Kích cầu là cần thiết…
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Hà Văn Siêu, sau khi ngành Du lịch phát động triển khai chương trình kích cầu đợt 1, chỉ trong 3 tháng du lịch nội địa đã có sự phục hồi nhanh. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, dịch Covid-19 bùng phát trở lại, khiến hoạt động du lịch phải tạm dừng.
Đợt kích cầu lần 2 do Bộ VHTTDL phát động trong bối cảnh dịch Covid 19 đã cơ bản được kiểm soát, với chủ đề “Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu, đảm bảo an toàn cho du khách nội địa và khách nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam trải nghiệm, khám phá sự hấp dẫn của Du lịch Việt Nam.
“Thời gian qua, một số đơn vị lữ hành đã cho ra đời sản phẩm mới như khám phá nhà tù Hỏa Lò về đêm, khám phá mùa thu Hà Nội, chương trình Tây Bắc mùa lúa chín... Vietravel có chương trình ‘Du lịch an toàn, an toàn đi du lịch’, Quảng Ninh đưa ra gói kích cầu hàng trăm tỷ đồng để thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển...”, ông Siêu cho biết.
“Các đơn vị đảm bảo an toàn cho khách du lịch, đẩy mạnh truyền thông. Các địa phương cần đẩy mạnh loại hình du lịch gần gũi thiên nhiên, du lịch văn hóa, giám sát chặt chẽ các hình thức du lịch, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, có chính sách hoàn hủy rõ ràng, cũng như chủ động kiểm tra, xử lý các điểm đến vi phạm trên địa bàn”, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch (TCDL) Đinh Ngọc Đức thông tin về định hướng kích cầu giai đoạn từ nay đến cuối năm.
Nhận định về chương trình kích cầu du lịch nội địa đợt 2, các DN tham dự hội nghị cho rằng, đây là động thái hết sức cần thiết để tạo đà cho hoạt động du lịch thời gian tới. Tuy nhiên, để kích cầu hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của DN lữ hành, cần sự đồng bộ, nhịp nhàng của các hãng hàng không cũng như sự vào cuộc của các địa phương.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) Vũ Thế Bình, khi dịch Covid-19 xuất hiện, không ai lường trước được sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch. “Đối với VITA, đợt kích cầu tới đây được phát động là đợt thứ 3 kể từ khi diễn ra dịch Covid. Những lần trước đúng vào mùa cao điểm du lịch hè nên thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo DN và du khách; nhưng đợt tới đây không thể áp dụng cách làm cũ bởi tính thời điểm là hết sức quan trọng. Lần kích cầu cuối năm chỉ nên hướng tới chất lượng dịch vụ, giá cả phù hợp để tạo đà cho thời gian tới. Chúng ta không thể kỳ vọng khách đông trở lại nhưng vẫn cần nỗ lực làm”, ông Bình nhận định.
Vẫn theo Phó Chủ tịch thường trực VITA, với những thiệt hại với DN du lịch, TCDL cần tiếp tục đề xuất Chính phủ quan tâm hỗ trợ DN bằng cách giảm thuế VAT, thuế thu nhập, lùi thời gian nộp thuế, cho vay tiền... Hiện nay, 10 – 15% DN giải thể, người lao động vẫn chưa tiếp cận được nhiều đến chính sách hỗ trợ của nhà nước. Thời gian qua, một số địa phương hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch bằng cách giảm phí tham quan, vé, lệ phí… để tăng sức hút các DN tổ chức tour cho khách đến tham quan. Nếu chỉ kêu gọi DN nhưng các điểm đến, địa phương không vào cuộc thì cũng không ‘kích’ được nhu cầu đi lại của người dân, du khách”, ông Bình cho hay.
…sản phẩm du lịch phải thay đổi
Từ thực tế của địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM Võ Thị Ngọc Thúy cho rằng, kích cầu phải tạo động lực để du lịch có sức sống trở lại. Theo bà Thúy, khảo sát của Du lịch TP.HCM cho thấy, sau 2 đợt dịch, tâm lý của người dân có sự thay đổi rõ rệt, thay vì đi theo đoàn đông như trước đây thì hiện nay du khách thích đi theo nhóm nhỏ, nhóm gia đình, bạn bè.
“Trước xu hướng này, ngành Du lịch TP.HCM tiếp cận kích cầu theo hai hướng: mức giá và nhu cầu; xây dựng gói sản phẩm theo hướng nhóm nhỏ, doanh nhân, cùng với đó đẩy mạnh liên kết vùng để tạo sự đa dạng phong phú của sản phẩm, tăng cường kết nối du lịch từ TP.HCM đến các địa phương khác và theo chiều ngược lại để khai thác, phát huy sức hấp dẫn từ đặc trưng vùng miền”, bà Thúy cho biết.
Theo Phó Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Lê Hương, vấn đề bảo đảm an toàn cho du khách, đội ngũ nhân viên luôn được Vietravel đặt lên hàng đầu. Vì vậy, các giải pháp an toàn cho khách cũng như tăng cường công tác truyền thông để khách hàng cảm thấy yên tâm khi đi du lịch luôn được chú trọng. Với các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến hành trình như hàng không, nhà hàng, lưu trú... Vietravel yêu cầu nâng cao các biện pháp an toàn, tạo sự an tâm cho du khách. Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho biết, từ ngày 23/9, bệnh nhân Covid-19 cuối cùng tại Đà Nẵng đã xuất viện; đời sống sinh hoạt xã hội trên toàn địa bàn đã trở lại bình thường. Ngày 25/9, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ tổ chức chương trình phổ biến hướng dẫn phòng, chống dịch tới các DN du lịch như các chủ khách sạn, công ty lữ hành.... Các bên liên quan sẽ bàn bạc và ký cam kết đảm bảo tuân thủ nghiêm túc, chặt chẽ quy trình phòng, chống dịch. Điều này cũng giúp liên kết kích cầu du lịch trong thời gian sắp tới.
“Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ phát động cuộc thi ‘Nhớ Đà Nẵng’ để du khách có thể chia sẻ những kỷ niệm, cảm xúc đáng nhớ từ chuyến đi tới điểm du lịch biển này trước khi có dịch hoặc trong thời gian bị ‘mắc kẹt’ tại đây”, ông Bình cho biết.
Từ các ý kiến đề xuất tại hội nghị, TCDL yêu cầu những đơn vị cung ứng dịch vụ từ vận chuyển, hàng không, lưu trú, khu vui chơi giải trí phải tuân thủ các quy định về quy trình an toàn phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục duy trì liên minh kích cầu để tạo ra các sản phẩm du lịch bổ trợ, các tuyến du lịch với giá hấp dẫn, những sản phẩm du lịch mới trong đó hướng tới du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch kết hợp hội thảo (MICE)… nhằm tăng tính trải nghiệm và nhu cầu chi tiêu của du khách.
Việt Nguyễn