Những con đường ở xứ Triệu Voi
Cả đoàn hăm hở lên đường, chọn hành trình có vẻ “quý tộc” nhất: bay ra Huế, qua cửa khẩu Lao Bảo, đến Vientiane. Anh Bin, hướng dẫn viên kiêm lái xe, đã vượt qua dặm đường dài từ Vientiane đến Huế từ ngày hôm trước, tươi cười đứng đón từ sáng tinh mơ tại sân bay Phú Bài. Anh vui vẻ nhận lời khi chúng tôi đề nghị ghé nghĩa trang Trường Sơn, “đi loanh quanh” ở những địa danh lịch sử như Khe Sanh, cầu Dakrong… Người bạn Lào đầu tiên đã để lại ấn tượng tốt đẹp về sự chân tình tới tận tụy, với nét cởi mở đặc biệt. Anh nói tiếng Việt chưa thật sõi, nhưng cũng đủ “gây không khí” cho cả đoàn, và tạo cho chúng tôi cảm giác an tâm, gần gũi, mặc dù anh đã mất hơn nửa ngày ngoài kế hoạch cho đoàn khách “lắm chuyện” này.
Làm xong thủ tục ở Lao Bảo đã 3 giờ chiều. Anh dọa: “Từ đây đến Vientiane gần 700 cây số, đi không biết chừng nào tới”.
Đoạn đường Lao Bảo – Vientiane phẳng phiu, đẹp như mơ, hầu như vắng xe qua lại. Hoàng hôn trên đường thiên lý thật cô liêu, đủ làm chạnh lòng những lữ khách hăm hở.
Cả chặng đường chúng tôi đã vượt qua hàng ngàn cây số đường đèo dốc “đặc trưng” của vùng Thượng Lào. Những con đường cứ chạy vòng quanh, uốn lượn ngoạn mục trên những đỉnh núi chập chùng, cao ngất, với những khúc quanh cực kỳ “ấn tượng”, làm nghiêng ngả những người chưa hề biết say xe.
Ngày nào cũng vậy, từ sáng tinh mơ đến tận chiều tà, phải vượt vài trăm cây số đường, đâm ra thân quen với những thị trấn buồn hiu, những bản làng heo hút, những người dân Lào mộc mạc.
Đoàn đi qua những cánh đồng dã quỳ vàng rực đến miên man. Dã quỳ ở nơi này nhờ thừa nắng, thừa gió lạnh, thừa cả bầu trời phóng khoáng, hoang sơ nên cứ vươn tỏa, rung rinh, nhún nhảy từ sườn núi tới tận mặt đường. Chúng tôi dù mệt mỏi nhưng vẫn cứ bừng tỉnh khi thấy dã quỳ nghiêng ngó qua ô cửa xe. Bức tranh Thượng Lào nhờ vậy vẫn tươi tắn và phiêu bồng lắm.
Đã đi qua Savanakhet, ngã tư Sano, ngã ba Phu Khuon…
Từ Luang Prabang, chúng tôi đổ 400 cây số về Xiêng Khoảng. Nói là “đổ” vì toàn đường xuống dốc núi. Bác tài Bin chạy cứ như làm xiếc trên những con đèo. Tôi thực sự “tâm phục” vì trên suốt cả ngàn cây số đường hiểm trở, thỉnh thoảng lại nhìn thấy những du khách phương Tây, khi là một người trung niên, lúc lại một cô gái trẻ măng trên những chiếc xe đạp lẻ loi, leo dốc, dổ dốc… Họ đã băng qua núi rừng Thượng Lào bằng chính đôi chân của mình. Mới biết vùng đất này đâu có buồn tẻ. Nó đã mời gọi được những người biết đi du lịch nhất.
Cánh đồng chum
Phonsavan, tỉnh lỵ của tỉnh Xiêng Khoảng vào giữa trưa.
Xiêng Khoảng là một bình nguyên ở độ cao vừa đủ như Đà Lạt, nhưng nằm ở vĩ độ ngang ngang với Thanh Hóa, trời nắng nhưng lạnh mát co ro. Phonsavan có dáng vẻ một thị xã dã chiến, không khí cuộc sống tương tự như cao nguyên Ban Mê của ta một thời chưa xa.
Cánh đồng chum, cách thị xã Phonsavan chỉ hơn 10 cây số. Nơi đây từng là cái rốn lửa đạn, cái chảo lửa của cuộc chiến tranh Đông Dương. Nhưng khi nói về Cánh đồng chum, người ta không băn khoăn tính toán xem có bao nhiêu bom đạn đã trút xuống nơi đây, dù bây giờ việc đi lại ở những bãi chum chưa tuyệt đối an toàn, đó đây có thể vẫn còn bom hay mìn chưa nổ.
Cánh đồng chum nổi tiếng vì thành tích chịu bom đạn, và nguồn gốc bí ẩn của chúng.
Có hơn 700 cái chum, cái còn nguyên vẹn, cái chỉ còn một mẩu hoặc một đống đá vụn, nằm rải rác ở 50 khu vực khác nhau, luôn là thách thức cho giới khảo cổ học. Người ta đã mất bao nhiêu công sức nhằm lý giải sự ra đời của những cái chum khổng lồ này. Có nhiều giả thiết dựa theo truyền thuyết hoặc những suy đoán chủ quan, rằng những cái chum này là một loại mộ táng – vì người ta tìm thấy hài cốt trong vài chum; rằng đây là những cái chum ủ rượu – vì vùng này ngày xưa từng là nơi sản xuất rượu; lại có ý cho rằng đây là những vật mừng chiến thắng của một bộ tộc nào đó từng sống ở đây...
Ở khu vực 1, là khu lớn nhất và đông khách tham quan nhất, nơi dấu tích chiến tranh còn rất rõ. Ngay từ lối vào đã thấy một dãy vỏ bom được trưng bày, đi vào trong phải theo những đường đã được cắm biển chỉ dẫn vì nơi đây vẫn đang trong quá trình rà phá bom mìn còn sót lại..
Khu 3, cách khu 1 chừng 20 cây số đường cực xấu, lại là khu cánh đồng chum đẹp nhất, như một món quà cho những du khách “tọc mạch”, bởi rất ít người chịu lần mò ra tận nơi hẻo lánh ấy.
Vụ đứt dây couroa xe làm chúng tôi trở thành khách quý trong một bản Lào. Ánh lửa leo lét tranh tối tranh sáng được đốt lên. Khi nói chuyện với họ, chúng tôi mới thấy mọi lý giải, mọi băn khoăn thắc mắc về tác dụng của những cái chum, về cách thức người xưa mang những tảng đá khổng lồ ấy đến nới đây… đều chẳng có ý nghĩa gì. Họ không bao giờ tự hỏi hay sáng tác ra những câu chuyện cổ để giải thích nguồn gốc những cái chum. Với họ, những cái chum ấy đã từng ở đó và sẽ mãi mãi ở đó, từ đời ông cha họ sinh ra đã có, con cháu họ sau này cũng vẫn sẽ sống cùng chúng. Vậy thôi!
Tôi nhớ mãi buổi “Chiều vàng”* trước khi lạc vào bản...
“Riêng mình ta ngồi ngắm quanh trời, lạnh lùng nghe tiếng chim chiều gọi đàn...”
Gió lồng lộng tung hoành trên cánh đồng tít tắp, trống trải. Những chiếc chum lặng lẽ giữa trời, phơi mình cùng nắng gió, sương sa, mưa bão, đã bao nhiêu thời gian?
Bom đạn, những đoàn quân, kẻ thù và bè bạn nào đã từng ghé qua đây?
Cánh đồng vẫn quạnh hiu và câm lặng.
Đó là hoàng hôn cuối cùng ở đất Lào .
Riêng tôi khi trở về, sự cô liêu, bồng bềnh còn theo mãi. Không dễ gì có được cảm giác đặc biệt về một vùng đất như vậy. Vẫn còn như thấy mình chưa hiểu, chưa khám phá được gì hết. Vẫn còn thấy đất Lào, dù còn trắc trở, nhưng vẫn đáng đến, vẫn mời gọi khôn nguôi…
Còn mấy chú làm phim trong đoàn cứ thắc mắc: “Đi suốt chục ngày, băng núi băng rừng các kiểu mà không thấy một con voi thiệt nào, xứ nầy kiếm đâu ra đến một triệu voi?”
* “Chiều vàng”, ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh
Thiên Du
(Tạp chí Du lịch)