Nhà văn Hồ Phương nửa đùa nửa thật: “Chú thân với bố cháu nên rủ đi cùng, chứ được đi thế này không phải dễ đâu nhé!”. Có lẽ ông không nói quá, bởi vì ở thời điểm đất nước mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh 30 năm, còn đầy rẫy khó khăn, “đi du lịch” là chuyện ít người dám nghĩ đến, nói gì tới đi dọc chiều dài đất nước cùng cả gia đình?
Nhà văn Hồ Phương đúng là “thủ lĩnh” của đoàn với sự quảng giao, tháo vát và hài hước. Đường quốc lộ 1 bấy giờ còn rất xấu, nhiều nơi, khi qua sông vẫn phải đi bằng phà. Các loại phương tiện xếp dài hàng cây số, nhích từng mét một, từ bên này sang bên kia sông dễ mất đến nửa ngày. Ông Hồ Phương lịch bịch xuống xe, chẳng hiểu có bí quyết “ngoại giao” thế nào mà chỉ lát sau đã quay lại, mặt tươi rói, tay vẫy bác tài: “cho xe lên đi, ưu tiên, ưu tiên!”. Các địa danh trên đường, ông kể vanh vách, chỗ nào cũng gắn với một câu chuyện vui. Lên đến đỉnh đèo Ngang, xe dừng lại cho du khách ngắm cảnh. Nhà văn Hồ Phương rất “ga-lăng”, hái hoa dại mọc quanh sườn núi tặng các thành viên nữ trong đoàn.
Ông Phan Sỹ Nhân, đại tá bác sĩ quân đội, một chuyên gia mổ tim rất giỏi của bệnh viện 354, người đồng hành cùng chúng tôi trên chuyến xe ấy, lấy một bình trà trong ba lô ra mời mọi người thưởng thức. Ông tủm tỉm cười: “Tôi vốn không thạo thơ văn, nên được đi dọc chiều dài đất nước với các nhà văn, cũng là điều may mắn. Nay ở trên đỉnh đèo Ngang, tôi mượn thơ Bà huyện Thanh Quan, thách các nhà văn họa theo nhé! E hèm! Trên đỉnh đèo Ngang khách uống trà…”.
Ông Hồ Phương tiếp ngay: “Thế rồi ta tiếp tục ba hoa!”; cha tôi (nhà văn Hữu Mai) chọc bạn: “Lom khom Phương hái hoa cứt lợn!...” Mọi người phá lên cười. Những chuyện vui, hài như thế dường như bất tận, làm cho chúng tôi quên đi cái xóc, cái nóng và thời gian gần một tuần “hành quân du lịch” bằng ô tô quân sự.
Trên đường đi, trạm dừng chân của chúng tôi là các doanh trại quân đội. Chúng tôi sinh hoạt như những người lính. Đến Sài Gòn, các gia đình được bố trí ở “Binh trạm 66” - một tòa cao ốc trên đường Võ Văn Tần, sau này người ta xây thành khách sạn Victoria, thuộc hạng sang ở TP. Hồ Chí Minh. Bên ngoài binh trạm luôn có bộ đội bồng súng đứng gác. Tình hình an ninh bấy giờ vẫn chưa tốt lắm.
Đứng gác ở các ngã tư, ngã năm khu vực trung tâm thành phố là những anh bộ đội trẻ măng, bỡ ngỡ và lạ lẫm ngắm phố xá phồn hoa đô hội. Một chiếc xe Honda 67 bất ngờ rồ ga vọt lên, tiếp theo là tiếng hô thất thanh: “Cướp, cướp!”. Anh bộ đội bình tĩnh gỡ súng, quỳ xuống, tì vai, nheo mắt ngắm bắn, động tác theo đúng yếu lĩnh. Người đi đường chắc lưỡi tiếc rẻ: “Chậm chạp như vầy sao bắt được cướp?” Bỗng “đoàng!”, chiếc xe của tên cướp chỉ còn là một bóng nhỏ lạng lách, sắp thoát đến nơi, lập tức đổ kềnh ra đường. Thì ra, những người lính trẻ măng ấy chính là những thiện xạ giỏi nhất được điều từ các đơn vị địa phương về thành phố làm nhiệm vụ trấn áp tội phạm. Hình ảnh bình dị mà xuất sắc của anh bộ đội Cụ Hồ trở thành niềm tin, đem bình an đến cho người dân và là nỗi kinh hoàng của bọn cướp. Có lẽ họ cũng chính là những thành viên đội SBC (săn bắt cướp) huyền thoại sau này.
Thế nhưng, đôi chút bất an về an ninh trật tự không thể ngăn được sự háo hức, tò mò khám phá thành phố được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông” trong chúng tôi. Lứa học sinh phổ thông cấp hai như chúng tôi ngày ấy chỉ biết Sài Gòn qua những trang sách ít ỏi, chủ yếu là chuyện sinh viên xuống đường đấu tranh, chiến sĩ biệt động đánh Mỹ.
Bây giờ đứng trước một thành phố hoa lệ, hiện đại, thấy cái gì cũng lạ. Lạ từ đại lộ lung linh ánh đèn đến những con hẻm tối tăm, lam lũ. Lạ từ những cơn mưa chiều ào ạt đến bất chợt, rồi bất ngờ tan biến như chưa từng có.
Lạ từ những khu chợ chất đầy hàng hóa, nói một giá, không cần mặc cả. Lạ từ ngôn ngữ, khẩu vị, thói quen, đến cách cư xử vô cùng lễ phép của lũ trẻ con; sự rụt rè e ngại, đề phòng vô hình nào đó rất khó định danh nhưng lại có thể cảm nhận rõ ràng ở người lớn…
Cha mẹ đưa chúng tôi thăm lại những người bạn học cũ đã di cư vào Nam sau năm 1954. Không ít người trong số họ mang theo sứ mệnh âm thầm, nhẫn nhịn và can đảm để góp phần làm nên chiến thắng hôm nay. Trong gia đình họ, tất cả các thành viên đều nói tiếng Bắc, ăn cơm Bắc, lưu giữ những ký ức về miền Bắc…
Và cậu bé 15 tuổi trong tôi chợt thấy trào lên cảm giác thân thương, tự hào khi nhận ra rằng, đất nước này, dân tộc này đã vượt qua một hành trình dài đầy đau thương và lẫm liệt để đến được ngày đoàn tụ 30/4/1975.
Hơn bốn mươi năm đã trôi qua. Cậu bé 15 tuổi đã trở thành người đàn ông ngoài 50. Những thành viên trên chuyến xe du lịch ấy người còn, người mất theo quy luật của thời gian. Thành-phố-ký-ức của cậu đã đổi thay. Nghề báo cho cậu cơ hội vào TP. Hồ Chí Minh nhiều lần, đi xuyên Việt thêm vài lần nữa, nhưng ấn tượng về chuyến đi đầu tiên đến Sài Gòn thì không bao giờ mờ phai...
Trần Hữu Việt
(Tạp chí Du lịch)