Đã chuyển biến tích cực nhưng sản phẩm còn đơn điệu
Thời gian qua, Nghệ An đã có rất nhiều nỗ lực trong việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, sở thích của du khách. Về mặt địa bàn, ngoài bãi biển truyền thống Cửa Lò, các sản phẩm, dịch vụ du lịch giờ đây xuất hiện thêm ở hàng loạt các bãi biển mới từ Cửa Hội (Cửa Lò) đến Bãi Lữ (Nghi Lộc), Diễn Thành, Diễn Hải (Diễn Châu), Quỳnh Phương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Quỳnh Liên (Quỳnh Lưu)… Nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển, dự án du lịch sinh thái, chữa bệnh gắn với nghỉ dưỡng ven biển đã hình thành và phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.
Trước đây, sản phẩm du lịch biển chủ yếu là tắm biển, nghỉ dưỡng, nay đã có khá nhiều loại hình và sản phẩm du lịch đa dạng như: du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng kết hợp với thưởng thức văn hóa ẩm thực, mua sắm; du lịch tham quan các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh; du lịch tham quan làng nghề; du lịch văn hóa - lễ hội; du lịch công vụ, hội nghị, hội thảo; du lịch thể thao (câu mực trên biển, nhảy dù, xe máy nước)… Tuy nhiên, cho đến thời điểm này các sản phẩm du lịch của Nghệ An vẫn còn nghèo nàn, trùng lắp và mang nặng tính thời vụ.
Ngoài việc đưa vào khai thác nhiều điểm đến du lịch mới, tổ chức nhiều lễ hội, sự kiện, Nghệ An còn đặc biệt chú trọng việc liên kết, phối hợp giữa sản phẩm của các điểm đến du lịch nhằm đưa ra nhiều lựa chọn cho du khách. Nhờ đó, nhiều tuyến du lịch có giá trị gia tăng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách đã được xây dựng như: Vinh - Cửa Lò - đảo Ngư - Vinh; Cửa Lò - Vinh - khu di tích Kim Liên - khu di tích Mai Hắc Đế - nhà lưu niệm Phan Bội Châu - Cửa Lò; Vinh - khu di tích Kim Liên - vườn quốc gia Pù Mát - Vinh…
Các dịch vụ phụ trợ cũng được nâng cao chất lượng và tăng thêm tính phong phú. Dịch vụ lữ hành và vận chuyển có nhiều tiến bộ như phương tiện đầu tư đổi mới, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ cũng như thái độ phục vụ của đội ngũ hướng dẫn viên nâng lên một bước. Hệ thống cơ sở nhà hàng, dịch vụ ăn uống phát triển mạnh mẽ, nhất là tại các khu du lịch ven biển. Nhiều dịch vụ, trò chơi giải trí mới được hình thành. Một số sản phẩm của làng nghề như dệt thổ cẩm, mây tre đan, chế tác đá, đồ gỗ, chế biến hải sản, chế tác vỏ ốc… bước đầu được du khách chấp nhận.
Mặc dù có những chuyển biến tích cực, sản phẩm du lịch biển, đảo của Nghệ An còn nặng tính mùa vụ và đơn điệu, chưa tạo được sự khác biệt. Trong số các sản phẩm du lịch đưa ra thị trường, loại hình du lịch nghỉ dưỡng có tốc độ phát triển rất nhanh và vẫn là sản phẩm có nguồn thu lớn nhất của tỉnh. Các nguồn lực du lịch có sẵn, nhất là bãi tắm, vẫn là sản phẩm chủ đạo. Trong thực tế, Nghệ An đã có nhiều biện pháp để tăng lượng khách ngoài mùa hè nhưng kết quả còn khiêm tốn vì ngoài tắm biển, nghỉ dưỡng, khách du lịch không có nhiều sản phẩm du lịch khác để lựa chọn.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển, đảo Nghệ An
Để khai thác hiệu quả hơn các tài nguyên có sẵn và tạo thêm các sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn phục vụ du khách, Du lịch Nghệ An cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp.
Bổ sung sản phẩm du lịch mới
Ngoài các tài nguyên đã và đang khai thác, cần bổ sung thêm các sản phẩm trên cơ sở gắn với nhu cầu, sở thích của du khách. Tài nguyên tạo mới cần được tính đến trong các kế hoạch phát triển du lịch. Cụ thể, Nghệ An có thể tạo thêm một số sản phẩm du lịch mới như sau:
Du lịch biển nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe, chữa bệnh: Các cơ sở cung cấp dịch vụ cần nâng cấp đầy đủ trang thiết bị, phương tiện khám, chữa bệnh, đặc biệt là cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật phục vụ du khách như công viên du lịch biển, khu vui chơi giải trí tổng hợp, đồng thời cung cấp cho du khách các chương trình thưởng ngoạn biển hiện đại như bơi, lướt sóng, câu cá, thuyền buồm, lướt ván và nhảy dù.
Du lịch thể thao biển (nhảy dù trên biển, bóng đá, bóng chuyền trên bãi biển…): Kết hợp với các doanh nghiệp kinh doanh tổ chức các giải thi đấu thể thao để thu hút du khách đến tham gia thi đấu làm phong phú các loại hình dịch vụ du lịch biển và đem lại nguồn thu cho các khu du lịch biển .
Du lịch lễ hội biển, ven biển: có thể kết hợp nghỉ dưỡng biển với tham quan các điểm văn hóa, lễ hội, tâm linh. Tổ chức các lễ hội du lịch biển, ven biển hàng năm theo từng thời điểm cụ thể như: lễ hội du lịch Cửa Lò, lễ rước lễ hội đền Hồng Sơn, lễ hội chùa Cần Linh, lễ hội đền thờ ông Hoàng Mười… kết hợp biểu dưỡng những làn điệu dân ca, hò vè, hát ví dặm, ca trù… của các địa bàn ven biển và các trò chơi dân gian.
Du lịch sinh thái biển, ven biển trên đảo Hòn Ngư để khám phá động thực vật sinh thái biển. Đầu tư du thuyền trên biển, du thuyền dọc tuyến sông Lam từ Cửa Hội đến điểm đền Ông Quan Hoàng Mười. Kết hợp du thuyền tham quan thắng cảnh dọc ven bờ sông Lam với thưởng thức hát ví dặm dân ca xứ Nghệ.
Du lịch làng nghề biển kết hợp với du lịch ẩm thực biển: Tổ chức các tour tham quan làng chài, làng nghề thủ công mỹ nghệ, làng nghề sản xuất hải sản ở Thị xã Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu; kết hợp thưởng thức các món ăn đặc sản thành “thương hiệu” của từng huyện như: mực sim Diễn Châu, cá thu Cửa Hội, mắm ruốc Quỳnh Lưu, tôm ghẹ Cửa Lò, Nghi Lộc… Phát triển các cơ sở sản xuất hàng lưu niệm mang đậm nét văn hóa địa phương.
Du lịch trải nghiệm: Phát triển dịch vụ trải nghiệm nghề chài lưới, câu cá, câu mực trên biển. Đầu tư xây dựng cầu đi bộ và cảnh quan xung quanh để phục vụ nhu cầu ngắm cảnh, thư giãn, chụp ảnh tại đảo Lan Châu.
Khai thác hợp lý sản phẩm sẵn có
Việc duy trì chất lượng, sự bền vững của các tài nguyên du lịch cần được quan tâm sâu sắc. Mục tiêu tăng số lượng du khách cần phù hợp với khả năng đáp ứng của các tài nguyên.
Với tình hình hiện nay cũng như tới đây, việc liên kết các sản phẩm du lịch, các điểm đến du lịch trong nội bộ tỉnh cũng như với các địa phương khác trong và ngoài nước cần được coi là trọng tâm để hướng tới. Muốn vậy, phải tạo được một mối liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh trong khu vực để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho toàn vùng bằng các giải pháp như: phân tích, đánh giá điều kiện hạ tầng, tài nguyên du lịch của các địa phương, trên cơ sở đó lựa chọn ra những sản phẩm du lịch đặc thù của vùng có khả năng thu hút khách và cạnh tranh cao với các khu vực khác trong nước, quốc tế; cam kết sự tham gia của lãnh đạo địa phương cũng như thiết lập cơ chế vận hành sự liên kết; phát huy vai trò của doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong việc tạo ra sự ổn định trong liên kết xây dựng sản phẩm du lịch của khu vực…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An (2009), Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Nghệ An đến năm 2020
2. Nguyễn Thành Vượng (2012), “Phát triển du lịch biển, đảo khu vực Bắc Trung Bộ”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Tiềm năng và hướng phát triển du lịch Bắc Trung Bộ, Huế.
3. UBND Tỉnh Nghệ An, Đề án phát triển du lịch biển, đảo Nghệ An đến năm 2020
ThS. Đào Quang Thắng - ThS. Thái Thị Kim Oanh
(Tạp chí Du lịch)