
|
Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo |
TẠO MỐI LIÊN KẾT GIỮA BA NHÀ
Hội thảo đã diễn ra trong không khí sôi nổi qua những tham luận và các giải pháp đề xuất của đông đảo các vị đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tham dự, để tìm ra những giải pháp cấp bách trước mắt và lâu dài trong tương lai, nhằm khắc phục tình trạng bất cập về nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, “vừa thiếu, vừa yếu” trong lĩnh vực du lịch tại nước ta hiện nay. Mục tiêu của hội thảo là cầu nối, tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp, nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của mối quan hệ ràng buộc giữa “ba nhà”: Nhà nước – Nhà trường và Nhà tuyển dụng trong việc đào tạo, cung ứng các dịch vụ hỗ trợ và sử dụng nhân lực đáp ứng cho nhu cầu xã hội. Đồng thời, thông qua hội thảo, các cơ sở đào tạo sẽ cảm nhận được sự đòi hỏi tất yếu khách quan của các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng về chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo, sự cần thiết phải đổi mới nội dung, chương trình, cơ cấu đào tạo; các điều kiện đảm bảo chất lượng để từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, cũng như sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt của thị trường lao động. Từ đó sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn theo hướng triển khai đào tạo ngành nghề theo đúng yêu cầu của thực tế cả về chất và lượng, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và chuyển đổi mạnh mẽ hoạt động tự chủ của các trường. Ngược lại, các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng tham gia hội thảo cũng cảm nhận được sự sẵn sàng của các cơ sở đào tạo trong việc đổi mới nhận thức, tư duy; đổi mới phong cách quản lý, điều hành, đồng thời cam kết cung ứng các dịch vụ hỗ trợ đào tạo, tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên các trường thực hành, thực tập, làm quen với môi trường nghề nghiệp…
ĐÀO TẠO NHỮNG GÌ XÃ HỘI CẦN
Được biết, hiện toàn ngành Du lịch có khoảng 1,03 triệu lao động, nhưng chỉ có được 19,4% có trình độ từ sơ cấp trở lên và trong đó số có bằng đại học (ĐH) chuyên ngành và trên ĐH chỉ chiếm 3,11%. Trong khi đó, theo dự báo, đến năm 2010, Việt Nam sẽ đón từ 5,5 - 6 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 25 triệu lượt khách nội địa. Như vậy, ngành Du lịch sẽ cần khoảng 1,4 triệu lao động, với số lượng lao động qua đào tạo cần tăng thêm là 19.000 người mỗi năm. Trong khi đó, hiện nay chỉ có 70 cơ sở đào tạo du lịch và các trường chỉ tuyển vào khoảng 18.000 chỉ tiêu, với 13.000 người tốt nghiệp và chỉ có được khoảng 2/3 có được việc làm theo đúng ngành nghề đào tạo. Hiện trạng “vừa thiếu, vừa thừa” trên cho thấy không chỉ có sự bất cập, thiếu sâu sát ngay từ khâu hướng nghiệp cho các tầng lớp học sinh – sinh viên (khi chọn học phải ngành nghề không thích hợp) mà còn bất cập ở khâu chất lượng sau đào tạo không đáp ứng được với nhu cầu của nhà tuyển dụng, sử dụng lao động. Thật vậy, hiện nay tại các khách sạn cao cấp ở các thành phố lớn luôn gặp phải khó khăn không nhỏ trong việc tìm kiếm, tuyển lao động đã qua đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp, giỏi tin học và thông thạo ngoại ngữ. Do vậy, hầu hết các sinh viên chuyên ngành du lịch sau khi được nhận vào làm việc đều phải được đào tạo lại ngắn hạn tại chỗ theo mục tiêu của từng công ty, từng doanh nghiệp. Vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng quả thực đang là thách thức lớn đối với ngành Du lịch trước yêu cầu của thị trường. Đồng thời cũng chính là thách thức lớn đối với ngành Giáo dục – Đào tạo, đã và đang làm thay đổi căn bản tư duy quản lý và cách thức tổ chức đào tạo một cách sâu rộng, tạo đà cho các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong cả nước tự chuyển mình từ chỗ “chỉ đào tạo những gì mình có” sang “đào tạo những gì xã hội cần”.
PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC PHẢI ĐƯỢC TIÊU CHUẨN HÓA
Chủ trì hội thảo, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, đã chỉ đạo: Mục tiêu phát triển nguồn nhân lực du lịch là xây dựng đội ngũ lao động ngành Du lịch đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu, cao về chất lượng, đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh và bền vững với vai trò một ngành kinh tế mũi nhọn, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu và toàn diện. Đồng thời để thực hiện được mục tiêu về tạo việc làm cho xã hội mà Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam 2001 – 2010 đã xác định: “Đến năm 2010 tạo thêm 1,4 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp cho xã hội, trong đó có 350.000 việc làm trực tiếp”, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Về công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu đối với phát triển nguồn nhân lực du lịch phải được chuẩn hóa, thể hiện ở việc chuẩn hóa lao động, chuẩn trường, chuẩn giáo viên và chuẩn chương trình. Trước hết các chuyên ngành đào tạo phải đáp ứng với các chức năng nghề nghiệp, kiến thức, kỹ năng, phong cách cần đào tạo của từng chức danh nghề nghiệp du lịch phải được chuẩn hóa, thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó cần tham gia xây dựng, thừa nhận và áp dụng các tiêu chuẩn nghề du lịch chung trong ASEAN. Mặt khác, cần tiếp thu các chuẩn khác của các khu vực khác (như Australia, châu Âu) để có thể áp dụng những nội dung tiên tiến, phù hợp với Việt Nam. Sự công nhận và thừa nhận lẫn nhau (về chương trình, nội dung kiến thức, kỹ năng chuyên ngành đào tạo và kết quả đào tạo thể hiện qua văn bằng, chứng chỉ ứng với trình độ đào tạo) là điều kiện để thúc đẩy quá trình tham gia thị trường lao động du lịch trong khu vực và thế giới. Hướng tới lao động được đào tạo du lịch của Việt Nam có thể di chuyển thuận lợi, đủ năng lực tham gia thực hiện các công đoạn trong phân công lao động quốc tế trong du lịch.
Trong ngày diễn ra hội thảo, đã có 59 cơ sở đào tạo du lịch ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực với các doanh nghiệp. Đồng thời, Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã đề nghị ngành Giáo dục – Đào tạo và ngành Du lịch cùng nỗ lực thực hiện công tác vận động, tuyên truyền và hướng dẫn học sinh, sinh viên, đội ngũ CBCNV vào mạng bình chọn cho vịnh Hạ Long là Kỳ quan Thiên nhiên thế giới.
THU HƯƠNG