 |
Nhà thơ Phạm Tiến Duật |
Những ai biết đến Phạm Tiến Duật đều không thể quên những vần thơ giàu ý tưởng, dí dỏm mà sâu sắc của ông. Và không lạ khi thơ ông đã được nhận nhiều giải thưởng vinh dự: Giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật dành cho tập thơ: Vầng trăng quầng lửa, Ở hai đầu núi, Thơ một chặng đường (2001); Giải thưởng Văn học năm 2004 trao tặng tác phẩm Vừa nghĩ vừa làm… Thơ Phạm Tiến Duật được dịch ra nhiều ngôn ngữ: Nga, Tiệp Khắc, Đức, Bungary, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Mỹ… Đặc biệt, ở Mỹ, ông là nhà thơ Việt Nam duy nhất có mặt trong tuyển tập thơ: “Những nhà thơ được ưa chuộng trong lòng dân Mỹ”.
Cuộc sống thời bình mang đến cho nhà thơ Phạm Tiến Duật trách nhiệm và những niềm vui mới. Không nấp mình dưới chiếc bóng một nhà thơ, ông đã và đang tích cực góp sức mình tham gia vào các hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước. Hiện nay, Phạm Tiến Duật là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội giao lưu văn húa Việt Nam - Nhật Bản, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Hội Việt - Lào, Uỷ viên Ban đối ngoại Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam...
Trong không khí bắt đầu tràn ngập sắc xuân, Tạp chí Du lịch Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng nhà thơ…
* Cảm hứng về quê hương đất nước trong thơ ông? - Đó là nguồn cảm hứng vô tận đối với người nghệ sỹ ở bất kỳ đất nước nào. Riêng với tôi, thủ đô Hà Nội luôn mang lại những cảm hứng đặc biệt. Quê tôi ở Phú Thọ, nhưng ngoài những bài thơ viết về quê hương, tôi đã làm hàng chục bài thơ về Hà Nội như "Buổi sáng qua hồ Tây", "Đàn tam thập lục"... Đặc biệt, trong trường ca "Lửa đèn", tôi đã tập trung thể hiện rất rõ nét cảm hứng này. Biên giới phía Bắc và các tỉnh miền Trung là nơi tôi sẽ đến du lịch và sáng tác trong những năm tới.
* Ông tự hào nhất điều gì về Việt Nam? - Tôi tự hào Việt Nam có một lịch sử lâu dài của tình thương yêu; về truyền thống kính trọng người phụ nữ từ thời xa xưa; về phong cảnh Việt Nam tươi đẹp hòa quyện với con người, về truyền thống đánh giặc kiên cường và mưu trí. Bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam chủ yếu qua các cuộc kháng chiến thần thánh và thơ văn đã làm tròn sứ mệnh quan trọng của nó là trở thành một chiếc cầu nối đắc lực. Nhiều bạn bè quốc tế nói với tôi rằng họ rất nể phục Việt Nam; họ không thể hình dung được một đất nước chìm ngập trong chiến tranh như Việt Nam lại là đất nước yêu thơ, đất nước của tình yêu, tình thương... Theo tôi, ngành Du lịch làm tốt công việc của mình khi biết khai thác, gắn kết với văn hóa và lịch sử đất nước.
* Có cái “bắt tay” giữa thơ văn và du lịch? - Tôi nghĩ rằng, tất cả các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đều gắn bó chặt chẽ với các chuyến đi thực tế ở các vùng đất và họ là những người hiểu biết về du lịch sâu sắc. Nhà văn Nguyễn Tuân được coi là nhà văn của “chủ nghĩa xê dịch”, nhà văn Tô Hoài được coi là “nhà văn khảo cứu các vùng đất”, nhà thơ Nguyễn Bính quê ở Nam Định nhưng viết về Huế đem đến những phát hiện đặc sắc, nhà thơ Xuân Quỳnh quê ở Hà Tây nhưng viết về Quảng Bình rất thành công.
PV: Cảm ơn nhà thơ. Xin chúc ông năm mới sức khỏe và hạnh phúc! PT