Quản trị chuỗi cung ứng du lịch
Một chuỗi cung ứng du lịch có thể được định nghĩa như là một mạng lưới các tổ chức du lịch khác nhau cung ứng các thành phần của sản phẩm/dịch vụ du lịch như dịch vụ hàng không và dịch vụ lưu trú, cho sự phân phối và marketing các sản phẩm dịch vụ du lịch cuối cùng tại một điểm đến du lịch đặc biệt, và liên quan đến một phổ rộng những doanh nghiệp tham gia ở cả khu vực nhà nước và tư nhân.
Những sự khác biệt chủ yếu giữa các chuỗi cung ứng du lịch với các chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực khác chính là khách du lịch đến với sản phẩm và các sản phẩm mà họ mua có hàm lượng dịch vụ đặc thù cao (không chỉ đơn thuần là sản phẩm vật chất).
Chuỗi cung ứng du lịch bao gồm nhiều thành phần, không chỉ có các dịch vụ lưu trú, vận chuyển và các hoạt động tham quan, mà còn có các hoạt động kinh doanh nhà hàng ăn uống và bar, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất đồ ăn, xử lý rác thải, các dịch vụ hạ tầng phục vụ cho du lịch tại điểm đến. Đó là tất cả những yếu tố cấu thành của một kỳ nghỉ mà khách hàng mong đợi và trả tiền cho điều đó. Các yếu tố đó có thể do các nhà cung ứng cung cấp trực tiếp hoặc thông qua hợp đồng của một công ty lữ hành.
Một loạt các công cụ quản lý và tiêu chuẩn có sẵn và được áp dụng để tăng sức chứa cho lĩnh vực kinh doanh lưu trú bao gồm các tiêu chuẩn và chứng nhận (bao gồm cả việc dán nhãn sinh thái), kiểm toán, các hệ thống quản lý môi trường, phát triển các chương trình hành động và sự thiết lập các trách nhiệm quản lý rõ ràng. Rất nhiều trong số các công cụ này đã được phát triển nguyên mẫu để quản lý các nhân tố môi trường kinh doanh nhưng cũng có thể được mở rộng để quản lý các nhân tố môi trường xã hội. Các điều kiện làm việc và các yếu tố lao động có thể được liên kết vào quản trị nguồn nhân lực.
Thực trạng quản trị chuỗi cung ứng du lịch Đà Nẵng
Cung ứng các loại hình du lịch
Du lịch văn hóa: Du lịch văn hóa là loại hình du lịch phát triển mạnh ở Đà Nẵng. Với các di tích lịch sử, văn hóa và các lễ hội đặc trưng chính là những lợi thế của Đà Nẵng trong việc thu hút du khách. Hiện tại các loại hình du lịch văn hóa chỉ tập trung phát triển ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ngoài ra còn có 2 lễ hội là lễ hội pháo hoa quốc tế và lễ hội Quán Thế Âm thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, những nét văn hóa truyền thống này mới chỉ là những sản phẩm phụ, hỗ trợ cho việc phát triển các chương trình du lịch.
Du lịch biển: Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng khu công viên biển Phạm Văn Đồng và khu bãi tắm Sao Biển. Hàng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều tổ chức Chương trình Liên hoan biển “Đà Nẵng – Điểm hẹn mùa hè” với các hoạt động du lịch biển sôi động. Bên cạnh đó, sự ra đời của nhiều khách sạn, khu du lịch, resort ven biển như hiện nay, du lịch biển Đà Nẵng đang ngày càng phát triển. Cùng với nghỉ dưỡng, các loại hình thể thao, giải trí biển cũng bước đầu được các đơn vị quan tâm khai thác. Tuy nhiên nhìn chung các loại hình du lịch biển của Đà Nẵng vẫn còn ít phát triển so với một số tỉnh thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Du lịch sinh thái: Đà Nẵng đã khánh thành tuyến cáp treo nối từ chân đến đỉnh núi Bà Nà – đây là tuyến cáp treo đạt 2 kỷ lục thế giới về độ dài cáp treo và độ chênh giữa ga đi và ga đến, đã giải quyết được những khó khăn trong việc đi lại của du khách, đồng thời cũng tạo được sức hút đối với điểm du lịch này. Tuy nhiên, Bà Nà vào mùa hè cũng chỉ đông khách vào dịp cuối tuần, chưa trở thành điểm đến không thể thiếu trong các tour du lịch Đà Nẵng.
Đà Nẵng cũng đã đưa vào phục vụ du khách tour tham quan tại bán đảo Sơn Trà (tour lặn biển ngắm san hô, lên rừng xuống biển, câu cá cùng ngư dân, khám phá Sơn Trà). Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện nay cũng có các khu du lịch sinh thái đang được khai thác, phục vụ du khách có thể kể đến như khu du lịch suối Lương, suối Hoa, đèo Hải Vân…
Du lịch MICE: Du lịch công vụ cũng bước đầu phát triển và khẳng định là thế mạnh của du lịch Đà Nẵng với nhiều hội nghị kết hợp tham quan du lịch được tổ chức.
Hiện nay, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các công ty lữ hành đang tổ chức các hoạt động kèm theo bên cạnh các cuộc hội nghị, hội thảo như chương trình tham quan du lịch trong thời gian từ nửa ngày đến một ngày đưa du khách đến các điểm du lịch hấp dẫn tại Đà Nẵng hoặc vùng phụ cận như: đô thị cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, cố đô Huế...
Du lịch làng nghề: Các sản phẩm du lịch làng quê, du lịch làng nghề cũng được các du khách đặc biệt là du khách quốc tế rất ưa chuộng. Khá nhiều làng nghề truyền thống có khả năng phục vụ nhu cầu tham quan của du khách như làng đá mỹ nghệ Non Nước, làng nước mắm Nam Ô, làng dệt chiếu Cẩm Nê… và các doanh nghiệp lữ hành cũng rất chú trọng đến khai thác loại hình sản phẩm du lịch này. Tuy nhiên hầu hết các làng nghề tồn tại một cách tự phát, thiếu sự quản lý, định hướng của chính quyền và thiếu sự liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong việc phục vụ khách du lịch tham quan, tìm hiểu.
Cung ứng dịch vụ lữ hành
Hoạt động kinh doanh lữ hành tại Đà Nẵng khá ổn định và phát triển nhanh. Số lượng các doanh nghiệp lữ hành tăng qua các năm. Các doanh nghiệp lữ hành đã chủ động xây dựng các tour tuyến với nhiều loại hình hấp dẫn.
Tuy nhiên, việc liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch khác (khách sạn, nhà hàng, vận chuyển du lịch, các điểm vui chơi giản trí, mua sắm, các làng nghề phục vụ du lịch…) vẫn còn rất hạn chế, chưa tạo được mối quan hệ chặt chẽ nhằm khai thác có hiệu quả các tài nguyên du lịch, đồng thời tăng doanh thu và hiệu quả của hoạt động du lịch.
Cung ứng các loại dịch vụ du lịch khác
Các dịch vụ du lịch trên địa bàn Đà Nẵng như: lưu trú, ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, y tế, thông tin liên lạc, vận chuyển du lịch, ngân hàng… đã được quan tâm đầu tư và có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Nhưng chất lượng dịch vụ, mức độ sẵn sàng phục vụ khách và đặc biệt là khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ này nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch còn rất hạn chế khiến cho hoạt động kinh doanh du lịch của Đà Nẵng chưa thể phát triển và mạng lại lợi ích to lớn về kinh tế tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Nguồn nhân lực du lịch
Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch vẫn còn một số khó khăn, bất cập như: chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp; chưa cân đối cơ cấu đào tạo để đảm bảo tỷ lệ số người được đào tạo nghề du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, kỹ thuật viên và công nhân kỹ thuật; tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” vẫn rất phổ biến, gây khó khăn cho sự phát triển của ngành Du lịch Đà Nẵng.
Nhìn chung, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch của Đà Nẵng chưa thật sự được hình thành và hoạt động theo đúng nghĩa nhằm tối ưu hóa lợi ích cho các bên liên quan, đồng thời góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển cho du lịch Đà Nẵng tưng xứng với những tiềm năng vốn có của thành phố và những cơ hội mà quá trình hội nhập mang lại.
Một số giải pháp phát triển Du lịch Đà Nẵng
UBND TP. Đà Nẵng cần tiếp tục quy hoạch, đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống hạ tầng du lịch bao gồm hệ thống giao thông, thông tin liên lạc nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng; hỗ trợ trong việc khôi phục, bảo tồn và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống; có biện pháp giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường của làng nghề nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cần phối hợp chặt chẽ với các Ban, Ngành của Thành phố tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh Du lịch Đà Nẵng đến du khách trong nước và quốc tế thông qua các hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin, giao lưu văn hóa với các thành phố, các điểm đến du lịch trong và ngoài nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của người dân địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng “văn hóa du lịch” để hình ảnh du lịch Đà Nẵng đẹp hơn trong mắt du khách.
Bên cạnh đó cũng cần phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt việc cấp giấy phép kinh doanh, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ cung ứng, tránh các hiện tượng “chèo kéo, chèn ép” du khách; quản lý giả cả dịch vụ; đảm bảo các vấn đề an ninh, an toàn cho du khách; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; các vấn đề về giao thông; bảo vệ môi trường, cảnh quan chung và tại các điểm du lịch…
Các doanh nghiệp du lịch của Đà Nẵng cần nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, có những biện pháp để quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm du lịch.
Nghiên cứu thiết kế, xây dựng những chương trình du lịch mới hấp dẫn hơn, độc đáo; khai thác các tuyến, điểm du lịch mới nhằm tăng khả năng thu hút khách du lịch, đồng thời giúp đa dạng hóa các chương trình và sản phẩm du lịch.
Các doanh nghiêp du lịch cũng đặc biệt cần chú ý đến việc hình thành các chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, các làng nghề truyền thống, các hộ kinh doanh có liên quan nhằm tối ưu hóa lợi ích cho du khách khi đến với Đà Nẵng, đồng thời giúp tối ưu hóa lợi ích cho các doanh nghiệp, các làng nghề truyền thống và người dân địa phương.
Để hình thành và duy trì được các chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch này cần thiết phải xác định rõ các thành viên trong chuỗi; quy định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các thành viên; xây dựng các cơ chế phối hợp hoạt động, gắn kết và ràng buộc các thành viên trong chuỗi, cơ sở quan trọng nhất của mối quan hệ này chính là lợi ích kinh tế, ngoài ra có thể có các lợi ích khác. Các thành viên tham gia chuỗi cần có sự hợp tác chặt chẽ và chia sẻ lợi ích với nhau để nâng cao sức cạnh tranh của chuỗi, duy trì và phát triển hoạt động của chuỗi từ đó tối ưu hóa lợi ích cho khách du lịch và tối ưu hóa lợi ích của các thành viên trong chuỗi cung ứng du lịch.
Người dân Đà Nẵng cần tiếp tục nâng cao ý thức cộng đồng, tích cực và chủ động trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường cảnh quan thành phố nhất là tại các diểm du lịch để củng cố vững chắc hơn nữa hình ảnh trong mắt khách du lịch về một thành phố: Thân thiện – Mến khách – An toàn – Văn minh!
TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Xinyan Zhang a, Haiyan Song a, George Q.Huang (2008), Tourism supply chain management: A new research agenda, Elsevier Journal, 15 December 2008, Hong Kong. [2]. Nguyễn Công Bình (2008), Quản lý chuỗi cung ứng, NXB Th��ng kê, Hà Nội. [3]. Martha C. Cooper, Douglas M. Lambert, and Janus D. Pagh, Supply Chain Management: More Than a New Name for Logistics, The International Journal of Logistics Management, Vol. 8, No. 1, 1997, p. 2. [4]. Micheal Hugos (2010), Tinh hoa quản trị chuỗi cung ứng, NXB TP. Hồ Chí Minh (sách dịch). |
Tô Ngọc Thịnh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)