Ngay từ khi máy bay gần đáp xuống phi trường Yangon, qua các ô cửa sổ đã thấy nổi bật sắc vàng lấp lánh của mái chùa vàng ẩn hiện trong các tán cây đại thụ bao xung quanh thành phố và những đường phố nhỏ bé tưởng như những sợi chỉ mỏng manh. Cuộc sống ở thủ đô cũ Yangon nói riêng và xã hội Myanmar nói chung dường như chậm hơn so với thế giới bên ngoài. Không chỉ bởi vì quốc gia này vẫn còn bị cấm vận và kinh tế chậm phát triển, mà vì cái tâm phật hiền lành trong mỗi người dân chúng tôi gặp trong suốt hành trình.
 |
Chùa Vàng |
Chúng tôi có dịp thăm chùa Shwe Dagon. Đây là ngôi chùa tiêu biểu và nổi tiếng nhất Yangon. Chùa được xem như trái tim của cả thành phố;
xây dựng cách đây hơn 2.500 năm, Shwe Dagon Paya được lưu truyền là nơi lưu giữ 8 sợi tóc của đức phật. Trải qua nhiều năm, ngôi chùa đã được trùng tu và xây dựng lại nhiều lần. Hiện nay, ngọn tháp chính của chùa cao tới 98m và được bao phủ hơn 30 tấn vàng. Ngôi chùa tháp này nằm trên một ngọn đồi cao 51m, nên chúng tôi phải đi thang máy để đến được sân chùa, chiêm bái bảo tháp dát vàng thờ xá lợi tóc của đức phật Thích Ca. Tương truyền, bảo vật này có được là do 2 vị thương nhân của Myanmar thỉnh từ ấn Độ về. Bảo tháp xá lợi là trung tâm chính của cả ngôi chùa với chiều cao 99m. Và như bất cứ chùa chiền nào ở Myanmar, mái tháp được dát bằng vàng. Người ta đếm được có cả thảy 9.200 miếng vàng dát trên tháp. Chưa hết, trên đỉnh còn đính hơn 4.000 viên kim cương lấp lánh và 01 viên kim cương hiện nay vẫn được coi là lớn nhất thế giới nằm ở đỉnh cao nhất của tháp. Xung quanh bảo tháp chính có 64 tòa tháp nhỏ mạ vàng được trang trí bởi 1.065 chuông vàng. Rời Shwe Dagon, đoàn tham quan thêm một số ngôi chùa cổ và đặc sắc khác như chùa Botataung, chùa Shwe Tew - nơi bảo tồn xá lợi răng của đức phật Thích Ca.
Nếu như Yangon thể hiện vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc và đầy tâm phật bao nhiêu thì thủ đô hành chính mới của Myanmar dường như là hiện thân của sự đổi mới và hiện đại. Rời Yangon, đoàn phóng viên ASEAN lên chuyến bay đặc biệt của hãng hàng không Myanmar bay đến Nay Pyi Taw. Nay Pyi Taw là thủ đô hành chính mới của Miến Điện, nằm ở làng Kyatpyae thuộc thị trấn Pyinmana của bang Mandalay. Nay Pyi Taw có nghĩa là thành phố Hoàng gia. Thủ đô này mới được xây dựng từ tháng 11/2005 và cách Yangon 320km về phía Bắc. Đây là nơi tập kết và làm việc của tất cả các trụ sở, Bộ, Ngành, Ban trực thuộc Chính phủ Myanmar. Ven trung tâm thành phố là các khu du lịch mọc lên như nấm với kiến trúc đẹp tuyệt vời. Khách sạn chúng tôi ở có tên The Golden Resort với vốn 100% của doanh nghiệp trong nước. Mặc dù vậy, do cấm vận kinh tế nên hoạt động của khách sạn gặp khá nhiều khó khăn. ông chủ khách sạn cho biết, hiện nay, khách hàng chủ yếu của họ là những thương nhân cần đến đây để làm việc với các Bộ, Ngành trong Chính phủ hoặc các đoàn quan chức Chính phủ cấp cao nước ngoài đến thăm Myanmar. ông còn vui vẻ chỉ cho chúng tôi biết căn phòng mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam đã ở trong chuyến thăm chính thức Myanmar hồi đầu năm 2007.
Đoàn chúng tôi trở về thành phố cổ kính Yangon để đến bảo tàng đá quý nổi tiếng nhất khu vực châu á. Với vẻ đẹp chưa được con người mài giũa, những viên đá quý, ngọc trai thiên nhiên của Myanmar làm hút hồn bất kỳ người nào đến đây. Thời gian còn lại tuy không nhiều nhưng đoàn phóng viên cũng được tạo điều kiện để đến thăm bảo tàng các chủng tộc Myanmar nằm ở ngoại ô thành phố. Theo giám đốc bảo tàng, ở Myanmar có 8 chủng tộc người chính: Barma, Kayin, Rakhine, Mon, Chin, Kachin, Shan và Kayah. Toàn bộ đại diện của các chủng tộc này đều có kiến trúc xây dựng, văn hóa, tín ngưỡng và cách sống riêng, và được phác thảo rõ nét, sinh động qua bảo tàng này.
Bảy ngày làm khách trên đất Myanmar đã trôi đi quá nhanh! Rời khỏi sân bay quốc tế Yangon trong tôi còn lưu giữ vẻ đẹp của nụ cười kiên nhẫn, nở nhẹ tựa hoa sen của cô gái Miến, vẫn còn đó vẻ đẹp của những bước chân vô ưu của đoàn nhà sư cầm bình bát đi bố thí và khất thực trên phố. Còn nữa, một phát hiện về nghệ thuật múa rối Myanmar với sức sống bền bỉ được bắt rễ từ nhu cầu thực thụ của người dân nơi đây... Tất cả, tất cả vẫn hiền hòa, yên tĩnh như một nàng tiên đang ngủ.
T.H