Chat với người làm du lịch số tháng 6 năm 2014
Chat với người làm du lịch số tháng 6 năm 2014
Thứ hai, 18/08/2014 | 16:07 GMT+7 Phụ trách trả lời câu hỏi kỳ này: PGS.TS Phạm Trung Lương
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch
Mọi câu hỏi thắc mắc của bạn xin gửi về địa chỉ email: tcdlvn@gmail.com
Phụ trách trả lời câu hỏi kỳ này: PGS.TS Phạm Trung Lương
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch
Mọi câu hỏi thắc mắc của bạn xin gửi về địa chỉ email: tcdlvn@gmail.com
(Ngọc Anh - Hưng Yên): Du lịch là ngành chịu nhiều tác động từ điều kiện môi trường tự nhiên, ông có thể cho biết du lịch biển Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào do biến đổi khí hậu?
Biến đổi khí hậu (BĐKH) mà biểu hiện là hiện tượng nóng lên toàn cầu đã được phát hiện từ nửa cuối thế kỷ 20 và được khẳng định dần qua các kết quả nghiên cứu của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp quốc từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước đến nay. Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB) đã chỉ ra khu vực Đông Nam Á, đứng đầu là Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, đặc biệt là hiện tượng mực nước biển dâng, theo đó 5,2% diện tích tự nhiên với 10,8% dân số sẽ bị tác động với mực nước biển dâng 1m; và con số tương ứng trong trường hợp mực nước biển dâng 5m sẽ là 16% và 35%.
Du lịch là ngành kinh tế nhạy cảm với các điều kiện môi trường tự nhiên vì vậy được xem là một trong những ngành chịu ảnh hưởng dưới tác động của BĐKH, trong đó có 3 nhóm đối tượng chủ yếu bị ảnh hưởng là: tài nguyên du lịch; hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; hoạt động lữ hành.
Kết quả điều tra nghiên cứu sơ bộ tác động của BĐKH và nước biển dâng đến các khu, điểm du lịch; cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cho thấy đã có những tác động rõ rệt ở các mức độ khác nhau. Ví dụ điển hình về tác động này là sự “ra đi” của khu du lịch Khai Long (Cà Mau) trong vòng 5 năm sau ngày khai trương vào năm 2005 và ảnh hưởng nặng nề của khu du lịch Ana Mandara - Huế bởi xói lở bờ biển do nước biển dâng. Nhiều chương trình du lịch đã bị hủy hoặc thay đổi do ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là những cơn bão mạnh đổ bộ vào Việt Nam, gây thiệt hại rất lớn đến hoạt động du lịch ở Việt Nam.
(Trần Văn Đức – TP. Huế): Ông có thể cho biết về kế hoạch ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu của ngành Du lịch?
Thời gian qua, ngành Du lịch đã triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2009 - 2015 gồm những nội dung chủ yếu: Đánh giá tác động của BĐKH, nước biển dâng đến hoạt động phát triển du lịch ở Việt Nam; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia của ngành du lịch và các địa phương, cộng đồng vào hoạt động ứng phó với BĐKH, NBD; Đánh giá về năng lực ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực du lịch; Lồng ghép các vấn đề về BĐKH, nước biển dâng vào Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020; Xác định các giải pháp ứng phó với BĐKH và nước biển dâng đối với lĩnh vực du lịch; Thực hiện dự án thí điểm ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực du lịch; Cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của ngành Du lịch. Trong thời gian tới, Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện kế hoạch này, để du lịch phát triển bền vững, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
(Nguyễn Thanh Minh - Hà Nội): Theo ông nhận thấy hiện nay Việt Nam đang ở giai đoạn nào trên con đường phát triển bền vững?
Vấn đề phát triển du lịch bền vững đã được ngành quan tâm chỉ đạo từ những năm 2000 cùng với việc thực hiện đề tài khoa học cấp nhà nước ”Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam”, tiếp sau đó là những đề tài, đề án về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch. Kết quả tiêu biểu của nỗ lực phát triển du lịch bền vững là việc ban hành Quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch; tiêu chuẩn ”Nhãn Bông Sen xanh” trong lĩnh vực lưu trú... Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những kết quả đơn lẻ. Để đạt được mục tiêu phát triển du lịch bền vững, còn rất nhiều việc cần phải làm để làm sao kinh doanh du lịch hiệu quả hơn qua việc kéo dài thời gian lưu trú trung bình, tăng chi tiêu trung bình của khách khi đi du lịch ở Việt Nam; hạn chế tác động của du lịch đến tài nguyên, môi trường; tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động dịch vụ du lịch.
(Ngọc Hà – Hải Phòng): Nếu được gửi một thông điệp đến du khách về việc bảo vệ môi trường trong du lịch, ông sẽ nói điều gì?
Thông điệp tôi muốn gửi đến du khách là: ”Bảo vệ môi trường nơi bạn đến du lịch chính là bạn đang bảo vệ quyền lợi của chính bạn”.