(VTR) - “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi/ Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi...”. Lời bài hát ấy, cứ ngân nga trong tôi mỗi dịp mai anh đào nở. Năm nay, Đà Lạt rét đậm và kéo dài nên mai anh đào nở rộ đúng dịp tết nguyên đán. Cả Đà Lạt rực hồng.
Mai anh đào (tên khoa học Prunus Cesacoides) là loại cây thân gỗ, khoảng 5 tuổi (cao từ 5 - 6m, tán lá rộng 2 - 3m) bắt đầu nở hoa khá sung mãn. Vào đầu mùa khô (tháng 10 hàng năm) mai anh đào vàng lá dần, rụng hết, trơ trọi cành nhánh khẳng khiu và ngủ đông. Khi đất trời chuyển mùa (khoảng giữa tháng 1) là lúc mai anh đào “bừng tỉnh” nở hoa, hoa từ gốc đến ngọn chi chít thật ấn tượng. Cả TP. Đà Lạt như “mặc” áo hồng. Hơn một tháng sau thì hoa nhạt mầu dần, tàn dần, cũng là lúc lá non xuất hiện. Rồi những quả mai anh đào bé tẹo (nhỏ hơn trái xoan) thấp thoáng trong kẽ lá, khi chín có mầu tím, vị chua chua hơi chát rất quyến rũ đám học trò. Sở dĩ có tên gọi “Mai Anh Đào” là vì thân cành giống cây đào, hoa 5 cánh giống hoa mai, dáng cây giống anh đào Nhật Bản nên người Đà Lạt gọi thành mai anh đào. Mai anh đào xuất hiện ở Đà Lạt hơn 100 năm nay, có lẽ là loài cây bản địa (vì không phải cây anh đào du nhập từ Nhật Bản). Vài chục năm nay, Đà Lạt trồng nhiều cây con (ươm bằng hạt) khắp thành phố, quanh hồ Xuân Hương, trong công viên, khu du lịch và đường Mai Anh Đào (con đường duy nhất ở Đà Lạt mang tên loài hoa này). Đặc biệt, tại công viên Trần Quốc Toản (soi bóng bên hồ Xuân Hương) trồng hơn 2.000 cây mai anh đào, đợi khoảng 5 năm sau sẽ có một rừng đào nở rực mỗi độ xuân về. Mai anh đào loài hoa của mùa xuân, báo hiệu xuân về.
“Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa/ Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa/ Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương/ Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương/ Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai”. Cảm ơn Nhạc sĩ Hoàng Nguyên sáng tác bài hát “Ai lên xứ hoa Đào” làm nên một thương hiệu cho TP. Đà Lạt.
Bài và ảnh: Hà Hữu Nết
(Tạp chí Du lịch)