Hà Nội triển khai nhiều giải pháp trọng tâm
Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm cho cả thế giới và Việt Nam nói chung, TP. Hà Nội nói riêng chịu nhiều tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, làm cho nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế gặp khó khăn. Trong đó, đặc biệt du lịch là ngành chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch. Nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, các khách sạn, cơ sở lưu trú phải đóng cửa. Hoạt động du lịch bị đình trệ đã dẫn tới doanh thu du lịch lữ hành bị giảm sút nhiều gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế. Mặc dù hiện nay, dịch COVID-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát tốt, du lịch nội địa vẫn hoạt động nhưng liên tục bị gián đoạn bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát. Những khó khăn chồng chất cùng với việc đi lại giữa các quốc gia còn chưa được mở trở lại hoàn toàn, đã buộc ngành Du lịch phải chuyển hướng tập trung khai thác và phát triển du lịch nội địa. Việc thúc đẩy du lịch nội địa là giải pháp cứu cánh cho doanh nghiệp lữ hành trong trạng thái bình thường mới hiện nay và dần thích ứng với lộ trình mở cửa đón khách quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, du lịch Hà Nội giai đoạn 2016 - 2019 có mức tăng trưởng trung bình khoảng 10,1%/năm, năm sau cao hơn năm trước. Thực tế cho thấy từ năm 2017 đến nay, sau khi không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đi vào hoạt động, bên cạnh các hoạt động văn hóa của Thành phố, rất nhiều sự kiện quảng bá văn hóa - du lịch các địa phương đã được tổ chức hiệu quả, đưa hình ảnh con người, địa danh cũng như các tiềm năng phát triển du lịch của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đến với nhân dân Thủ đô và khách du lịch trong cả nước như: Chương trình "Quảng Bình trong lòng Hà Nội", "Sắc màu Sơn La - Tây Bắc", Festival di sản và quảng bá du lịch Quảng Nam, hoạt động quảng bá du lịch của tỉnh Bình Định…
Đáng chú ý, trong chương trình hợp tác tuyên truyền quảng bá của TP. Hà Nội trên kênh truyền hình quốc tế CNN, bên cạnh những nội dung tuyên truyền thành phố Hà Nội - Trái tim và Thủ đô của Việt Nam, Hà Nội cũng đã tập trung giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Việt Nam như: Bãi biển tuyệt đẹp của Quy Nhơn, món cao lầu của Hội An, hoạt động câu mực đêm tại Hạ Long và rất nhiều địa điểm du lịch trong cả nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước nói chung và ngành Du lịch nói riêng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, TP. Hà Nội đã chủ động ban hành và triển khai kế hoạch kích cầu du lịch nội địa và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch Thủ đô, trong đó kích cầu những sản phẩm du lịch liên kết giữa Hà Nội và các địa phương nhận được sự ủng hộ tích cực từ du khách Thủ đô và các tỉnh, thành khác.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng cho biết: Trên cơ sở ký kết hợp tác "triển khai hành lang an toàn du lịch giữa các địa phương" tại hội nghị, Thành phố sẽ đưa ra những kế hoạch tổ chức thực hiện; xây dựng chương trình, sản phẩm du lịch cụ thể, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Du lịch Việt Nam cũng như thực hiện mục tiêu kép "vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế" theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các tỉnh, thành phố.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu đón 9 – 10 triệu lượt du khách, trong đó có từ 7,8-8 triệu lượt khách nội địa. Khách quốc tế từ 1,2-2 triệu lượt khách, doanh thu trên 27.000 tỷ đồng.
Để đạt được những chỉ tiêu đó, ngành du lịch Thủ đô sẽ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm như: đảm bảo an toàn tại các điểm đến và cho khách du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn; tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lĩnh vực du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đón khách du lịch quốc tế...
Về phát triển sản phẩm du lịch, Sở Du lịch Hà Nội sẽ lựa chọn những sản phẩm đặc trưng để giới thiệu cho các doanh nghiệp du lịch đưa vào chương trình liên kết hợp tác. Xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch nội địa qua việc kết nối với vận chuyển hàng không. Phát triển sản phẩm liên kết vùng, phát triển thị trường khách du lịch MICE, du lịch cuối tuần, phát triển sản phẩm du lịch đô thị, chăm sóc sức khỏe.
Về quảng bá, xúc tiến du lịch, Sở sẽ chủ động mời các địa phương cùng tham gia các sự kiện du lịch tổ chức tại Hà Nội năm 2022. Chủ động tham gia các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam 2022. Tổ chức Hội nghị liên kết, phát triển du lịch MICE thành phố Hà Nội năm 2022. Phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức các đoàn famtrip, presstrip, đoàn làm phim, nhiếp ảnh, youtuber. Phối hợp triển khai ứng dụng du lịch thông minh trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, marketing điện tử song phương, đa phương các địa phương trong cả nước. Quảng bá sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và kênh CNN quốc tế.
Năm 2022, ngành du lịch Thủ đô dự kiến sẽ tổ chức Lễ hội Du lịch - Văn hóa Ẩm thực Hà Nội, Lễ hội Quà tặng du lịch, Festival Áo dài Hà Nội... Tất cả những nỗ lực đó nhằm xây dựng, định vị thương hiệu du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn – Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”, “Hà Nội đến để yêu!”.
Các địa phương phục hồi du lịch trong tình hình mới
Để du lịch Hà Nội và các tỉnh phục hồi, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nêu rõ: Việc liên kết 12 tỉnh, thành phát triển du lịch an toàn rất phù hợp trong kế hoạch của Bộ với chủ đề: "An toàn điểm đến - Trải nghiệm trọn vẹn". Định hướng chung 2021- 2022, du lịch nội địa sẽ là trọng tâm, đặt yếu tố an toàn hàng đầu. Để thực hiện được mục tiêu đó, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đề nghị lãnh đạo du lịch các địa phương, các hiệp hội du lịch, các tổ chức, doanh nghiệp du lịch... tiếp tục tập trung triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đảm bảo hài hoà giữa việc phòng, chống dịch với việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc di chuyển, sử dụng các dịch vụ của khách du lịch giữa các doanh nghiệp và giữa các địa phương. Các địa phương tronghành lang du lịch an toàn quan tâm, rà soát, thống nhất các quy định về đi lại, tham quan, du lịch tại các điểm đến cụ thể để các doanh nghiệp và khách du lịch có thể chủ động lên kế hoạch và tổ chức các chuyến đi một cách an toàn, hiệu quả. Từ thực tế thời gian qua, cần nên tránh trường hợp vì quá khắt khe trong công tác phòng, chống dịch mà chúng ta mất đi cơ hội phục hồi du lịch nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, nhằm chuẩn bị cho việc tái khởi động hoạt động du lịch, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã khẩn trương triển khai hàng loạt hoạt động, trong đó Tổng cục Du lịch đã tham mưu cho Bộ VHTTDL ban hành kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022; tổ chức họp trực tuyến với 25 địa phương trọng điểm về du lịch bàn về tái khởi động hoạt động du lịch; họp trực tuyến với Bộ ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài để phối hợp xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tới các thị trường khách quốc tế trọng điểm; họp với các hãng hàng không, lữ hành hàng đầu Việt Nam nhằm bàn giải pháp kết nối, khai thác thị trường, đón và phục vụ khách… Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL chính là “kim chỉ nam” định hướng cụ thể cho các địa phương trong hoạt động đón khách du lịch với 4 cấp độ. Tùy vào từng cấp độ, các địa phương sẽ tổ chức đón khách trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, linh hoạt.
Về việc sử dụng ứng dụng công nghệ về phòng chống dịch trong hoạt động du lịch, Tổng cục Du lịch đã xây dựng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” kết nối trực tiếp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, đồng thời ban hành văn bản gửi các địa phương đề nghị hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký, cập nhật thường xuyên các thông tin, hoạt động du lịch của doanh nghiệp lên ứng dụng. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 14.609 đơn vị đăng ký ứng dụng và gần 1.000 đơn vị thường xuyên tương tác, cập nhật thông tin. Tổng cục trưởng đề nghị các địa phương cần sát sao hơn nữa trong công tác chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia và cập nhật thông tin thường xuyên trên ứng dụng, qua đó góp phần đảm bảo an toàn cho du khách.
Tại Hội nghị, các đại biểu trao đổi, thảo luận các vấn đề nhằm từng bước phục hồi lại ngành Du lịch, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm, thiết thực như: Đơn giản hoá, thống nhất giữa các địa phương về quy trình, thủ tục khai báo y tế khi qua các chốt kiểm dịch dành cho các đoàn khách du lịch do doanh nghiệp lữ hành tổ chức; cập nhật, công khai danh sách các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn an toàn phục vụ khách du lịch tại các địa phương; hướng dẫn cách thức xử lý tình huống trong đoàn khách du lịch có ca F0, F1, trách nhiệm các bên liên quan và cách thức giải quyết; quan điểm của các địa phương về việc quản lý, giám sát các đoàn khách du lịch thực hiện theo phương thức "bong bóng du lịch"…
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch an toàn giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong trạng thái bình thường mới của 12 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang.
Trong biên bản ghi nhớ hợp tác, cơ quan quản lý du lịch 12 tỉnh, thành phố thống nhất cùng xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể và cam kết tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch các địa phương đưa khách đến địa phương mình tham quan, du lịch, bảo đảm thuận lợi về giao thông, chấp hành các quy định về phòng, chống dịch theo nguyên tắc "2 điểm đến, 1 hành trình xuyên suốt". Ngoài ra, 12 địa phương cũng cam kết phối hợp tuyên truyền quảng bá du lịch với chủ đề "Hành lang du lịch an toàn"; phối hợp trong khảo sát các điểm đến; công tác phòng, chống dịch trong trạng thái "bình thường mới"; xây dựng sản phẩm du lịch...
Nhâm Hiền