Từ TP. Hồ Chí Minh, sau 45 phút bồng bềnh trên mây, tôi đã đến với đảo. Con đường đèo dẫn vào thị trấn Côn Đảo quanh co và uốn lượn bên sườn núi với những cây hoa rừng đủ màu sắc tạo nên khung cảnh thơ mộng. Ấn tượng đầu tiên khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng là những cây bang cổ thụ nằm trên mọi góc đường, từng dãy phố cũng như trong các hệ thống nhà tù Côn Đảo. Những cây bàng cao lớn, tán lá xum xuê, che rợp cả một vùng bóng mát không chỉ góp phần làm cho không gian trở nên trầm mặc mà còn là nhân chứng sống động cho vùng đất lịch sử này.
Cận cảnh “địa ngục trần gian”
Chuyến hành trình bắt đầu từ dinh Chúa Đảo, nơi chỉ huy của các Chúa đảo và tay sai từ năm 1862 đến trước năm 1975 (hiện nay là Bảo tàng Côn Đảo). Dinh có thiết kế theo lối kiến trúc xưa: nhà tường mái ngói với hành lang, những bậc thềm chạy dọc bên ngoài. Bên trong dinh, sàn nhà vẫn giữ nguyên với những ô gạch đỏ cũ kỹ.
Hệ thống nhà tù Côn Đảo sẽ giúp du khách có cái nhìn rõ nét hơn về nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Mở đầu là Trung tâm cải huấn Phú Hải - trại giam lớn và cổ nhất ở Côn Đảo. Trong nhà tù kiểu Pháp, hai bên khoảng sân rộng là hai dãy hành lang dài dẫn đến các khám, nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng kiên cường và các chiến sĩ yêu nước như Nguyễn Duy Trinh, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế…
“Nổi tiếng” không kém là trại Phú Tường, nơi gắn liền với tên gọi Chuồng Cọp Pháp. Đây là nơi giam cầm và đày ải bao thế hệ chiến sĩ cách mạng, những nhà yêu nước Việt Nam từ thời kháng chiến chống Pháp đến thời chống Mỹ. Chuồng Cọp Pháp được thực dân Pháp xây dựng bí mật từ năm 1940 trong trại Phú Tường với hai lớp cửa cổng. Tù nhân khi được đưa đến đây bị bịt kín mắt và được dẫn đi qua những lối hành lang ngoằn ngoèo để không xác định được phương hướng mà trốn thoát.
Cách Chuồng Cọp Pháp không xa là trại Phú Bình, nhà tù kiểu Mỹ hay còn gọi là Chuồng Cọp Mỹ. Nhìn bề ngoài, tuy trông Chuồng Cọp Mỹ được xây dựng đơn giản hơn Chuồng Cọp Pháp nhưng thực tế nơi đây vô cùng tinh vi. Theo chân thuyết minh viên vào tham quan nơi âm u và tối tăm nhất của nhà tù, du khách sẽ thấy những phòng giam chật hẹp và được rào bởi hai lớp kẽm gai. Qua những chứng tích nơi đây, du khách có thể hình dung và cảm nhận được nỗi thống khổ mà những chiến sĩ cách mạng, nhà yêu nước phải gánh chịu cùng ý chí kiên cường và khao khát tự do, khao khát giành độc lập cho dân tộc.
Vùng đất của những di tích lịch sử
Khi đi du lịch Côn Đảo, du khách ghé thăm nghĩa trang Hàng Dương là nơi hơn 20.000 con người đã ngã xuống để giành độc lập cho dân tộc. Lịch sử trở nên sống động và khắc sâu vào lòng người hơn với những huyền thoại về chị Võ Thị Sáu, về những câu chuyện cảm động của biết bao thế hệ anh hùng đã ngã xuống nơi đất đảo.
Rời nghĩa trang Hàng Dương, từ thị trấn đi về hướng Tây, là con đường nhỏ, cây cối hai bên um tùm. Qua con dốc là cầu Ma Thiên Lãnh, nơi thực dân Pháp đã bắt các tù nhân khuân đá xây dựng từ phía bên này núi sang đến bên kia núi. Tại cây cầu này có đến 356 tù nhân đã ngã xuống mà chỉ xây được hai trụ cầu. Ngày nay, người dân Côn Đảo đã xây bia tưởng niệm và hương khói để tưởng nhớ những người đã hy sinh.
Miếu bà Phi Yến - ngôi miếu được xếp hạng di tích của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lịch sử ghi lại rằng muốn đánh bại nghĩa quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh tính chuyện cầu viện quân Pháp và định gửi hoàng tử Cải sang làm con tin. Thứ phi Hoàng Phi Yến đã khuyên ngăn chúa. Vì lời khuyên này, nhà chúa cho rằng thứ phi thông đồng với quân Tây Sơn nên tức giận hạ lệnh tống giam bà trong một hang đá trên hòn Côn Lôn nhỏ (nay gọi là Hòn Bà). Bà ra đi trên đất đảo trong một dịp lễ đàn chay và để giữ tiết hạnh với chúa Nguyễn Ánh. Có thể nói An Sơn miếu là một trong rất ít di sản văn hóa dân gian còn tồn tại đến ngày nay ở Côn Đảo. Bà Phi Yến cùng với liệt sĩ Võ Thị Sáu là hai người được dân địa phương tôn sùng như bậc thánh nữ linh thiêng.
Ngày nay Côn Đảo đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách trong và ngoài nước bởi những di tích lịch sử và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.
Phan Ngọc Hạnh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)