Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh: Trong 10 năm qua (trừ năm 2020 do dịch bệnh Covid-19), khách du lịch quốc tế đến Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%/năm. Sự phát triển du lịch đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho cộng đồng, cho các tầng lớp dân cư trong xã hội, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo, phát triển và tăng trưởng kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng như của cả nước.
Trong giai đoạn tới, tình hình thế giới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống, trong đó ngành Du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Tổ chức Du lịch thế giới dự báo, cần phải mất 2 - 3 năm ngành Du lịch mới phục hồi bằng mức năm 2019. Những năm tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước, đòi hỏi ngành Du lịch phải nỗ lực rất cao để tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức to lớn trong quá trình hội nhập.
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết: Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức thấp trong bậc thang năng lực quốc tế. Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Đặc biệt, lao động Việt Nam còn thiếu và yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong. Chính vì vậy, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là lao động nghề du lịch - nguồn nhân lực tạo nên chất lượng của sản phẩm/dịch vụ vừa là vấn đề trước mắt vừa là vấn đề lâu dài trong phát triển du lịch bền vững, cần thiết có sự đổi mới, sáng tạo, phát triển, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Theo thống kê sơ bộ ngành Du lịch năm 2019, cả nước có trên 2,5 triệu lao động, trong đó 860.000 lao động trực tiếp với 45% được đào tạo chuyên ngành du lịch, 35% được đào tạo chuyên ngành khác, 20% chưa qua đào tạo. Lao động trong ngành Du lịch chủ yếu làm việc trong các cơ sở lưu trú chiếm khoảng 70%; lữ hành (bao gồm cả hướng dẫn viên) và vận chuyển chiếm 10%; khối các dịch vụ khác 20%. Riêng về lưu trú, ThS. Nguyễn Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn cho biết, lực lượng lao động trực tiếp trong khối cơ sở lưu trú (CSLTDL) khoảng 400.000 người, tăng hàng năm theo tốc độ tăng của CSLTDL, nhưng năm 2019 mới đáp ứng 80% nhu cầu với công suất trung bình 53%.
Theo Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, số lượng lao động ngành Du lịch cần năm 2020 là trên 3 triệu lao động, trong đó có khoảng hơn 1 triệu lao động trực tiếp. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, con số này khó có thể khả thi và cần có chiến lược phát triển phù hợp.
Về chất lượng lao động, trong giai đoạn 2015 - 2019, chỉ có 45% lao động nghề đã qua đào tạo, 55% lao động còn lại thiếu kỹ năng/nghiệp vụ dẫn đến hiện trạng tất yếu là chất lượng lao động trong nhóm này không đáp ứng được yêu cầu của nghề. Ngoài kiến thức, kỹ năng về nghề, khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học đối với đối tượng lao động nghề còn rất hạn chế. 60% lao động có kỹ năng tin học nhưng chỉ dừng ở mức đơn giản, cho thấy chất lượng còn rất mỏng khối lao động nghề. Phân bố nguồn nhân lực lao động nghề được đào tạo bài bản đều tập trung ở các thành phố lớn; lao động địa phương chưa được đào tạo về nghề. Cả nước hiện có 192 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm dạy nghề. Tuy nhiên, đội ngũ chuyên gia du lịch chuyên sâu còn ít, đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục trình độ cao tại các cơ sở đào tạo du lịch còn thiếu; liên kết giữa cơ sở đào tạo du lịch với các cơ sở kinh doanh du lịch còn hạn chế...
Tại hội thảo, khoảng 150 đại biểu là các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch… đã có những tham luận, ý kiến liên quan tới các nội dung: hiện trạng nghề du lịch Việt Nam hiện nay; hiện trạng công tác đào tạo các kỹ năng nghề bàn, buồng, bar, lễ tân, hướng dẫn viên…; cách thức đào tạo của các hiệp hội, kinh nghiệm quốc tế; thách thức đặt ra với công tác đào tạo nghề du lịch trước tác động của Covid-19; đào tạo nhân lực trực tiếp tại các cơ sở dịch vụ du lịch; vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, hoạch định chính sách; áp dụng các tiêu chuẩn nghề (VTOS, ASEAN…); các giải pháp liên quan đào tạo nghề có chất lượng; một số giải pháp nâng cao chất lượng và đa dạng hóa hình thức, cách thức đào tạo nghề trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0...
Theo bà Đặng Bích Thọ - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Flamingo Redtours cho rằng: các cơ sở đào tạo cần thay đổi, bổ sung vào giáo án, giáo trình các món ăn của các nước mà thị trường đang cần, để đáp ứng phục vụ đón khách quốc tế đa dạng hơn; bên cạnh đó tăng cường đào tạo về ngoại ngữ, tin học đáp ứng cho môi trường mới, kinh doanh online hậu Covid-19.
Đề cập tới vấn đề sử dụng tiêu chuẩn năng lực trong chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng sinh viên và người lao động nghề du lịch, TS. Ngô Trung Hà - Trường Cao đẳng quốc tế Pegasus đề xuất rằng: cần có các Hội đồng quản lý đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực nghề du lịch và Hội đồng nghề DLQG; ban hành các tiêu chuẩn năng lực mới cần thiết của các nghề trong du lịch; quy định tổ hợp các năng lực; các trung tâm đánh giá năng lực nghề du lịch cũ - mới; đào tạo, cấp chứng chỉ Đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia các nghề trong du lịch; hướng dẫn cụ thể các nhà trường sử dụng chính Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đã ban hành để xây dựng chương trình đào tạo; sớm ban hành quy định chính thức về Công nhận học tập đã có…
Hạ Tinh