Tổng cục Du lịch và Thời báo kinh tế Việt Nam vừa phối hợp tổ chức hội thảo “Thiên nhiên - nguồn tài nguyên du lịch” (trọng tâm là Phát triển Du lịch biển bền vững tại Việt Nam) ở TP. Nha Trang - Khánh Hòa với sự tài trợ về kỹ thuật của Công ty Hòa Nhan PR và Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD).
Tham gia hội thảo gồm hơn 100 đại biểu là đại diện Bộ Văn hóa - Thông tin, Tổng cục Du lịch, Viện Kinh tế Quy hoạch Thủy sản, UBND tỉnh Khánh Hòa, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các công ty du lịch, các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này.
 |
Rừng ngập mặn Cần Giờ |
Ảnh: Văn Phương |
Thiên nhiên đã ưu đãi cho Việt Nam một nguồn tài nguyên biển giàu tiềm năng với nhiều bãi biển đẹp, nhiều vịnh, đảo và dải san hô trù phú. Vì thế, du lịch biển luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Những năm gần đây, Việt Nam được rất nhiều du khách quốc tế lựa chọn là điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng. Trong tổng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thì du khách đến các bãi biển chiếm phần đáng kể. Đó là lý do khiến du lịch biển chiếm 70% doanh thu toàn Ngành. Nhiều dự án, công trình phục vụ du lịch dọc các bờ biển không ngừng được nâng cấp và xây mới. Du lịch biển đã giải quyết việc làm và nâng cao mức sống cho nhiều lao động tại các địa phương.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc khai thác du lịch biển vẫn chưa được thực hiện một cách đúng hướng và đúng mức. Thay vì tận dụng lợi thế tự nhiên trong quá trình đầu tư du lịch, chúng ta đã lặp lại sai lầm tại châu âu nhiều năm trước, đó là đầu tư du lịch bằng công nghệ dưới các hình thức, casino, bar… Hậu quả là các giá trị tự nhiên đang ngày càng bị suy giảm, riêng biển Việt Nam đang bị đục hóa và ô nhiễm, các rạn san hô bị gãy nát, sinh vật biển chết nhiều, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Theo kết quả nghiên cứu khảo sát của các nhà khoa học, 80% tài sản vô giá của biển Việt Nam như hệ sinh thái thảm cỏ biển, rạn san hô… đang nằm trong tình trạng rủi ro và 50% trong số đó được cảnh báo là rủi ro cao, khó khắc phục. Dưới sức ép của các hoạt động du lịch, Việt Nam đang dần đánh mất hệ sinh thái ngập mặn đặc trưng hiếm có trên thế giới, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái biển. Hiện cả nước chỉ còn khoảng 155.290ha diện tích rừng ngập mặn, giảm 100.000ha so với trước năm 1990…
Ngoài mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển du lịch biển, hội thảo còn tập trung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững. Các chuyên gia, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đưa ra cảnh báo liên quan đến các vấn đề ô nhiễm môi trường; chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ môi trường gắn liền với phát triển du lịch bền vững và tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch. Bà Hồ Thị Yến Thu, Phó Giám đốc MCD khẳng định: Mối liên hệ giữa công tác bảo vệ môi trường biển và phát triển du lịch là không thể phủ nhận. Các bên liên quan cần cùng nhau chia sẻ quan điểm, góp phần đưa ra những hướng giải quyết tổng thể cho công tác quản lý du lịch biển của Việt Nam trong tương lai. Giáo sư Ernst Sagemueller, giảng viên trường du lịch Europe - Indochina Institute of Tourism (EIT) cho rằng: Việc định nghĩa Du lịch Việt Nam là một ngành công nghiệp du lịch là sai lầm đầu tiên và cơ bản, khiến tài nguyên Việt Nam phải chịu ảnh hưởng. Du lịch không bao giờ là một loại hàng hóa. Nó là sự tương tác giữa người và người, giữa người và thiên nhiên.
Ngành Du lịch đặt mục tiêu đến năm 2010 du khách đến Việt Nam sẽ tăng lên 7 - 7,5 triệu lượt khách. Như vậy, ngành Du lịch phải tăng cường công tác bảo tồn, phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên theo hướng bền vững; không ngừng nâng cao nhận thức cho cộng đồng; đặc biệt, cần xác định đối tượng khách du lịch chất lượng để vừa bảo vệ môi trường vừa đảm bảo nguồn thu - đó là những người biết trân trọng các giá trị văn hóa và thiên nhiên, sẵn sàng chi tiền để thưởng thức giá trị đích thực của thiên nhiên…
PT