Phần lớn người nghiện có sự biển đổi về nhân cách do sự lệ thuộc vào ma túy về mặt tâm thần hoặc về mặt cơ thể hoặc bị lệ thuộc cả hai. Khingười nghiện có đủ ma túy để dùng thì họ cảm thấy thoải mái, sảng khoái. Khi không có nó thì họ thường cau có, bực bội hoặc cô độc, u sầu. Do các chất ma túy thường tạo nên khoái cảm, sảng khoái làm cho người nghiện giảm hứng thú, nhân cách bị thu hẹp, cách cư xử trở nên thô lỗ. Người nghiện thường ít chú ý đến người thân, thờ ở với công việc, với những vui buồn trong cuộc sống. Cho nên, họ đã làm cho bản thân và gia đình tan nát về vật chất, tinh thần, đạo đức...
Người nghiện ma túy (NNMT) luôn tìm cách gây “Lây lan về tâm lý”. Họ thường hứng thú nói về cảm giác sảng khoái, sung sướng khi dùng ma túy, khiến mọi người khác có ý nghĩ muốn dùng.
Tùy thuộc vào từng loại chất kích thích mà những biến đổi đến tâm sinh lý có khác nhau ở từng người nghiện khác nhau.
Đặc điểm tâm sinh lý của NNMT
Người nghiện ma túy kể từ khi bắt đầu thực hiện cắt cơn và giảI độc cho đến khi có thể phục hồi được chia làm 5 giai đoạn như sau:
Giai đoạn cắt cơn (từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 15):
Đây là giai đoạn đầu NNMT bắt đầu ngừng sử dụng ma túy họ có những đặc điểm sau: Xuất hiện hội chứng cai (rối loạn sinh học) như: người mệt mỏi, ngáp chảy nước mắt, nước mũi, nổi da gà, vã mồ hôi, thèm ma túy, mất ngủ, đau mỏi cơ khớp buồn bực chân tay, chuột rút cơ, dãn đồng tử, tăng thân nhiệt…
Người nghiện trở nên chán nản, tính khi thay đổi thất thường: khó chịu, cáu gắt. Lúc đầu họ sẵn sàng phối hợp với cán bộ để tham gia điều trị, sau họ lại thay đổi ý kiến không muốn cai nữa. Họ uể oải, không tự chủ được bản thân, nhiều khi họ đi lại lung tung, nói năng thô tục bừa bãi. Vì vậy, giai đoạn này cần có biện pháp tư vấn để họ yên tâm điều trị.
Giai đoạn lạc quan tếu (từ ngày thứ 16 đến ngày thứ 45):
Sau khi người nghiện vượt qua giai đoạn cắt, hội chứng cai giảm đáng kể, sức khoẻ bắt đầu hồi phục, họ có thể lên cân. Người nghiện thường lầm tưởng đã chiến thắng & dễ dàng bỏ được ma túy. Họ có cảm giác lâng lâng như đi trên mây, hưng phấn, nói cười rất nhiều hay bộc lộ những lỗi lầm trong quá khứ, khẳng định không bao giờ nhắc lại những quá khứ đó.
Những đặc điểm tâm lý giai đoạn này đã đánh lừa nhiều cán bộ điều trị, họ tưởng đã cai nghiện cho một người thành công do tâm lý ngộ nhận về mình.
Giai đoạn bế tắc (từ ngày thứ 46 đến ngày thứ 120):
Đây là giai đoạn người nghiện có những tâm lý xấu ảnh hưởng đến công tác điều trị phục hồi như: buồn chán, lười nhác, cáu kỉnh, thiếu tự tin, không thật thà, hay cô đơn, bi quan, chán nản, dễ kích động đánh nhau hoặc dọa tự sát, lo lắng, phủ nhận thực tế; hồi tưởng lại những hình ảnh, âm thanh… về những ngày qua họ sử dụng ma túy; không có khoái cảm tình dục; dễ bị bạn bè rủ rê hoặc muốn sử dụng lại ma túy; dễ bỏ dở điều trị, có nguy cơ tái nghiện; thiếu lòng tự trọng.
Những đặc điểm tâm sinh lý phổ biến: Một số sinh lý bắt đầu ổn định chỉ còn lại triệu chứng mất ngủ, đau nhức trong xương. Tâm lý người nghiện muốn có thêm nhiều bạn mới. Khả năng suy nghĩ rõ ràng hơn. Do đó, cán bộ điều trị phục hồi phải nắm bắt được những đặc điểm tâm lý của họ để định hướng phục hồi, sửa đổi hành vi, khuyến khích tham gia các chương trình hoạt động nhóm, hoạt động tập thể để họ tiếp xúc với gương tốt, học hỏi kinh nghiệm những người nghiện tiến bộ.
Giai đoạn tự điều chỉnh (từ ngày thứ 121 đến ngày thứ 180):
Giai đoạn này người nghiện đang được phục hồi, họ sẽ xuất hiện một số hành vi phổ biến và các đặc điểm tâm lý sau: Hiện tượng buồn chán giảm, tích cực tham gia cai nghiện; mức độ thèm ma túy giảm; nhận thức được tác hại của ma túy; người nghiện thích lẻ loi, cô độc, không muốn tham gia các hoạt động.
Do những đặc điểm tâm lý trên, cán bộ điều trị và người thân phải giám sát những hành vi của đối tượng chặt chẽ hơn, đồng thời phải tăng cường tư vấn về tâm lý nhóm, tâm lý cá nhân và tư vấn cho gia đình họ giải quyết tận gốc những sang chấn tâm lý, lôi kéo họ tham gia vào các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động xã hội, hoạt động nhóm…
Giai đoạn bắt đầu phục hồi tâm sinh lý (trên 180 ngày):
Người nghiện đã trải qua một quá trình điều trị, đã tham gia sửa đổi những hành vi sai lệch, học tập được nhiều điều trong cuộc sống kể cả những điều hay, điều dở. Do đó, họ xuất hiện một số hành vi, nhận thức sau:
Hay đánh bạc, uống rượu, tham gia làm việc tốt. Trong họ xuất hiện sự mâu thuẫn vừa thực hiện quy định trong quá trình CNPH, những nhu cầu quan hệ xã hội
Nếu người nghiện được điều trị, phục hồi với thời gian liên tục trên 6 tháng, cung cấp các dịch vụ điều trị đầy đủ, họ sẽ ít có khả năng quay lại sử dụng ma túy.
Đặc điểm tâm sinh lý của NNMT thay đổi theo từng giai đoạn của quá trình điều trị phục hồi. Trong quá trình điều trị phục hồi cho NNMT, cán bộ điều trị cần phải nắm được những đặc điểm tâm sinh lý của người nghiện ở các giai đoạn khác nhau để đưa ra biện pháp xử lý mới đạt hiệu quả cao.
Kỹ năng tiếp cận với NNMT
Từ những đặc điểm tâm sinh lý của NNMT nói trên, cần có những kỹ năng tiếp cận với NNMT trước, trong và sau khi cắt cơn nghiện:
Việc tiếp cận này hết sức quan trọng (cho kết quả CNPH) vì hiện nay chưa có thuốc cai nghiện mà chỉ có thuốc hỗ trợ cắt cơn và quá trình cắt cơn, giải độc chỉ có tác dụng hỗ trợ mà không giúp cho họ bỏ được ma túy. Do đó, những biện pháp thuộc về tâm lý, giáo dục, y tế để phòng ngừa nghiện ma túy và chống tái nghiện là cần thiết.
Những yếu tố cần có để tiếp cận NNMT đạt kết quả:
Để tiếp cận được với NNMT, cần phải tạo cho họ lòng tin; đồng cảm với họ và biết lắng nghe họ nói để hiểu được tâm trạng vướng mắc cũng như nhu cầu của họ; tích cực quan tâm đến tâm tư, tình cảm, cuộc sống riêng tư của họ; thiết lập mối quan hệ tốt với họ và sẵn sàng giúp đỡ khi họ gặp khó khăn.
Nắm vững tâm, sinh lý của NNMT để biết được sự chuyển biến nhận thức, suy nghĩ, tình cảm của họ, có sự trợ giúp kịp thời, thích hợp
Nhận biết được những điểm mạnh, điểm yếu, sở trường, năng lực của NNMT để khai thác mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của họ.
Biết khai thác những mâu thuẫn nội tại bản thân của NNMT để giúp họ xử lý, giải quyết mâu thuẫn, giúp họ tự đấu tranh chiến thắng bản thân và những cản trở, khó khăn khách quan…
Luôn tạo cho NNMT những thử thách từ nhỏ tới lớn, từ đơn giản đến phức tạp để tăng dần ý chí rèn luyện, nghị lực phấn đấu của họ.
Biết cách cổ vũ, khích lệ NNMT khi họ làm được điều tốt, an ủi, chia sẻ khi họ cố gắng nhưng chưa tiến bộ, chưa làm tốt điều họ muốn.
Biết lắng nghe những ý kiến phản hồi của người nghiện về cách tiếp cận và các nội dung vấn đề trao đổi với họ.
Cần theo dõi, giúp đỡ thường xuyên trong cả quá trình phấn đấu, chuyển biến của họ, động viên khích lệ hoặc uốn nắn, điều chỉnh kịp thời trong quá trình tiến hành công tác cai nghiện cho NNMT.
Một số nguyên tắc cần lưu ý khi tiếp cận với NNMT:
Khi tiếp xúc với người nghiện chúng ta cần phải có thái độ tôn trọng, chân thành, gây niềm tin, giữ bí mật, thái độ không phê phán, đồng cảm.
Kỹ năng tiếp cận với người nghiện ma túy:
Để giúp đỡ cho NNMT, cán bộ tư vấn phải rất nhạy cảm và xử lý linh hoạt, sẵn sàng giúp đỡ họ; thiết lập mối quan hệ với đối tượng nhanh và gặp họ càng sớm càng tốt.
Gợi ý và khuyến khích để họ tự bộc lộ tâm trạng của mình. Hầu như NNMT đang gặp khủng hoảng đều có tâm trạng chán chường hoặc đau buồn, bối rối trong buổi gặp đầu tiên.
Bàn luận trao đổi những sự kiện đã xảy ra một cách tự nhiên. Phải chú ý khi đối tượng tự giải thích và đánh giá về những khó khăn để giúp họ làm sáng tỏ những cảm nghĩ của họ.
Cần phải xác định nguyên nhân của trạng thái khủng hoảng, dự kiến mức độ của sự suy giảm chức năng về nhận thức, trắc nghiệm về năng lực hiểu biết cuộc sống và những phản ứng cần có ở đối tượng.
Giải thích vấn đề đặt ra một cách hợp lý. Điều quan trọng là sự thông hiểu của cán bộ tư vấn về các nguyên nhân gây ra tình trạng khủng hoảng dẫn tới nghiện ma túy.
Củng cố lòng tin, tăng cường sự hiểu biết sau cuộc tư vấn, xây dựng lại chức năng nhận thức và tạo điều kiện cho đối tượng tư vấn giành lại sự tự chủ nhận thức của mình.
Gợi ý, xác định kế hoạch điều trị cho NNMT cần dựa vào động cơ, điều kiện và khả năng của đối tượng để giải quyết vấn đề, chia sẻ và thông cảm với họ. Có thể có một vài kế hoạch chữa trị khác để đối tượng tuỳ chọn.
Mục đích để đánh giá mức độ trở lại bình thường của đối tượng:
Sau buổi tư vấn cuối cùng, thông báo cho họ là cán bộ tư vấn sẽ tiếp tục quan tâm theo dõi đến tình trạng tiến triển của cá nhân và tiếp xúc với họ trong tương lai.
Ngoài ra, cán bộ tư vấn cần biết thêm một số kỹ năng tiếp cận với NNMT: kỹ năng quan sát, kỹ năng đặt câu hỏi (phỏng vấn), kỹ năng lắng nghe và kỹ năng trong việc thông đạt.
Tiếp cận với người nghiện ma túy dù trước hay sau khi cắt cơn nghiện đều đem lại cho đối tượng cơ hội khám phá quá khứ, tiền sử cá nhân có liên quan đến việc sử dụng của họ. Việc một người nghiện ma túy phủ nhận sự thực sẽ càng được củng cố theo năm tháng, bề dày của quá trình họ sử dụng ma túy. Xóa tan sự phủ nhận này cũng đồng nghĩa với việc bắt họ phải đối đầu với sự thật của cuộc đời mà bấy lâu nay họ vẫn thường né tránh. Một phần của sự phủ nhận thể hiện ở việc họ thường hợp lý hóa thất bại của mình trong việc từ bỏ ma túy. Việc tháo gỡ cho đối tượng những vướng mắc cần thực hiện từng bước. Biện pháp tiếp cận với NNMT là biện pháp đối diện trực tiếp, nó thử thách niềm tin và trách nhiệm cá nhân của mỗi người nghiện.
Mai Xuân Phương