Phụ trách trả lời câu hỏi kỳ này: Bà Đỗ Thị Hồng Xoan – Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam và Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam
Mọi câu hỏi thắc mắc của bạn xin gửi về địa chỉ email: tcdlvn@gmail.com
Bà Đỗ Thị Hồng Xoan – Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam. Mọi câu hỏi thắc mắc của bạn xin gửi về địa chỉ email:
tcdlvn@gmail.com (Hà Linh - TP. Hồ Chí Minh): Bà đã từng là Vụ trưởng Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch, và bây giờ là Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, vậy bà có nhận xét gì trước sự đổi thay của khách sạn Việt Nam trong những năm gần đây? Cùng với sự phát triển của ngành Du lịch, số lượng các cơ sở lưu trú cũng không ngừng gia tăng. Nếu như năm 1990 mới chỉ có 350 cơ sở lưu trú với khoảng 16.000 buồng thì đến nay cả nước đã có 13.900 cơ sở lưu trú với khoảng 285.000 buồng. Hình thức các cơ sở lưu trú cũng phong phú, đa dạng, hấp dẫn hơn.
Ngành Du lịch Việt Nam tham gia WTO từ 1981, đây là một mốc quan trọng trong quá trình phát triển và hội nhập với thế giới, khu vực. Các tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn của Việt Nam vừa phù hợp với quốc tế, vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của Việt Nam. Đặc biệt, sự có mặt của các Tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng trên thế giới tại Việt Nam như: Accor, Starwood, IHG, Marriott... đã góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng phục vụ, tay nghề và ngoại ngữ của đội ngũ lao động đang làm việc trong hệ thống khách sạn Việt Nam. Có thể nói đây là một nhân tố tích cực làm thay đổi diện mạo của ngành Khách sạn Việt Nam.
Hiện nay, ngành Khách sạn Việt Nam đang phát triển theo xu hướng xanh bền vững, thân thiện với môi trường. Và đây cũng là mục tiêu phấn đấu để các khách sạn Việt Nam thực hiện theo tiêu chí nhãn du lịch bền vững “Bông sen xanh”.
(Nguyễn Văn Bình - Hà Nội): Gia đình bạn tôi ở nước ngoài muốn đi du lịch dài ngày ở Việt Nam, bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm để lựa chọn khách sạn ở Việt Nam?Đối với lĩnh vực du lịch và khách sạn thì Internet chính là kênh thông tin hữu hiệu và nhanh chóng nhất. Các website chính thống của Ngành luôn có đầy đủ thông tin đáp ứng nhu cầu của bạn, như trang tin của Hiệp hội Khách sạn Việt Nam
www.vietnamhotel.org.vn hoặc trang thông tin của Tổng cục Du lịch:
www.vietnamtourism.com.
Sau khi lựa chọn được khách sạn vừa ý bạn nên gọi điện thoại đến khách sạn để hỏi thêm các thông tin cần thiết và đặt phòng.
(Eileen - Singapore): Có ý kiến cho rằng chi phí khách sạn ở Việt Nam cao hơn một số nước khác trong khu vực, bà nghĩ thế nào về điều này? Cảm ơn bạn về câu hỏi này. Đây là một câu hỏi rất hay và thú vị. Trước tiên tôi có thể khẳng định với bạn là chi phí khách sạn tại Việt Nam rẻ hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực như: Singapore, Hongkong, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc... Bạn hoàn toàn có thể kiểm chứng vấn đề này qua mạng internet.
(Hải Sơn - Ninh Bình): Sắp tới cháu có dự định du lịch khám phá các tỉnh vùng cao, biên giới, liệu việc lựa chọn khách sạn lưu trú ở các vùng biên giới có khó khăn gì hay không?Hiện nay ở các khu vực vùng biên giới việc lựa chọn một khách sạn rất dễ dàng. Theo số liệu thống kê của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương, cơ sở lưu trú du lịch có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách.
(Trần Quyên – Đà Lạt): Tôi được biết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch có hiệu lực trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, theo bà việc chuyển dịch lao động du lịch trong khối ASEAN sẽ có tác động như thế nào đối với hệ thống khách sạn Việt Nam?Theo tôi đây là vấn đề rất quan trọng đối với các nước trong khối ASEAN. Việc thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA -TP) sẽ chính thức có hiệu lực trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, trong đó có Việt Nam. Thỏa thuận MRA - TP cho phép dịch chuyển du lịch thuộc khối ASEAN, theo đó một người lao động tại Việt Nam có thể làm việc tại các nước thành viên ASEAN khác. Việt Nam cũng có thể thu hút được các lao động có trình độ để đáp ứng được các vị trí đòi hỏi trình độ cao mà đang bị thiếu hụt nhân lực. Điều này sẽ tạo ra một động lực cạnh tranh rất có lợi cho sự phát triển của ngành Khách sạn. Việc trau dồi, chia sẻ những kỹ năng nghề, đặc biệt là ngoại ngữ sẽ mang lại những cơ hội lớn cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Tuy nhiên nó sẽ là tiêu cực nếu như chúng ta không kịp thích ứng và sẽ là rủi ro rất lớn cho người lao động nếu họ không biết chú ý nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân như: kỹ năng thực hành nghề, vốn hiểu biết và nhất là ngoại ngữ. Vấn đề ngoại ngữ cũng trở nên hết sức cấp thiết, nhất là tới năm 2015, Thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực ngành Du lịch giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á được triển khai. Không có kinh nghiệm làm việc, vốn ngoại ngữ ít ỏi cùng các kỹ năng còn yếu, các bạn trẻ thường gặp phải khá nhiều khó khăn trong quá trình tìm công việc phù hợp. Một lượng không nhỏ sinh viên còn thất nghiệp trong thời gian dài, hay phải chấp nhận làm công việc trái ngành nghề mình đã theo học suốt nhiều năm.
Do đó ngay từ bây giờ chúng tôi đang có những hoạt động tích cực để đáp ứng yêu cầu này mà trọng tâm là vấn đề đào tạo nghề và ngoại ngữ cho nhân lực trong ngành Khách sạn.
Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt NamMọi câu hỏi thắc mắc của bạn xin gửi về địa chỉ email:
tcdlvn@gmail.com(Nguyễn Trần Anh – Đồng Nai): Du lịch có trách nhiệm là hướng đi bền vững của các doanh nghiệp lữ hành hiện nay, quan điểm của ông về vấn đề này?Du lịch có trách nhiệm là xu thế tất yếu của ngành Du lịch toàn cầu. Nếu như trước đây yếu tố kinh tế là mục tiêu hàng đầu của ngành Du lịch thì nay ở nhiều nước việc bảo vệ môi trường tự nhiên và giữ gìn các giá trị nhân văn trong hoạt động du lịch đã được đặt ngang với mục tiêu kinh tế. Nhiều đạo luật du lịch ra đời, quy định chặt chẽ quá trình đầu tư các cơ sở du lịch, khai thác tài nguyên thiên nhiên và giá trị các di sản văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc nhằm bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các yếu tố kinh tế, văn hóa và xã hội trong du lịch.
Lữ hành là một hoạt động quan trọng hàng đầu trong du lịch. Nó kết nối các dịch vụ khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá nghỉ ngơi thưởng thức, di chuyển, mua sắm và các nhu cầu khác của khách du lịch. Lữ hành là lĩnh vực đa dạng, phức tạp và tác động trực tiếp đến môi trường tự nhiên và xã hội. Bởi vậy, phát triển du lịch có trách nhiệm là xu thế tất yếu, là hướng đi bền vững của các hoạt động lữ hành.
(Ngô Thị Tú – Nam Định): Lữ hành được xem là cầu nối giữa du khách và nhà cung cấp dịch vụ, theo ông, thời gian qua, Lữ hành ở Việt Nam đã thực hiện vai trò của mình như thế nào?Lữ hành đúng là cầu nối giữa du khách và nhà cung cấp dịch vụ. Nhưng nói thế chưa đủ. Bản thân ngành Lữ hành cũng trực tiếp cung cấp các dịch vụ cho du khách. Các dịch vụ đưa đón khách, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ hướng dẫn, dịch vụ tham quan, khám phá giải trí, cung cấp thông tin… đều là các hoạt động nghiệp vụ của hoạt động lữ hành. Là cơ quan đón tiếp và phục vụ trực tiếp khách từ khi đón đến khi tiễn họ về nước, chất lượng dịch vụ của các công ty lữ hành là yếu tố cơ bản quyết định thành công của một tour du lịch và là nhân tố chính tạo ra tình cảm của khách với đất nước, con người Việt Nam. Bởi vậy lữ hành luôn được xem là động lực phát triển của ngành Du lịch.
Hoạt động lữ hành ở Việt Nam phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Hiện đã có trên 1200 công ty lữ hành quốc tế, trên 5000 công ty lữ hành nội địa, 1200 hướng dẫn viên (khoảng 8500 HDV quốc tế), phương tiện vận chuyển cũng tăng nhanh (trên 15.000 ô tô và gần 700 tàu thuyền). Có thể nói về số lượng lữ hành Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực. Tuy nhiên về chất lượng hoạt động lữ hành Việt Nam còn có khoảng cách khá xa với các nước. Trên 90% các công ty lữ hành là vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Hầu hết các doanh nghiệp này không đủ sức vươn ra thị trường quốc tế. Trên 80% các doanh nghiệp lữ hành quốc tế chỉ kinh doanh đưa người Việt Nam ra nước ngoài. Công tác quản lý lữ hành còn nhiều bất cập. Tình trạng kinh doanh trái phép, không phép trong lữ hành còn nhiều. Đã xảy ra một số vụ vi phạm nghiêm trọng trong kinh doanh lữ hành (ví dụ Công ty Travellife đưa 700 khách sang Thái Lan rồi bỏ mặc khách…). Do chưa được nhà nước quan tâm đúng mức nên hoạt động lữ hành Việt Nam còn nhiều khó khăn, vì vậy sự tụt hậu so với một số nước trong khu vực là điều dễ hiểu.
(Bùi Tuấn – Lào Cai): Ông nhận định như thế nào về triển vọng của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam trong năm 2014?Theo tôi, triển vọng của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam là sáng sủa. Tuy hiện tại còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ngân sách dành cho xúc tiến, quảng bá bị cắt giảm trầm trọng, nhưng nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn vươn lên mạnh mẽ. Một số thương hiệu lữ hành như Saigontourist, Vietravel, Vietnamtourism, Red tour… đã có chỗ đứng trong khu vực. Hoạt động của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đã có nhiều khởi sắc với hàng loạt các sự kiện như như Hội chợ Du lịch Quốc tế - Hà Nội 2013, các cuộc khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch, xây dựng Câu lạc bộ Hướng dẫn viên tiếng Nhật Bản tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ Outbound Hàn Quốc, Diễn dàn Doanh nghiệp Du lịch vừa và nhỏ… đã tạo điều kiện tập hợp các doanh nghiệp cùng hợp sức xây dựng sản phẩm và phối hợp kinh doanh. Dưới lá cờ của Hiệp hội Lữ hành, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đã từng bước đoàn kết, phối hợp hành động, nâng cao sức cạnh tranh cho Du lịch Việt Nam.
(Đặng Ngọc Bích – Bình Thuận): Tôi đang ấp ủ dự định mở công ty lữ hành nhưng còn ngần ngại vì tình hình chung hiện nay còn khủng hoảng, ông có thể cho tôi một lời khuyên?Lời khuyên của tôi là hãy thận trọng, xem xét kỹ các điều kiện, năng lực của bạn trước khi thành lập công ty lữ hành. Cuộc khủng hoảng kinh tế là khó khăn khách quan, nhưng nó không cản trở kinh doanh lữ hành mà với một số người, đây lại là một cơ hội để doanh nghiệp của họ vượt lên bằng cách tham gia chương trình kích cầu, xây dựng các sản phẩm độc đáo hoặc tìm ra một thị trường mới. Yếu tố chủ quan của bạn là quyết định. Bạn đã có kinh nghiệm hoạt động lữ hành chưa, có nguồn khách không, đội ngũ nhân lực và nguồn tài chính của bạn như thế nào, đó là căn cứ chính để bạn quyết định dấn thân vào cuộc trường chinh không có hồi kết đó là tìm kiếm khách, phục vụ khách, vui buồn cùng khách, không có thời gian dành cho riêng mình, sẵn sàng lang thang đến cùng trời cuối đất. Chúc bạn có một sự lựa chọn sáng suốt.
(Lâm Vân Anh - Vũng Tàu): Đã gắn bó gần 20 năm trong ngành Du lịch, điều gì đã cuốn hút ông tâm huyết với nghề đến vậy?Với tôi việc gia nhập làng du lịch là ngẫu nhiên, như có sự sắp đặt của số phận. Đã hơn 25 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin rồi trong phút chốc lại chuyển sang du lịch, thành nhà quản lý các doanh nghiệp lữ hành, tham gia biên soạn luật, nghị định thông tư, chương trình đào tạo hướng dẫn viên… Càng đi sâu, tôi càng thấy du lịch thật hấp dẫn. Du lịch là ngành kinh tế, nó hoạt động và phát triển theo các quy luật kinh tế. Nhưng du lịch lại có nội hàm văn hóa rất cao, có đắm sâu vào môi trường văn hóa đó mới thấy được cái hay, cái đẹp, cái hấp dẫn của du lịch. Tôi đã quan sát có nhiều người làm du lịch nhưng chưa thật sự có tình cảm gắn kết với sự nghiệp đang theo đuổi. Nhưng cũng có những người lại bị sức hút mạnh mẽ của du lịch cuốn vào. Họ say mê, yêu quý và gắn bó cả đời cho du lịch. Đôi khi họ là nạn nhân của sự say mê đó và không thoát ra được.
Tôi cố gắng hài hòa để có đủ trí tuệ tìm ra cho mình, cho Ngành những phát hiện mới và có đủ say mê để triển khai các chương trình, kế hoạch mà mình đề xuất. Trong gần 20 năm qua gắn bó với ngành Du lịch, tôi có một số thành công, nhưng cũng nhiều khó khăn cản trở. Nhưng chính những khó khăn đó lại tạo điều kiện cho tôi gắn bó nhiều hơn với ngành Du lịch.