Theo báo cáo tổng kết, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên toàn quốc gây ảnh hưởng nặng nề đối với ngành du lịch, chuỗi liên kết dịch vụ du lịch bị gián đoạn, đứt gãy. Doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn, cạn kiệt về tài chính, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động hoặc rút giấy phép kinh doanh. Phần lớn lao động trong ngành bị mất việc làm hoặc chuyển sang các lĩnh vực khác.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ban cán sự Đảng Bộ VHTTDL, ngành du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong cả nước tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phục hồi du lịch trong tình hình mới. Đồng thời ngành du lịch chuyển đổi trạng thái từ “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Tổng cục Du lịch đã tích cực tham mưu với lãnh đạo Bộ VHTTDL trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch. Cụ thể như: giảm giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch bằng mức giá áp dụng cho các ngành sản xuất (thời gian hỗ trợ từ tháng 6/2021 đến hết tháng 12/2021); giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 đối với cơ sở lưu trú du lịch; hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 với số tiền 3.710.000đ/người; giảm 80% tiền ký quỹ cho các doanh nghiệp lữ hành đến hết năm 2023; giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, thẻ hướng dẫn viên du lịch…
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch tập trung triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa an toàn; thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại một số địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành du lịch... góp phần từng bước phục hồi chuỗi kinh doanh du lịch dịch vụ, giảm thiểu thiệt hại do COVID-19 gây ra.
Những nỗ lực của Đảng bộ Tổng cục Du lịch trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đã được ghi nhận, Tổng cục Du lịch Việt Nam được bình chọn là “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á năm 2021” tại Giải thưởng du lịch thế giới lần thứ 28.
Cũng tại giải thưởng này, Du lịch Việt Nam còn được vinh dự nhận được các danh hiệu hàng đầu châu Á dành cho các điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, hàng không, vận tải, bến cảng... Trong đó, Việt Nam được bình chọn là Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á, Điểm đến du thuyền trên sông hàng đầu châu Á; vịnh Hạ Long - Điểm tham quan hàng đầu châu Á, Hội An - Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á; Vân Đồn - Sân bay khu vực hàng đầu châu Á… Giải thưởng là sự khẳng định Du lịch Việt Nam xứng tầm khu vực và có vị thế vững chắc trên bản đồ du lịch thế giới. Đồng thời là tiền đề quan trọng để du lịch Việt Nam sớm phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
Công tác xây dựng Đảng đã triển khai tốt và đạt được những kết quả tích cực, từ công tác chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng; xây dựng tổ chức đảng, quản lý đảng viên; cho tới công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; dân vận và lãnh đạo các đoàn thể.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các ý kiến tham luận của các chi bộ trực thuộc Đảng uỷ Tổng cục Du lịch về phương hướng chỉ đạo tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch trong thời kỳ mới; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch và người lao động trong ngành du lịch; phát huy trí tuệ tập thể trong công tác tham mưu chuyển đổi số phục vụ phát triển du lịch; củng cố công tác chính trị tư tưởng trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ VHTTDL, Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, năm 2022 tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước và quốc tế vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó Đảng uỷ Tổng cục Du lịch cần phối hợp, chỉ đạo toàn ngành tiếp tục thực hiện phương châm vừa chống dịch, vừa phục hồi phát triển du lịch. Trong đó tập trung khôi phục thị trường du lịch nội địa, mở rộng thị trường du lịch quốc tế, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động trong ngành bị tác động bởi dịch COVID-19…, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho quá trình phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch trong giai đoạn tới.
Trong công tác xây dựng đảng, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, năm 2022 cũng là năm tăng cường công tác quản lý đảng viên; yêu cầu toàn Đảng bộ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, làm tốt công tác chính trị tư tưởng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, củng cố xây dựng cơ quan và các đoàn thể vững mạnh. Tổ chức quán triệt, học tập các văn bản, nghị quyết của Đảng. Tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch công tác năm 2022 của toàn Đảng uỷ Tổng cục Du lịch. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở.
Cũng tại Hội nghị, Đảng ủy Tổng cục Du lịch đã tặng Giấy khen đối với 2 chi bộ đạt tiêu chuẩn “Trong sạch, vững mạnh” tiêu biểu năm 2021 là chi bộ Vụ Lữ hành và chi bộ Vụ Thị trường Du lịch và tặng giấy khen cho 23 đảng viên đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” năm 2021.
PV