Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý, lãnh đạo các tỉnh/thành, các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp hàng không và du lịch đều nhận định sự bùng nổ của hàng không Việt Nam vừa qua, xuất phát từ tốc độ phát triển kinh tế khá cao và sự phát triển mạnh mẽ của du lịch nội địa cũng như quốc tế. Tuy vậy, thách thức và cách thức phát triển cơ sở hạ tầng của ngành Hàng không là rất lớn, vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra là cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để phát triển ngành Hàng không Việt Nam trong đó là đầu tư hạ tầng tại các sân bay và hạ tầng cơ sở, phấn đấu đạt số lượng máy bay là 220 chiếc vào năm 2020 và đạt gấp đôi con số đó vào năm 2030.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Chính phủ đã phê duyệt sẽ có 26 sân bay với tổng mức đầu tư 10,5 tỷ USD. Việt Nam hiện đang triển khai 11 dự án, trong đó 7 dự án sẽ hoàn tất trong ba năm tới.
Việt Nam hiện có 5 dự án hạ tầng cảng hàng không có vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân được triển khai và đang xin chủ trương đầu tư như: cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; nhà ga hành khách quốc tế, cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; cảng hàng không quốc tế Phan Thiết, Cát Bi và Chu Lai… Hiện nay, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã đi vào vận hành và được đánh giá như một bài học thành công về “tư nhân hóa”.
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ 5 trên thế giới về lượng khách quốc tế và hàng hóa được vận chuyển. Với dân số gần 100 triệu người, hàng không nội địa của Việt Nam sẽ tăng trung bình 15%/năm trong thời gian tới.
Năm 2017, toàn thế giới đón trên 1,2 tỷ khách, doanh thu đạt 1.330 tỷ USD. Châu Á - Thái Bình Dương đạt con số tăng trưởng trên 6,8% trong 4 tháng đầu năm 2017, dẫn đầu trong 5 khu vực địa lý của thế giới. Việt Nam nằm trong khu vực phát triển năng động nhất của thế giới trong 5 năm qua.
Dự báo, tổng thị trường vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tăng trung bình 16%/năm giai đoạn đến năm 2020 và sản lượng vận chuyển đạt 74 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2020 và 131 triệu lượt hành khách vào năm 2030.
Theo Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương, vận tải hàng không là một trong những lĩnh vực vận chuyển nhiều khách du lịch nhất, vì thế, hàng không và du lịch luôn cần gắn kết để cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam hiện có 21 sân bay đang hoạt động với tổng công suất khoảng hơn 70 triệu khách/năm, trong khi đó, hạ tầng Hàng không Việt Nam đang quá tải khiến hành khách chờ đợi làm thủ tục trong thời gian quá dài, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Du lịch nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.
Về vấn đề hạ tầng chưa được đáp ứng, ông Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh cho biết, cần có chính sách quốc gia về hàng không dân dụng. Ngoài ra, phải có chính sách mạnh, rõ ràng để lôi kéo đầu tư phát triển hàng không.
Trao đổi về phát triển hàng không địa phương, ông Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết về quá trình phát triển của cảng hàng không Thọ Xuân: hiện cảng có 3 hãng hàng không đang khai thác gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacifics và hàng tuần có 61 chuyến bay cất và hạ cánh. Riêng năm 2017, đón 900 nghìn lượt khách, dự tính năm 2018 sẽ đón trên 1 triệu lượt khách. Ông cũng khẳng định, cảng hàng không Thọ Xuân là một trong những cảng được đưa vào sử dụng và khai thác có hiệu quả , đảm bảo cả hạ tầng giao thông và hạ tầng cơ sở, đồng thời mong muốn các nhà đầu tư, các hãng hàng không mới như Bamboo Airlines sẽ tiếp tục lựa chọn cảng hàng không Thọ Xuân là điểm khai thác những đường bay mới, nhất là đường bay quốcc tế nhằm thúc đẩy khách du lịch đến với Thanh Hóa.
Anh Minh