Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. Ngô Hữu Hào - Đại học Công nghệ Sydney cho biết: Sự thiếu hụt nguồn nước sạch tự nhiên đã khiến ngành công nghiệp phải sử dụng những nguồn cung cấp nước bổ sung như nước mưa, nước tách muối, nước tái chế đã qua xử lý để để đảm bảo không gây bất cứ ảnh hưởng nào. Do vậy, công nghệ xanh có thể sử dụng trong phát triển bền vững nước để hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp mới, tạo ra nhiều đổi mới công nghệ cho thị trường nước cũng như vị thế của nhưng quốc gia nắm bắt được công nghệ này.
Công nghệ xanh trong quản lý bền vững môi trường nước là một trong những giải pháp mà Việt Nam hướng tới để giải quyết các vấn đề trong nước, hướng tới phát triển bền vững. Hiện nay, ngoài những khung pháp lý đã có, Việt Nam đã thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) để cung cấp kinh phí cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu, chuyển đổi, đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ xanh, trong đó có lĩnh vực quản lý môi trường nước.
GS. Furuta Motoo - Hiệu trưởng Đại học Việt Nhật - nhận định: Trong bối cảnh dân số thế giới gia tăng dẫn tới nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng cung cấp của các nguồn nước, tài nguyên nước toàn cầu dần cạn kiệt, nhất là ở các quốc gia chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu như ở Việt Nam thì việc phát triển công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm và tái sử dụng nguồn nước là vô cùng cấp thiết để quản lý và sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững nhất.
Theo kế hoạch, Hội thảo “Công nghệ xanh cho môi trường nước bền vững” diễn ra từ ngày 13 - 16/10/2017 tại Hà Nội, với 8 phiên thảo luận, cập nhật khoa học công nghệ mới nhất về cấp nước, xử lý nước thải và tái sử dụng nước; phục hồi tài nguyên từ nước thải; quản lý tài nguyên nước; xử lý nước bằng công nghệ nano.
PV