(Tạp chí Du lịch) - Với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị với các giải pháp đồng bộ, công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta đã đạt những kết quả tích cực, dịch bệnh được từng bước kiểm soát, các hành động thích ứng với trạng thái “bình thường mới” đã và đang được triển khai mạnh mẽ nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế nhanh chóng hồi phục. Trong bối cảnh đó, với tinh thần đồng hành cùng Chính phủ và ngành Du lịch, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia mang chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới" vào cuối tháng 12/2021 này. Hội thảo nhằm trao đổi, đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến ngành Du lịch, xác định cơ hội và thách thức đặt ra với Du lịch Việt Nam giai đoạn “hậu COVID” và đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ những giải pháp tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện “bình thường mới”.
Trong nhiều năm qua, ngành Du lịch đã và đang có những đóng góp rất tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, góp phần cải thiện chất lượng đời sống người dân, phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa và nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 trong gần 2 năm qua, theo đánh giá của nhiều tổ chức du lịch uy tín, Du lịch Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới. Điều đó được minh chứng bằng nhiều giải thưởng danh giá do các tổ chức quốc tế trao tặng; nhiều điểm đến, sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp Du lịch Việt Nam có mặt thường xuyên trên các tạp chí lữ hành uy tín của thế giới trong năm 2020 và 2021. Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 28 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam được trao tặng 3 danh hiệu quốc gia là Điểm đến hàng đầu châu Á 2021, Điểm đến bền vững hàng đầu châu Á năm 2021, Tổng cục Du lịch Việt Nam là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á năm 2021. Bên cạnh đó, nhiều điểm đến, doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực lữ hành, lưu trú, vui chơi giải trí, hàng không cũng đạt những giải thưởng danh giá.
Để ứng phó với dịch bệnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động trong ngành Du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời đưa ra những quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành Du lịch từng bước khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, chẳng hạn như giảm thuế, giảm tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành; giảm tiền điện, tiền thuế đất đối với doanh nghiệp lưu trú, nghỉ dưỡng; hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch; triển khai thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang), Hội An (Quảng Nam)... Với sự hỗ trợ trực tiếp và nỗ lực vượt khó của ngành Du lịch trong bối cảnh tình hình dịch đang dần được kiểm soát thời gian gần đây, ngành Du lịch đang có dấu hiệu phục hồi thông qua hoạt động thí điểm đón khách quốc tế tại một số địa phương; các sự kiện, hoạt động du lịch đã được tổ chức phù hợp với tình hình thực tế; nhiều địa phương, doanh nghiệp tung ra các chương trình kích cầu hấp dẫn… Nhiều chuyên gia cho rằng, Du lịch Việt Nam sẽ phục hồi và khởi sắc ngay khi du lịch quốc tế trở lại trong thời gian ngắn sắp tới.
Tại Hội thảo “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới", các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia du lịch và cộng đồng doanh nghiệp du lịch sẽ phân tích, đánh giá những thách thức, khó khăn của Du lịch Việt Nam trước tác động của dịch bệnh COVID-19; làm rõ những cơ hội, lợi thế và giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển Du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát và đất nước chính thức mở cửa đón khách quốc tế trở lại. Cụ thể là một số nội dung chính gồm: quan điểm, định hướng phát triển du lịch để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội; xu hướng phát triển du lịch để thích nghi với dịch bệnh đang diễn ra trên toàn cầu; làm rõ những khó khăn mà các doanh nghiệp cần giải quyết trong bối cảnh COVID-19; công tác chuẩn bị về nhân lực, quảng bá xúc tiến, xây dựng sản phẩm, ứng dụng công nghệ... cho sự phục hồi của ngành Du lịch… Với mong muốn góp phần tháo gỡ những “điểm nghẽn” của ngành Du lịch, Hội thảo cũng là dịp để đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đưa ra những chính sách đột phá để giúp ngành Du lịch phục hồi và phát triển trong điều kiện “bình thường mới". Dự kiến một số đề xuất về giảm tiền thuê đất, giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch bằng với giá bán cho các ngành sản xuất; chính sách về tín dụng, về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân; chính sách ưu đãi đầu tư, truyền thông, liên kết hợp tác trong du lịch; chính sách về công nghệ, chuyển đổi số; miễn giảm thu phí tham quan, hỗ trợ phí xét nghiệp COVID-19 cho du khách, thực hiện gói kích cầu, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19… sẽ được đưa ra bàn thảo và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền.
Hội thảo khoa học quốc gia “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới" được tổ chức theo hình thức tương tác giữa các diễn giả và các đại biểu tham dự. Ngoài phiên thảo luận chung, dự kiến Hội thảo còn có 3 phiên chuyên đề, tập trung bàn về các nội dung: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; Xu hướng, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch; Công nghệ số trong phục hồi, phát triển du lịch.
Dự kiến, Hội thảo sẽ diễn ra trong 1 ngày dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Quốc hội, Lãnh đạo Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hội thảo sẽ có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương và một số địa phương; Sở quản lý nhà nước về du lịch các tỉnh thành phố trọng điểm du lịch; các Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch đến từ các vùng miền; các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu về du lịch, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và một số tổ chức quốc tế.
PV