Bỏ vài đồng xu vào máy bán vé tự động, thiên đường của sự thuận tiện mở ra: Seoul có hệ thống xe điện ngầm vươn tay bao phủ khắp thành phố. Chúng tôi có thể đến rất nhiều các điểm du lịch bằng xe điện ngầm, với giá vừa với túi tiền của những kẻ mê du lịch bụi.
Sau khi nhận phòng khách sạn, tôi thử vận may bằng cách hỏi lễ tân thông tin về các điểm du lịch ở Seoul, và ngỡ ngàng khi được trao tay một xếp tài liệu được in ấn rất đẹp, trong đó có quyển sách “Seoul Best 100” (100 điểm du lịch thú vị nhất của Seoul) dày 122 trang cùng thật nhiều ảnh và thông tin bổ ích. “Chị không phải trả tiền, miễn phí cho khách du lịch,” cô lễ tân vui vẻ nói với tôi, khoe hàm răng sáng trưng như ngọc.
Rời khách sạn, chúng tôi bước chân vào không khí giáng sinh đang ngập khắp nẻo đường. Màu đỏ, xanh, ánh sáng lấp lánh đầy ắp các đường phố và cửa hiệu. Một đoàn đông những tín đồ công giáo đang đội mũ giáng sinh, cầm bong bóng bay xanh mướt và đỏ rực trên tay diễu hành qua phố. “Giáng sinh vui vẻ và năm mới hạnh phúc nhé!”, họ reo lên với tôi bằng tiếng Anh khi bắt gặp ống kính máy ảnh của tôi. Tôi mang theo nụ cười của họ len lỏi trong đoàn người hướng về trung tâm thành phố.
Tôi cược rằng ít ở nơi đâu, phụ nữ đẹp và chịu khó làm đẹp như ở Seoul. Cụ thể là trên chuyến xe buýt mà tôi vừa bước xuống, có gần 20 phụ nữ đủ mọi lứa tuổi. Họ làm tôi cồn cào ghen tị vì tất cả đều có làn da trắng, mịn hồng, tất cả (kể cả hai người phụ nữ tầm 70 tuổi) đều trang điểm, kẻ mắt, thoa son môn, đánh má hồng, điệu đà trong những bộ quần áo tươm tất. Khi xuống phố, trong khi tôi co ro với quần jean dày cộp, tất len cao và ủng kéo đến tận đầu gối, lướt qua tôi vẫn là các cô gái trẻ ăn mặc phong phanh, váy ngắn đùi để trần hoặc chỉ khoác lên một lớp tất mỏng manh.
Đang ngắm nhìn dòng người nhộn nhịp, tôi vấp phải một tiếng chào thân thiện. Một cánh cửa mở ra, mời gọi chúng tôi bước vào sự ấm áp của một quán ăn nhỏ, la liệt những chén bát nghi ngút khói. Một cô gái trẻ đang xì xụp món súp kim chi, từ một chiếc bát trắng to như…một chiếc thau. Cạnh đó, những người đàn ông quây quần cùng những cốc rượu Soju bốc khói trên tay. Chúng tôi gọi món ăn nổi tiếng thông dụng là bibimbap (cơm trộn với rau và thịt bò), mì kim chi, samgyetang (gà hầm sâm), naengmyeon (mì kiều mạch ăn cùng súp lạnh).
Ở một góc quán, những người phụ nữ đang thoăn thoắt chuẩn bị thức ăn cạnh những chiếc nồi to sôi sùng sục, nghi ngút khói. Trước mặt tôi là những bát to đựng kim chi đỏ lựng ớt, thả sức ăn.
Rời quán ăn, tôi đến với khu chợ nổi tiếng Namdaemun, chỉ cách ga điện ngầm Hoehyoen vài bước chân và cách trung tâm thành phố khoảng 15 phút đi bộ. Cũng như chợ Đồng Xuân, khu chợ này là thiên đường mua sắm của hàng nghìn loại sản phẩm, từ thượng vàng đến hạ cám. Theo thông tin của quyển “100 điểm du lịch thú vị nhất của Seoul” mà tôi đang cầm trên tay và xem là bửu bối, có khoảng nửa triệu người đến đây mua sắm mỗi ngày, và trong toàn bộ khách du lịch quốc tế đến Seoul mỗi ngày, 50% sẽ có mặt ở khu chợ Namdaemun để ăn, mua sắm và ngắm nhìn.
Đến Seoul tôi say mê và thỏa thích ăn bằng miệng, và cả bằng mắt. Seoul có một bề dày lịch sử đáng nể và có đến 5 cung điện hoàng gia tuyệt đẹp mà chỉ kể tên thôi cũng líu cả lưỡi: Gyeongbokgung, Changdeokgung, Deoksugung, Changgyeonggung, và Gyeonghuigung. Thật may là ngày mà tôi dành trọn cho việc đi thăm những cung điện này, trời đã vén màn mây xám và đổ tràn nắng lung linh lên mặt đất. Tuyết lấp lánh, xào xạc dưới chân tôi khi tôi đứng ngẩn ngơ trước những kiến trúc uy nghi vạm vỡ - những chiếc cột đỏ lựng, những vách tường xanh miên man với những nét trạm trổ tinh xảo, và những mái vòm cong cong mê hoặc. Tôi thảng thốt nhận ra sự tương đồng kiến trúc của những toà cung điện nơi đây với kiến trúc ở một đất nước xa lắc xa lơ nằm vắt mình trên rặng Himalaya có tên gọi là Bhutan. Nhưng khác với Bhutan, ở nơi đây xao xác những rặng tùng cổ thụ, làm nhân chứng cho biết bao thăng trầm của Hàn Quốc. Tôi chùng lòng khi biết được những kiến trúc mình đang chiêm ngưỡng chỉ là bản sao của kiến trúc nguyên thủy: khi xâm lược Hàn Quốc từ năm 1592 đến 1598 quân đội Nhật đã đốt cháy và phá hủy tất cả các đền đài, chùa chiền, cung điện ở Hàn Quốc. Vì thế, khác với các kiến trúc ở Hà Nội, Huế hoặc Hội An, tôi không tìm thấy nét rêu phong nào còn lưu dấu trên những tòa nhà sừng sững uy nghi ở những cung điện xứ Hàn. Tất cả đã được xây mới vào khoảng đầu thế kỷ 19 và im lìm một nỗi đau vô hạn.
Tuy vậy, những cung điện ở Seoul vẫn đẹp một cách nao lòng. Trái tim tôi lạc nhịp khi nhìn thấy bóng của quá khứ đang in khe khẽ trên những mặt hồ đóng băng nhưng vẫn còn lấp loáng nước. Một cặp tình nhân đứng lặng lẽ ở một góc vườn, chụm đầu vào nhau, như đang thì thầm lời nguyện ước trăm năm…
Nhưng lòng tôi rộn ràng trở lại khi dạo quanh những khu phố nhỏ khá xa trung tâm, cạnh khách sạn của tôi. Ở đây, nhịp sống bình yên và lặng lẽ hơn nhiều so với trung tâm thành phố. Những cửa hàng ắp người nhộn nhịp mua sắm cho giáng sinh và năm mới. Có đủ loại quán rượu, những tiệm tạp hoá nhỏ xinh, bán những hình tam giác cơm gói với rong biển và kim chi, ngon mê mẩn. Ở đây có cơ man những loại cơm hộp ngon mắt và ngon miệng, gồm cơm và hàng chục loại kim chi, thịt, cá và rau xếp ngay ngắn trong một chiếc hộp, giá chỉ khoảng 60.000 đồng Việt Nam.
Tôi sẽ không thể rời Hàn Quốc mà không đem theo kem trang điểm từ thảo mộc, thứ kem trông như một loại thuốc màu nhiệm khiến làn da có thể hồng và mịn như những người phụ nữ Hàn. Tôi bàng hoàng sắp khóc khi để hai lọ kem trong túi xách tay và bị giữ lại tại sân bay theo quy định. Chính lúc đó, người cán bộ an ninh ấy – một phụ nữ xinh đẹp – bảo tôi hãy chờ, rồi cô nhấc điện thoại lên, nói liếng thoắng. Cô cầm thẻ lên máy bay của tôi, rồi ghi những dòng chữ Hàn Quốc mà tôi không thể đọc trên đó. Trao nó cho tôi, rồi cô nói với một nụ cười sáng trưng như ngọc “Chị có thể đem những lọ kem này theo, nhưng phải gửi cho nhân viên hãng hàng không trước khi lên máy bay”. Đã rất nhiều lần phải để đồ trang điểm tại các sân bay vì lý do an ninh, tôi không thể tin vào tai mình. Vâng, ở đây là Hàn Quốc, nơi sự diệu kỳ có thể xảy ra.
Và cạnh bàn viết của tôi, giờ đây là ba quả thông hình chóp xinh đẹp mà tôi đã nhặt trên mặt tuyết trắng như mơ tại cung điện Deoksungung. Chúng vẫn tỏa hương thơm thoang thoảng, nhắc tôi về bao kỷ niệm ở xứ sở kim chi.
Nguyễn Phan Quế Mai
(Tạp chí Du lịch)