Ngày nay do kinh tế phát triển, mức độ giao lưu buôn bán ngày càng tấp nập ở các đô thị, thành phố lớn, nhất là xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển như vũ bão đã sinh ra nhiều siêu thị, trung tâm buôn bán lớn, nhỏ. Song ở nhiều vùng quê, làng quê Việt, kể cả vùng núi cao, biên giới…vẫn còn khá nguyên vẹn nét chợ quê và không gian chợ vùng quê. Bởi lẽ với người Việt xưa cũng như nay, chợ là một khái niệm thật gần gũi và thân quen, là nơi để trao đổi, mua bán hàng hóa, kết hợp với giao lưu, gặp gỡ, trò chuyện, hẹn hò...
Chợ quê mang bản sắc đậm nét của cư dân bản địa như: chợ cá ở vùng ven biển khác chợ nông sản, thực phẩm vùng miền núi và trung du, đồng bằng. Nhìn ở góc độ kinh tế thuần túy, chợ quê cũng là thước đo để đánh giá tương đối chính xác trình độ, mức độ phát triển kinh tế của cư dân trong vùng/ địa phương.
Hình ảnh khá quen thuộc của khu vực chợ tại những vùng quê Việt Nam thường là một khu đất trống ven làng, kề bên bến sông, sau cánh đồng, quần tụ quanh gốc đa, mái đình và luôn sẫm một màu quần áo vải nâu. Người tứ xứ tìm đến chợ để bán nông sản và mua các vật dụng thiết yếu cho gia đình. Và hiển nhiên là, trong chợ chẳng bao giờ thiếu các quán ăn đậm chất quê. Câu ngạn ngữ của người xưa: “Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân” đã phần nào nói lên biểu tính cũng như “thấu kính” ấy của chợ.
Đặc thù của chợ quê như một “thấu kính” soi rõ đời sống của từng cộng đồng người Việt, từng số phận - con người ở khung cảnh chợ – nơi đó cá tính của con người được bộc lộ và thể hiện khá rõ nét trong từng cách ứng xử, từng lời nói biểu đạt mà không cần che đậy hoặc tô vẽ.
Chợ còn là không gian sinh hoạt cho mỗi cá thể sống. Nơi “chợ, búa” ấy, mọi hỷ, nộ, ái ố, mọi cung bậc tình cảm của đời sống con người được dung nạp và phơi bày. Nếu như đi chợ thành thị, phố xá, người ta thán phục trước sự giàu có, sung túc, xa hoa của hàng hóa, cũng như có khi “kinh khiếp” trước mọi mánh lới buôn bán, hoặc lừa lọc của tư thương, thì trái lại, thăm các chợ quê (kể cả chợ vùng cao, miền sơn cước), người ta thường ngỡ ngàng với điệu hát xẩm, với những câu chuyện trao đổi đầy thổ ngữ địa phương, với kiểu cách trêu ghẹo và lối pha trò thâm thúy của ngạn ngữ dân gian, hay thích thú nếm các món ăn vặt của vùng quê.
Ở mỗi vùng, miền, mỗi phiên chợ là một bảng phối màu rực rỡ tô điểm cho thiên nhiên, đặc biệt là các phiên chợ vùng cao.
Nếu như ở miền Bắc, miền Trung thường họp chợ trên bờ, thì ở vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, một số chợ lại họp trên sông nước, kênh rạch.. độc đáo. Tôi đã có dịp chứng kiến chợ nổi trên sông Hậu ở Cần Thơ, trên sông Tiền, chợ nổi Cái Răng… với hàng trăm con thuyền lớn, bé với nhiều loại hàng hóa, sản vật của địa phương. Các thuyền nương theo con nước tụ về một ngã ba, ngã tư để họp chợ, buôn bán, giao thương, rồi lại tỏa đi khắp các vùng, mang theo sản vật vùng này đến các vùng miền khác…
Có thể thấy, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cùng với thời gian, chợ ở vùng quê bây giờ cũng có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, về cơ bản, chợ quê vẫn giữ được những cốt lõi truyền thống vốn có của nó trong đời sống đổi thay nhanh đến chóng mặt; trong sự tiếp biến văn hóa có phần cởi mở, giao lưu, hội nhập nhanh chóng như hiện nay.
Nguyễn Hữu Giới
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)