Phụ trách trả lời câu hỏi kỳ này: Bà Nguyễn Thanh Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn – Tổng cục Du lịch
Mọi câu hỏi thắc mắc của bạn xin gửi về địa chỉ email: tcdlvn@gmail.com (Ngọc Hà – TP. Hồ Chí Minh): Xin bà cho biết đôi điều về Liên hoan Ẩm thực quốc tế - Huế 2014?Liên hoan ẩm thực quốc tế Huế 2014 diễn ra tại TP. Huế từ ngày 15 - 19/4/2014 trong dịp Fesstival Huế. Đến đây, du khách được thưởng thức, chiêm ngưỡng nghệ thuật trình bày những món ăn, hấp dẫn của các quốc gia trong khu vực và các vùng miền trong nước, đặc biệt là các món ẩm thực cung đình Huế. Liên hoan là nơi trao đổi kinh nghiệm chế biến món ăn truyền thống, hợp tác lực lượng lao động chuyên nghiệp, thông qua đó có thể ký kết cung cấp xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, thực phẩm nhằm phong phú hóa sản phẩm ẩm thực của các bên để thu hút và phục vụ du khách.
Khách đến dự liên hoan còn có dịp gặp gỡ giao lưu với các nghệ nhân đầu bếp nổi tiếng đến từ các khách sạn, nhà hàng, xem giới thiệu về hình ảnh, sản phẩm du lịch, khu tuyến điểm du lịch của các địa phương và thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc trong lễ khai mạc, bế mạc cũng như suốt thời gian diễn ra liên hoan.
(Nguyễn Dạ Hương – Bình Dương): Bà có nhận xét gì về dịch vụ ẩm thực trong hệ thống cơ sở lưu trú, khách sạn tại Việt Nam?Thời gian vừa qua, lực lượng hơn 12.000 cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam, đặc biệt là 370 khách sạn 3 - 5 sao và các cơ sở lưu trú cao cấp đã tập trung đầu tư lớn cho dịch vụ ẩm thực nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm. Với cách bố trí những khu phục vụ đoàn khách từ 50 - 1000 người hay không gian riêng tư cho từng nhóm nhỏ, nhà hàng trong khách sạn đã đáp ứng nhu cầu đa dạng về quy mô cho dù là những khách đi lẻ hay những tour đông khách, bị hạn chế về thời gian hoặc những hội nghị, hội thảo lớn của quốc gia và quốc tế.
Các cơ sở lưu trú du lịch của Việt Nam là nơi hội tụ những đặc trưng nghệ thuật ẩm thực của các vùng miền khắp năm châu, khai thác tinh hoa văn hóa ẩm thực để tổ chức phục vụ du khách đồng thời có thêm sáng tạo để làm phong phú hơn. Thực khách có thể ngồi một chỗ để thưởng thức những sơn hào hải vị của rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, từ susi, thịt bò Kobê ở xứ mặt trời mọc, cá hồi, cá tuyết của vùng biển Na Uy, trứng cá Nga, rượu vang Pháp, táo Mỹ hay phở, nem, gỏi cuốn, tôm hùm, trà xanh của Việt Nam... Rất nhiều món ăn đồ uống dân dã ở các góc chợ như bánh đúc, tào phớ, bún, nước vối của miền Bắc, các loại bánh lọc, chè của miền Trung, các loại gỏi, mắm, lẩu, sinh tố của miền Nam... đã được các khách sạn đưa vào thực đơn phục vụ khách nhưng nâng lên thành nghệ thuật thông qua cách bài trí và phong cách phục vụ đặc biệt.
Một số khách sạn 3 sao và các khách sạn 4 - 5 sao đều có những bếp bánh riêng, hàng ngày luôn có bánh mới ra lò để phục vụ khách ăn tại chỗ.
Có thể nói, cơ sở lưu trú du lịch, nơi đón tiếp du khách bốn phương, đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thị hình ảnh du lịch Việt Nam thông qua các hoạt động ẩm thực. Hệ thống cơ sở lưu trú Du lịch Việt Nam đã và đang phát triển theo xu hướng chung của thế giới, hướng tới hội nhập quốc tế, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới.
(Vũ Văn Đức – Hà Nội): Xin bà cho biết về dịch vụ của hệ thống khách sạn tại đồng bằng sông Cửu Long để du khách có thể dễ dàng lựa chọn? Cùng với sự phát triển của hoạt động du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trưởng tương đối nhanh. Nếu so với tốc độ tăng trưởng của cả nước, có thể thấy tốc độ tăng trưởng số buồng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng số buồng bình quân của cả nước trong giai đoạn này. Có thể nhận thấy, số lượng cơ sở lưu trú cũng như số buồng tập trung chủ yếu ở một số tỉnh như Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang. Từ giai đoạn 2010 trở lại đây, Tiền Giang đã có sự tăng trưởng mạnh về số lượng cơ sở lưu trú du lịch cũng như số buồng. Sự phát triển này cũng phù hợp với xu hướng thu hút khách quốc tế và khách nội địa tới các điểm thăm quan chủ yếu trong vùng.
Về tỷ trọng, các cơ sở lưu trú du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 7-8% so với tổng số cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước. Tuy nhiên, hầu hết là các cơ sở lưu trú du lịch có quy mô nhỏ (dưới 30 phòng).
Số lượng các cơ sở lưu trú du lịch đạt hạng cao cấp của toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn rất thấp. Hiện nay, toàn khu vực chỉ có 27 khách sạn 3 sao và 6 khách sạn 4 sao nhưng chủ yếu tập trung ở Cần Thơ.