Nguyên nhân do sự gia tăng nhiệt độ nước biển bất thường đã làm cho một số rạn san hô trên vùng biển Phú Quốc bị chết hoặc suy thoái.
Ngoài ra, hiện tượng suy giảm diện tích các rạn san hô còn do hoạt động khai thác mang tính hủy diệt của con người như sử dụng hóa chất, khai thác san hô sống, rác thải, neo đậu tàu thuyền… đã làm ảnh hưởng đến rạn san hô và hệ sinh thái của san hô. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác trái phép, xâm hại nghiêm trọng rạn san hô tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn triệt để.
Ban Quản lý khu bảo tồn Biển Phú Quốc đã tổ chức làm 2 vườn ươm san hô dưới biển. San hô được cắt, tỉa từ trong vùng đệm rồi được chuyển vào vùng lõi gồm 4 hòn: hòn Vông, hòn Gầm Ghì, hòn Xưởng và hòn Móng Tay để ươm và được bảo vệ nghiêm ngặt . Sau 1 năm, những tập thể san hô đạt yêu cầu sẽ được cấy trồng vào các rạn san hô đã bị chết hoặc suy thoái.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Phú Quốc đồng thời triển khai một số giải pháp cấp bách bảo vệ san hô như tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng xã hội; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ nghiêm ngặt khu Bảo tồn biển Phú Quốc; nghiên cứu, đánh giá sự suy giảm và tiến hành một số biện pháp chuyên môn khoa học phục hồi rạn san hô khu vực bị tẩy trắng; thực hiện chương trình quan trắc môi trường chất lượng nước và tài nguyên các hệ sinh thái biển…
Khu Bảo tồn biển Phú Quốc nằm ở khu vực phía Đông Bắc, Đông Nam và phía Nam quần đảo An Thới có diện tích khoảng 26.000ha. Được phân chia thành 2 khu vực bảo tồn san hô và bảo tồn cỏ biển.
Vùng bảo tồn san hô có diện tích 9.740 ha, vùng lõi tức là vùng được bảo vệ nghiêm ngặt nằm ở khu vực phía Nam đảo có diện tích là 757 ha. Theo Nghiên cứu của Ban quản lý khu bảo tồn và các nhà khoa học, hiện khu bảo tồn Biển Phú Quốc có khoảng 260 loài san hô khác nhau. Cùng với thảm cỏ biển, các rạn san hô được xem như “rừng dưới biển”, có tiềm năng phát triển du lịch biển.
Nguồn: Toquoc.vn