người học những kỹ năng cần thiết trong quá trình học tập, nghiên cứu.
Thứ năm, xây dựng hệ thống phòng học, phòng thực hành đủ tiêu chuẩn và thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động dạy học theo CLIL có đủ phương tiện dạy học NN và chuyên ngành, kết nối internet, giáo trình, thư viện điện tử...
Tìm hiểu quan niệm về ngoại ngữ chuyên ngành du lịch, tiếp cận dạy học theo mô hình CLIL và dựa trên những đề xuất trên đây, các cơ sở đào tạo du lịch sẽ có được những định hướng xây dựng biện pháp, mô hình và lộ trình thực hiện khoa học, phù hợp nhất để triển khai hiệu quả, đạt mục tiêu kép nâng cao năng lực sử dụng NN và năng lực chuyên môn của học sinh, sinh viên.
Dạy học NNCN du lịch theo đường hướng tích hợp chuyên ngành và ngôn ngữ đã, đang và sẽ là một thực thể khách quan cũng như là một yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hội nhập của ngành Du lịch hiện nay. |
TÀI LIỆU TAM KHẢO
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tháng 10/2014), Dự thảo Đề án “Tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong các trường Văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trực thuộc Bộ giai đoạn 2015 - 2020”.
2. Hoàng Văn Thái (2013), Những vấn đề cơ bản trong đánh giá kết quả học tập ngoại ngữ chuyên ngành của sinh viên, Tạp chí Dạy và Học ngày nay, Số tháng 8/2013 (trang 14-16)...
ThS.Hoàng Văn Thái
(Tạp chí Du lịch)