Chợ nổi Phụng Hiệp - còn gọi là chợ nổi Ngã Bảy bởi chợ họp ngay vùng hợp lưu của 7 con sông nhỏ (Xẻo Môn, Xẻo Đông. Bún Tàu, Lái Hiếu, Cái Còn, Mang Cá và Kênh Xáng). Nằm cạnh quốc lộ 1, giữa đường đi Cần Thơ và Sóc Trăng, cách mỗi tỉnh chừng 30km, chợ nổi Phụng Hiệp đặc biệt hơn các chợ nổi khác vì giao thông thuận lợi, có bề dày lịch sử và quy mô hoạt động lớn. Chợ hình thành từ năm 1915 ở Ngã Bảy Phụng Hiệp, trung tâm đầu mối giao thông đường thủy lớn nhất trong vùng. Lúc bấy giờ, “ngôi sao Phụng Hiệp” như cách gọi của người Pháp, đã tấp nập ghe thuyền, mỗi ngày hơn 300 chiếc nhộn nhịp. Các làng nghề đóng ghe thuyền được hình thành cùng với chợ nổi ở các đầu “doi” Tân Thới Hòa, Chành, Cát, dài hơn 1km với hàng trăm hộ. Thời hưng thịnh, có ngày gần cả ngàn ghe thuyền về Ngã Bảy họp chợ, như một cửa hàng bách hóa tổng hợp khổng lồ, sống động, có thể mua sỉ, bán lẻ, cực kỳ đa dạng, từ hàng hóa đến màu sắc, từ âm thanh đến không gian đều đậm đặc chất Nam Bộ. Sản phẩm của vùng đất Chín Rồng theo con nước về Ngã Bảy, không chỉ tỏa ra khắp đất nước mà còn vượt biên giới đến với bạn bè năm châu.
Từ sớm tinh mơ, hàng trăm ghe thuyền của bà con nông dân khắp vùng đã rộn ràng họp chợ. Tiếng máy nổ, tiếng sóng vỗ, tiếng chèo khua, tiếng gọi nhau í ới… tạo nên một vùng âm thanh hối hả. Khác với chợ trên bờ, chợ giữa sông đi bằng thuyền, cả người mua lẫn người bán luôn di chuyển. Chợ nổi không dùng các bảng hiệu quảng cáo. Trước mỗi “sạp thuyền” có dựng một cây sào cao buộc những thứ cần bán. Từ xa, khách cứ định vị mà cho thuyền mua cặp thuyền bán. Dân gian gọi cây sào đó là “bẹo”. Chỉ cần nhìn bẹo là biết thuyền bán gì.
Hàng hóa ở chợ nổi rất phong phú. Trên bờ có gì, dưới sông có nấy, trừ vài mặt hàng tối kỵ, không thể treo lên bẹo. Từ cây kim, sợi chỉ đến đồ gia dụng. Từ rau quả đến thực phẩm và rất nhiều trái cây. Có loại bán ký, có loại bán mớ, bán chục. Gọi là chục nhưng nhiều thứ dao động từ 12 - 18. Thuyền bè san sát, đi lại như mắc cửi nhưng không hề ùn tắc, va quẹt. Nhiều cô xinh xắn mà chẳng cần son phấn, cứ tự nhiên mà quyến rũ. Mấy chàng lần đầu đi chợ nổi, cứ lớ ngớ, mải mê ngắm nhìn người đẹp, suýt rơi xuống sông.
Tôi khoái đi chợ nổi, trước hết là để ngắm nhìn. Đủ thứ trái cây về họp mặt. Đủ hương vị và màu sắc, mới nhìn đã thấy ngon. Ngoài việc mua về dùng thì điểm tâm trên chợ nổi cũng rất thú vị. Giữa không khí trong lành, bạn nên thử thưởng thức mấy món ngon dân dã, bình dân mà lạ miệng: bánh canh ngọt, hủ tíu vườn, bánh bột lọc, bánh xèo quê… đậm đà hương vị.
Tôi đã đi chợ nổi ở mấy nước, thấy chẳng đâu bằng chợ nổi Việt Nam. Chợ nổi Thái Lan chỉ để phục vụ du khách, kênh rạch nhân tạo, tráng xi măng nên chẳng có hồn, nhưng cách họ làm du lịch thì rất chuyên nghiệp. Jacques Yves Cousteau, thuyền trưởng tàu Calypso đã từng đến làm phim tài liệu về chợ nổi Phụng Hiệp. Ông đã dùng thủy phi cơ và 4 ca nô cao tốc chuyên dụng để có được những thước phim ấn tượng, phát sóng trên 100 đài truyền hình các quốc gia, làm ngạc nhiên hàng trăm triệu người xem. Ông kết luận: “Đây là khu chợ nổi độc đáo của thế giới, phải được giữ gìn và phát huy. Đó là một thương trường lộ thiên kỳ diệu, là sự bùng nổ của sắc màu, âm thanh, hương vị thiên nhiên mang đậm sắc thái Việt”. Còn một nhà văn hóa Australia thì nhận xét: “Thật kỳ ảo. Giữa mênh mông trời nước, hàng trăm chiếc thuyền nhấp nhô, tụ về một mối. Chợ này đẹp và sôi động, sung túc hơn nhiều so với các chợ nổi Thái Lan...”
Ngành giao thông vận tải và chính quyên địa phương đã từng di dời chợ nổi Phụng Hiệp để làm thông thoáng giao thông đường thủy lên Ba Ngàn, cách Ngã Bảy 3km, nơi chỉ có một nhánh chính của sông Kế Sách. Giới thương hồ và nông dân không mặn mà với chợ mới, còn du khách thì thất vọng. Đến đầu năm 2007, chợ nổi Ngã Bảy sau 3 năm đã “châu về hợp phố”, nhưng hiện nay vẫn chưa thể trở lại như thời hoàng kim. Đây là một bài học đắt giá cho kiểu quản lý “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, các cấp.
Nguyễn Văn Mỹ
(Tạp chí Du lịch)