Mỗi sáng, tôi thức dậy trong tiếng huyên náo của lũ trẻ í ới gọi nhau đi học, trong tiếng gọi đò, tiếng con nước lạch xạch, khi ánh mặt trời đã nhấp nháy nơi ngã ba sông. Không có một bóng khách du lịch nào lai vãng qua đây, thi thoảng lắm mới có bóng xe đạp của cặp Tây nào lạc lối.
Tôi dành thời gian đạp xe qua các khu làng quanh đấy, từ Cẩm Nam, Cẩm Hội, Cẩm Thanh đến các làng xa hay chạy ra biển nằm dài cho đến tận khi chiều tối mới trở lại làng chài.
Có những lần, tôi dành cả ngày đạp xe sang làng Trà Quế làm vườn, cho thỏa mơ ước tự tay đào đất, tự tay chọn giống làm vườn. Đứng giữa màu xanh mát mắt của những thửa rau sạch của Trà Quế, ngửi hương thơm của húng, của bạc hà, dễ chịu, sảng khoái vô cùng.
Có ngày, tôi lại ngược sông Thu Bồn ở lại làng Thanh Hà đến tối mịt mới về vì mải xem người ta làm gốm rồi tự mình làm gốm, chờ nung xong, lấy thành phẩm mang về. Làng gốm Thanh Hà không phát triển mạnh như Bát Tràng ngoài Bắc, sản phẩm cũng giản đơn, cách thức làm bằng tay truyền từ đời này qua đời khác cũng đã vài trăm năm. Tôi nghịch ngợm nặn những chiếc cốc méo mó, những chiếc bát xộc xệch, rồi bê hết cả về mua hoa cắm vào, mua cây trồng vào.
Có những ngày, tôi đạp xe dọc sông Thu Bồn, chỉ nghỉ khi thấy chân đã mỏi. Có ngày, chạy xe ra tận Đà Nẵng rồi đèo Hải Vân, chơi qua ngày mới về lại. Mang theo bikini, sẵn sàng tạt vào bất cứ bãi biển nào trên đường để nhúng mình xuống biển xanh tuyệt mỹ. Tôi cũng mang theo một quyển sách, nằm dài trên cát, nghe sóng đánh nghe gió thổi, ngắm mây ngắm trời. Rốt cuộc quyển, sách chỉ đọc được vài trang đầu, gió lộng cứ vỗ về đôi mắt, mơn trớn, thì thào “Ngủ đi! Ngủ đi!”.
Có ngày, tôi chạy trên những chuyến đò ngang, đi qua những cồn, những xóm khác bên kia sông, len lỏi giữa những rặng dừa nước xanh um, thay vì ăn cơm tiệm thì chui vào nhà dân ăn nhờ. Những người Quảng Nam bình dị, chân chất sẵn lòng mở cửa, cho bạn cốc nước mát, cho bạn bát cơm, ngồi trò chuyện về cuộc đời trên chiếc chõng tre kê ngoài cửa, tay phe phảy chiếc quạt nan. Khi ta đến bằng tấm lòng chân thành, ta sẽ nhận được sự chân thành.
Xe đạp, giỏ xe đựng nước, đựng đồ ăn vặt, đựng bút đựng sách, mũ trên đầu, tay trần, giày thể thao, cứ thế tôi lang thang khắp nẻo, đen giòn.
Tôi đạp xe đi chợ như các mế vào buổi sáng. Chọn rau, chọn thịt, chọn đồ ăn. Tôi không ăn trong các hàng quán trong phố, những quán cơm nổi danh như cơm gà, cao lầu, mì Quảng mà ăn luôn trong chợ, trong quán vỉa hè ngoài phố. Có khi ngồi ghếch chân buôn chuyện với các mế chèo thuyền chở khách du lịch cả sáng.
Các mế kể chuyện thì dứt ra không nổi vì hấp dẫn quá. Nào là chuyện đưa mấy bà Tây đi chơi sông, có bà nặng cả trăm cân, mỗi lần lên xuống thuyền phải có hai người giúp xốc nách. Rồi chuyện chở cô dâu chú rể chụp ảnh cưới, nắng nôi mồ hôi quá khổ. Vừa kể vừa không quên mời khách đi thuyền. Ai đi qua cũng đon đả mời, có đi hay không cũng vui vẻ cười, không chèo kéo khách bao giờ.
Sau bữa tối, tôi đi bộ ra phố cổ, ngồi lại trong một quán cà phê nhỏ bên sông, ngắm dòng sông màu sắc và gương mặt của những vị khách mới vừa đến với Hội An tối nay.
Hội An đẹp và xưa cũ, giống như một cô gái đẹp thời xa xưa, nét đẹp thanh tao, dịu dàng, buồn buồn, sầu sầu, mày chau, liễu rủ. Những anh chàng bạn tôi đều không thể hiểu được tại sao lũ con gái lại thích nơi này đến vậy. Rất nhiều lần khi đến đây cùng họ, việc duy nhất mà họ thích là ngồi cà phê trong khi đám con gái la cà cả ngày, từ các quán chè đầu phố giá 10.000 đồng/cốc đến xiên thịt nướng giá 5.000 đồng/xiên, từ hàng may áo dài sang hàng váy, từ hàng giày sang hàng đồ handmade… Rồi khi đã chán với mua sắm, họ sẽ đi chụp ảnh, chui vào các con ngõ, đứng dưới từng giàn hoa mà tạo dáng. Cứ thế cả ngày không biết mệt.
Hơn một tháng ở Hội An, tôi trở thành bạn của cả xóm, từ người lớn đến trẻ con. Giản dị mà gần gũi, chân thật và hồn nhiên. Những tháng ngày không vội vã và ồn ào, Hội An đã khiến tôi yêu bởi cuộc sống giản dị êm đềm với những người dân hồn hậu.