Đặc điểm và vai trò của thế hệ Z
Thế hệ Z sinh ra và lớn lên trong giai đoạn bùng nổ internet, quen thuộc và gắn liền với kỹ thuật số, hay còn gọi là người bản địa kỹ thuật số (digital natives). Vì vậy, thế hệ này còn có tên gọi là Net-Generation hay i-Generation. Theo thống kê, thế hệ Z sẽ chiếm 1/3 số lượng dân số trên thế giới. Hiện tại, thế hệ Z đã bắt đầu bước vào thị trường lao động. Việc hiểu được đặc điểm của thế hệ Z là thực sự cần thiết để có thể thu hút lực lượng lao động được sinh ra trong thế hệ này vào lĩnh vực kinh doanh khách sạn.
Thế hệ Z sẽ trở thành lực lượng lao động quan trọng trong tương lai. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra thế hệ Z có các đặc điểm như sau: thế hệ Z quen thuộc và phụ thuộc vào internet. Đặc biệt, việc họ nhìn nhận về thế giới bên ngoài không thể thiếu được internet; họ hiểu rõ về nhu cầu, mong muốn và kỳ vọng của bản thân. Họ thể hiện sự tự tin, có tinh thần gắn bó với các thành viên trong nhóm, yêu cầu đảm bảo cho tương lai, mong muốn tìm kiếm hạnh phúc tại nơi làm việc và độc lập với quyền lực. Họ thích môi trường văn phòng các công ty và mong muốn một công việc có tính linh hoạt. Các cá nhân sinh ra ở thế hệ Z quan tâm đến sự phù hợp giữa cá nhân và công việc, cùng với đó là an ninh an toàn trong công việc. Thế hệ Z thích giao tiếp trực tiếp, tuy nhiên mong muốn các doanh nghiệp có sự thích ứng với các phương tiện truyền thông xã hội; thích làm việc ở nhiều hơn một quốc gia trong sự nghiệp của mình; thích sự đánh giá thường xuyên trong công việc hơn là đánh giá định kỳ hàng năm. Họ đánh giá cao sự trung thực và liêm chính của người giám sát và quản lý. Thế hệ Z thích bắt đầu làm việc sớm, thích khởi nghiệp, sẵn sàng làm việc từ khi còn đang học và làm việc chăm chỉ nhưng kỳ vọng nhanh được thăng tiến trong công việc. Tuy vậy, họ có thể thiếu những kỹ năng cần thiết trong công việc...
Tại Việt Nam, thế hệ Z đang trở thành lực lượng quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thay vì phá vỡ các giá trị truyền thống của thế hệ trước, thế hệ Z của Việt Nam ưa thích các giá trị của địa phương và có những cam kết vững chắc với các vấn đề của xã hội, đồng thời trân trọng các giá trị truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc sống hiện đại. Tuy vậy, thế hệ Z người Việt Nam vẫn chưa thực sự tự tin. Cơ hội phát triển nghề nghiệp của họ có thể bị ảnh hưởng do hoạt động tư vấn nghề nghiệp của hệ thống giáo dục chưa tốt.
Một nghiên cứu từ Nielsen (2018) trên 370 người, trong đó 160 người thuộc thế hệ thế hệ Y và 210 người thuộc thế hệ Z cho thấy, các thành viên thuộc thế hệ Z ở Việt Nam dành nhiều thời gian trên mạng xã hội. Họ tham gia và thể hiện bản thân trực tuyến. Vì vậy, điều này sẽ có tác động rất lớn đến hành vi của họ. Việc nắm bắt sự khác biệt rất rõ nét giữa thế hệ Y và thế hệ Z, đồng thời việc hiểu được đặc điểm của thế hệ Z sẽ giúp các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo… tác động đến thái độ, hành vi của thế hệ Z, trong đó có thái độ, hành vi về việc làm trong lĩnh vực khách sạn.
Các khía cạnh đánh giá thái độ đối với nghề nghiệp trong lĩnh vực khách sạn của thế hệ Z
Thái độ được coi yếu tố có ảnh hưởng quan trọng đến hành vi của một cá nhân. Thái độ đối với nghề nghiệp có tác động lớn đến tiến trình hành vi trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp cũng như ảnh hưởng đến khả năng thành công và sự hài lòng đối với công việc của người lao động. Để đánh giá thái độ đối với nghề nghiệp trong lĩnh vực khách sạn của thế hệ Z cần căn cứ trên các khía cạnh như sau:
Bản chất công việc: là một trong những khía cạnh cấu thành để đánh giá thái độ đối với nghề nghiệp trong lĩnh vực khách sạn. Bản chất công việc được cho là những đặc điểm của công việc hay nghề nghiệp trong lĩnh vực khách sạn.
Điều kiện làm việc: được hiểu là sự phản ánh môi trường khi một công việc được thực hiện trong đó. Nó bao gồm sự hiện diện của các vấn đề liên quan đến sức khỏe, các mối nguy hiểm, tiếng ồn, nhiệt độ và sự sạch sẽ… của môi trường làm việc.
Địa vị xã hội: là một chỉ số tổng quát xác định vị trí của một cá nhân trong hệ thống các mối quan hệ xã hội. Địa vị xã hội của một cá nhân được hình thành từ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố nghề nghiệp, có thể được đánh giá bằng việc một cá nhân có tự hào về nghề nghiệp của mình hay không, các thành viên trong gia đình có yêu thích công việc mà họ đang đảm nhận không và nếu công việc đó được coi là một nghề nghiệp thì nó có được tôn trọng và được coi là quan trọng trong xã hội hay không.
Sự phù hợp cá nhân - công việc: là sự tự tin của một cá nhân khi cho rằng tính cách, đặc điểm của cá nhân có sự phù hợp chặt chẽ với các loại công việc có sẵn trong một lĩnh vực cụ thể, ở đây là lĩnh vực khách sạn. Đồng thời, cá nhân đó cũng cảm thấy tự tin rằng họ sẽ có cơ hội để sử dụng khả năng và năng lực của mình khi làm việc trong lĩnh vực này.
Thu nhập và đãi ngộ: Thu nhập là lợi ích tài chính mà người lao động có được từ tiền lương, thưởng cho công việc của mình. Đãi ngộ được coi là các phần thưởng mang tính chất bổ sung, phi tài chính được người sử dụng lao động cung cấp cho nhân viên.
Cơ hội thăng tiến: là cơ hội được phát triển, thăng tiến.
Đồng nghiệp: là một yếu tố cấu thành thái độ đối nghề nghiệp trong lĩnh vực khách sạn. Yếu tố đồng nghiệp được sử dụng trong nghiên cứu này được hiểu là những suy nghĩ, đánh giá về những người làm việc trong cùng một tổ chức ở lĩnh vực khách sạn.
Đội ngũ quản lý: Thái độ đối với đội ngũ quản lý là một yếu tố cấu thành thái độ đối với nghề nghiệp. Đây được hiểu là các nhận định, đánh giá về những khía cạnh của đội ngũ quản lý ở lĩnh vực khách sạn.
Con đường phát triển nghề nghiệp, tiềm năng của nghề và phát triển cá nhân: được hiểu là các đánh giá về khả năng phát triển nghề nghiệp trong dài hạn, cơ hội thành công trong tương lai và khả năng phát triển năng lực của bản thân khi thực hiện công việc trong lĩnh vực khách sạn Thái độ đối với nghề nghiệp trong lĩnh vực khách sạn là một chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Bài viết nhằm khám phá nội hàm của thái độ đối với nghề nghiệp của thế hệ Z để từ đó có thể đưa ra phương pháp đánh giá thái độ đối với nghề nghiệp trong lĩnh vực khách sạn của thế hệ Z tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Nielsen. (2018), How to engage generation Z Vietnam. truy cập từ https://www.nielsen.com/apac/en/insights/article/2018/how-to-engage-with-generation-z-in-vietnam/ ngày 26 tháng 5 năm 2021.
2. Wen, H., Li, X., & Kwon, J. (2019), ‘Undergraduate Students ’Attitudes Toward and Perceptions of Hospitality Careers in Mainland China’, Journal of Hospitality and Tourism Education, Số 31, Tập 3, tr. 159–172
3. Richardson, S., & Butler, G. (2012), ‘Attitudes of Malaysian Tourism and Hospitality Students’ towards a Career in the Industry Attitudes of Malaysian Tourism and Hospitality Students ’ towards a Career in the Industry’, Asia Pacific Journal of Tourism Research, Số 17, Tập 3, tr.261-276.
ThS. Phạm Thị Thu Phương
(Nguồn:Tạp chí Du lịch tháng 10/2021)